THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:00

Chính sách giảm nghèo vùng Tây Bắc: Hạn chế “cho không, biếu không”

Tỉ lệ hộ nghèo còn cao 

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Việt Nam về đích trước thời hạn nhiều Mục tiêu thiên niên kỷ, trong đó có mục tiêu giảm nghèo. Thành công trong công tác giảm nghèo gần 2 thập kỷ qua là kết quả tăng trưởng kinh tế nhanh và nỗ lực của toàn hệ thống chính trị khi luôn đặt công tác giảm nghèo là mục tiêu hàng đầu của quốc gia.

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng, vùng Tây Bắc luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm ưu tiên về đầu tư, cơ chế, chính sách để thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Tuy nhiên, tại nhiều nơi trong vùng, tỷ lệ nghèo dù giảm khá nhiều so cách đây 10 năm, nhưng vẫn còn ở mức cao gấp 2,7 lần mức bình quân cả nước; nguy cơ giãn cách ngày càng xa, nhất là ở các tỉnh thuộc chương trình 30a.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với bà Victoria Kwakwa, Trưởng đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam về những ưu tiên đầu tư cho vùng Tây Bắc.

Trong đó, 6 tỉnh có tỉ lệ hộ cao cao gồm: Hà Giang: 23,21%; Cao Bằng: 20,55%: Yên Bái: 20,57%: Sơn La: 23,94%; Điện Biên 32,57% và Lai Châu 23,48%. Vì vậy, sự nghiệp giảm nghèo ở vùng Tây Bắc là thách thức lớn nhất trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo và còn nhiều khó khăn, phức tạp.

Báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Bắc chỉ rõ: Bằng nhiều nguồn lực và các chương trình mục tiêu quốc gia, cơ sở vật chất và hạ tầng từ tỉnh đến cơ sở vùng Tây Bắc nói chung và 6 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu nói riêng đã có bước phát triển mới, được đầu tư, xây dựng khá đồng bộ, tạo một diện mạo mới cho nông thôn vùng cao. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân có bước cải thiện đáng kể. Đồng bào đã biết sản xuất hàng hóa, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Tốc độ giảm nghèo chưa đồng đều

Tại hội nghị, Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí cho biết: Tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng Tây Bắc đã giảm từ 34,41% vào thời điểm cuối năm 2010 xuống còn 18,26% vào cuối năm 2014, bình quân giảm 3,91%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ trong vùng Tây Bắc giảm xuống còn 31,94% vào cuối năm 2014, giảm 5,55% so với cuối năm 2013 và giảm 25,58% trong cả giai đoạn, bình quân giảm trên 6%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của các xã được hỗ trợ đầu tư theo Chương trình 135 cũng đã giảm từ 3 - 5% mỗi năm, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, trong đó 21 xã đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu theo Chương trình 135. Tỷ lệ hộ nghèo của 6 nói trên trong năm 2014 còn 23,6%.

Nhiều nỗ lực giảm nghèo, tuy nhiên, theo nhận định của Thứ trưởng Huỳnh Văn Tí, tốc độ giảm nghèo giữa các vùng, miền không đồng đều, thiếu tính bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ ở các huyện nghèo còn lúng túng, việc triển khai các chính sách hỗ trợ hộ nghèo gặp khó khăn. Chính sách hỗ trợ đất sản xuất đã được triển khai từ giai đoạn 2006 - 2010 nhưng kết quả thực hiện được rất hạn chế, do quỹ đất không còn. Nhiều tỉnh gặp khó khăn trong việc tạo quỹ đất. Một số địa phương còn thụ động trong thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Công tác lồng ghép nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án và các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cũng gặp nhiều khó khăn và chưa đạt hiệu quả cao.

Tại nhiều địa phương trong vùng Tây Bắc, hạ tầng giao thông còn rất khó khăn.


Tạo nguồn vốn giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, trong những năm qua, ngành ngân hàng luôn bám sát chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, đã triển khai các giải pháp để hướng dòng vốn tín dụng tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên; xây dựng chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; triển khai chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp nhằm khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm... Song song với nguồn vốn tín dụng thương mại, nguồn vốn tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp, thủ tục vay đơn giản, không cần thế chấp tài sản là một giải pháp quan trọng giúp người nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định an ninh chính trị và xây dựng nông thôn mới ở vùng Tây Bắc.

Giai đoạn 2009 - 2015, Ngân hàng CSXH đã tập trung nguồn vốn tín dụng ưu tiên đầu tư cho những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, góp phần quan trọng thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện nghèo; từng bước tạo sự chuyển biến về đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Bắc. Có trên 2,6 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, phục vụ đời sống, góp phần giúp trên 360.000 hộ thoát nghèo. Từ các nguồn vốn chính sách, trên 122.000 lao động có việc làm; xây dựng trên 663.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; gần 152.000 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách; hơn 225.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đến trường; hơn 9.800 lao động được vay vốn đi làm việc tại các thị trường: Malaysia, Đài Loan, Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Cùng giai đoạn 2009 - 2015, ngành ngân hàng cũng đã triển khai nhiều chương trình an sinh xã hội (ASXH) tại 14 tỉnh thuộc vùng Tây Bắc, với tổng số tiền 2.262 tỷ đồng. Trong đó, tài trợ cho 6 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 20%, đạt hơn 1.208 tỷ đồng (chiếm 58% tổng số kinh phí hỗ trợ vùng  Tây Bắc). Các chương trình ASXH được triển khai tại Tây Bắc chủ yếu tập trung vào mục đích y tế, giáo dục và hỗ trợ hộ nghèo, với hàng chục nghìn ngôi nhà cho người nghèo, hàng trăm trường học các cấp và nhiều trạm y tế xã được xây dựng; hỗ trợ chính quyền địa phương xây dựng đường sá, cầu cống, nhà văn hóa, công trình tưởng niệm. Qua đó, góp phần đáng kể, thiết thực giúp người dân Tây Bắc cải thiện điều kiện sống, tăng thêm cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm...Một số giải pháp giúp giảm nghèo nhanh tại 6 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao vùng Tây Bắc được đưa ra thảo luận tại hội nghị, trong đó nhấn mạnh giải pháp chuyển một số chính sách cho không, cấp không sang chính sách cho vay ưu đãi theo nguyên tắc hỗ trợ có điều kiện, có thời hạn để gắn với trách nhiệm và tính tự giác của hộ nghèo; để người dân có ý thức bảo toàn vốn, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước.

Hoạt động của các ngân hàng tại khu vực Tây Bắc trong những năm qua đã đạt được kết quả đáng khích lệ, tổng dư nợ cho vay tại vùng Tây Bắc ước tính đến cuối tháng 12/2015 đạt 175.047 tỷ đồng, tăng 17,85% so với 31/12/2014, chiếm tỷ trọng 3,9%, so với tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế.

Tại 6 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao, dư nợ đạt 67.959 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 38,8%/tổng dư nợ tín dụng khu vực Tây Bắc, tăng 14,16% so với thời điểm cuối năm 2014.  Ước tính đến cuối 2015, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách vùng Tây Bắc thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội đạt 30.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 21% tổng dư nợ toàn quốc, tăng 19.351 tỷ đồng so với đầu năm 2009, tương đương với tỷ lệ tăng là 181%, cao hơn tỷ lệ tăng trưởng toàn quốc.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Theo chuẩn nghèo mới, mục tiêu và nhiệm vụ giảm nghèo bền vững của chúng ta không thay đổi, nhưng giải pháp thực hiện phải đồng bộ, toàn diện, hiệu quả để người nghèo vừa được nâng cao thu nhập, vừa được tiếp cận đầy đủ dịch vụ xã hội cơ bản.

Quan trọng hơn là phải đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ tận gốc rễ căn nguyên đói nghèo, đảm bảo mục tiêu thoát nghèo bền vững. Việc tìm nguyên nhân căn cơ của đói nghèo là vô cùng quan trọng, bởi từ nguyên nhân đó mà chúng ta có giải pháp thích hợp cho từng vùng, từng địa phương.

CHU LƯƠNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh