THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:45

Công tác xây dựng thể chế của Bộ LĐ-TB&XH năm 2021: Hướng tới người dân và doanh nghiệp

* 2021 là năm đặc biệt trong công tác xây dựng thể chế của Bộ LĐ-TB&XH với rất nhiều dấu ấn nổi bật. Đâu là điểm nhấn của công tác này trong năm qua, thưa ông?

- Năm 2021, thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH xây dựng, trình 45 đề án, bao gồm 02 đề án trình Ban Bí thư, 01 hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, 42 đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó có những đề án quan trọng quy định chi tiết thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Điểm xuyên suốt công tác xây dựng thể chế của Bộ trong năm 2021 là đều hướng tới bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp, người già, trẻ em, người có công với cách mạng, tạo sự công bằng xã hội, hỗ trợ đối tượng yếu thế ổn định cuộc sống trong bối cảnh đại dịch, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có những quy định chưa có tiền lệ.

Một trong các kết quả nổi bật trong năm 2021 của Bộ là đã tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong ảnh: Thứ trưởng Lê Tấn Dũng trao tặng túi an sinh của Bộ LĐ-TB&XH cho gia đình bị ảnh hưởng bởi Covid-19 tại xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp ngày 24/9/2021.

Một trong các kết quả nổi bật trong năm 2021 của Bộ là đã tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong ảnh: Thứ trưởng Lê Tấn Dũng trao tặng "túi an sinh" của Bộ LĐ-TB&XH cho gia đình bị ảnh hưởng bởi Covid-19 tại xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp ngày 24/9/2021.

* Ông có thể cho biết cụ thể hơn tác động của các chính sách do Bộ tham mưu xây dựng tới các đối tượng thụ hưởng?

- Có thể khẳng định, các chính sách của ngành đều hướng đến người dân và doanh nghiệp, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Từ các chính sách mới được ban hành trong năm qua, đã có hàng chục triệu người và hàng trăm ngàn doanh nghiệp được hưởng lợi. Điều này được thể hiện trong suốt cả năm 2021.

Đầu năm là 2 Nghị định quan trọng về công tác giảm nghèo và trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội. Trước hết là Nghị định 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, từ năm 2022, mức chuẩn hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập ở khu vực nông thôn tăng lên 1,5 triệu đồng/tháng (mức chuẩn cũ là 700 nghìn đồng/người/tháng); mức chuẩn nghèo khu vực thành thị tăng lên 2 triệu đồng/người/tháng (chuẩn cũ là 900 nghìn đồng/người/tháng). Theo ước tính, với việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều mới, sẽ có hơn 4,4 triệu hộ, tương ứng với trên 17,4 triệu người nghèo sẽ được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ giảm nghèo.

Theo Nghị định 20/NĐ-CP, có 3,25 triệu đối tượng bảo trợ xã hội được thụ hưởng mức chuẩn trợ giúp xã hội mới.

Theo Nghị định 20/NĐ-CP, có 3,25 triệu đối tượng bảo trợ xã hội được thụ hưởng mức chuẩn trợ giúp xã hội mới.

Tiếp đó, ngày 15/3/2021, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Nghị định 20 đã nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội tăng từ 270 nghìn đồng lên 360 nghìn đồng/tháng nhằm cải thiện một bước đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội; đồng thời mở rộng thêm nhiều đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, như người từ 75 - 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn; trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn. Ước tính, tổng số đối tượng được hưởng chính sách từ ngày 1/7/2021 là khoảng 3,25 triệu người, tăng 120 nghìn đối tượng so với quy định trước đây.

Giữa năm 2021, Bộ đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng với mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 1.624 nghìn đồng. Nghị định 75 có nhiều quy định mới về mức trợ cấp hàng tháng đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng hưởng mức trợ cấp mới bằng nhau là 4.872 nghìn đồng/tháng thay vì hưởng trợ cấp theo số con là liệt sĩ); Các khoản trợ cấp ưu đãi một lần, ưu đãi giáo dục, điều dưỡng sức khỏe, trang cấp dụng cụ chỉnh hình, thăm viếng, di chuyển mộ liệt sĩ…  được quy định bằng hệ số, tính trên mức chuẩn trợ cấp nhằm đảm bảo các chế độ được tăng đồng thời theo mức tăng của chuẩn trợ cấp.

Đặc biệt, trước những tác động của dịch bệnh Covid-19, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động nắm bắt, tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ và duy trì sự ổn định, phát triển cho doanh nghiệp. Đến nay, tổng kinh phí thực hiện các chính sách chưa có tiền lệ này đã lên đến 74.102 tỷ đồng hỗ trợ cho 43,77 triệu lượt người dân, người lao động và gần 742 nghìn doanh nghiệp, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch, góp phần thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, làm tốt các chính sách “an sinh để an dân”.

Đến cuối năm 2021, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 108/2021/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng. Theo đó, sẽ có khoảng 3 triệu người được tăng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng thêm 7,4% và hơn 300 nghìn người tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm theo số tiền tuyệt đối sau khi đã được điều chỉnh theo mức tăng chung 7,4%.

* Năm 2022 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025. Vậy công tác xây dựng thể chế của Bộ sẽ tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu nào thưa ông?

- Năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm của Bộ LĐ-TB&XH về công tác xây dựng thể chế là tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về lao động, người có công và xã hội. Yêu cầu đặt ra là công tác xây dựng thể chế phải đáp ứng yêu cầu phục hồi kinh tế - xã hội, phát triển đất nước và bảo đảm hội nhập quốc tế, phù hợp với những tiến bộ và cam kết quốc tế, góp phần cụ thể hóa chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo tiến bộ công bằng xã hội. Trong đó sẽ tập trung, ưu tiên xây dựng Hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật BHXH, Luật Việc làm; tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH. Đồng thời, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực quan hệ lao động, tiền lương đáp ứng yêu cầu của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế; hoàn thiện các quy định về tiền lương nhằm khuyến khích, thu hút người lao động quay trở lại làm việc; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong bối cảnh mới; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về an toàn vệ sinh lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi phù hợp với nền kinh tế thị trường; hệ thống quy chuẩn Việt Nam về an toàn vệ sinh lao động. Xây dựng, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật quy định và hướng dẫn thi hành pháp luật về lao động, người có công và xã hội. Nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật về các lĩnh vực của ngành.

* Xin trân trọng cảm ơn ông!

“Có thể thấy, các chính sách nêu trên vừa bao gồm những chính sách mang tính chiến lược, dài hạn, vừa bao gồm những chính sách nhằm phúc đáp tức thì nhu cầu an sinh xã hội trong tình huống đặc biệt. Phải đặt trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nguồn lực ngân sách nhà nước còn hạn chế và gặp nhiều khó khăn mới thấy hết được ý nghĩa quan trọng của các chính sách nêu trên trong thời gian qua”. - Ông Nguyễn Văn Bình đánh giá.

THÙY HƯƠNG (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh