CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:10

Công tác cán bộ trong xây dựng Đảng: “Then chốt của then chốt”

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, tháng 2/1951. Ảnh: Tư liệu.


Thưa PGS, vì sao ông lại tâm đắc với vấn đề cán bộ trong công tác xây dựng Đảng, có phải bởi thời gian qua nổi lên nhiều chuyện về cán bộ được dư luận hết sức quan tâm?

Vấn đề cán bộ luôn được Đảng ta hết sức quan tâm, vừa qua chỉ là những sự việc nổi cộm. Tại Đại hội XII của Đảng, kế thừa và phát huy các kỳ đại hội trước, Trung ương một lần nữa xác định, phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Trong đó, công tác cán bộ có thể được coi là “then chốt của then chốt”.

Nói cách khác, công tác cán bộ là then chốt của xây dựng Đảng. Nếu công tác cán bộ yếu kém, cán bộ suy thoái thì tổ chức Đảng khác gì ngôi nhà bị hỏng then cài, cửa rả lỏng lẻo, sao có thể yên tâm ăn ở, phát triển với ngôi nhà như vậy.

Đây vừa là đúc kết rất sâu sắc từ lý luận và thực tiễn lãnh đạo của Đảng qua nhiều thập kỷ, vừa là sự kế thừa quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ. Người từng dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “công việc có thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Người nhắc nhở: “Đảng phải luôn nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”.

Không chỉ là quan điểm, Bác còn sớm bắt tay chọn lựa, bồi dưỡng cán bộ cho Đảng, từ khi chuẩn bị các bước thành lập Đảng, cho đến suốt sự nghiệp cách mạng sau này. Bác đã quy tụ được một lớp cán bộ trung kiên, có trình độ lý luận cách mạng, phẩm chất đạo đức và năng lực tổ chức thực tiễn. Nhiều người sau đó đã trở thành những nhà lãnh đạo tài năng, uy tín của Đảng, như Tổng Bí thư Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp…

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Bác còn quan tâm mở rộng tìm kiếm và trọng dụng cả những người tài dù họ chưa đứng trong hàng ngũ của Đảng. Nhờ đó, bộ máy lãnh đạo quy tụ được nhiều nhân sĩ, trí thức ưu tú như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Phan Anh, Phan Kế Toại…

Thành quả đó là kết quả tất yếu của tư tưởng và tầm nhìn sâu rộng của Bác về công tác cán bộ, từ đào tạo, đánh giá đến sử dụng cán bộ, trọng dụng người tài.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Đảng “xây” được đội ngũ cán bộ có đạo đức, năng lực, bản lĩnh phụng sự cách mạng. Nhưng công tác cán bộ nói riêng, công tác xây dựng Đảng nói chung không chỉ có “xây”, mà còn cần phải “chống”, đó là chống lại những tiêu cực, suy thoái…, thưa PGS?

Quan điểm của Bác về xây và chống, về công và tội của cán bộ rất rõ ràng, công tâm. Người căn dặn, một mặt “phải thường xuyên đưa vào Đảng những cán bộ kiên trung, hăng hái nhất”, nhưng đồng thời cũng phải “tẩy trừ” những cán bộ hủ hóa, tha hóa, phải thường xuyên tự phê bình và phê bình, phải thường xuyên chỉnh đốn Đảng. Tôi nhấn mạnh rằng, chữ “chỉnh đốn Đảng” đã được Bác sử dụng từ rất sớm, nói đến việc Đảng phải sửa mình, trong đó có chỉnh đốn về công tác cán bộ của Đảng.

Vậy nên, dù luôn yêu thương, chia sẻ với cán bộ, chiến sĩ từ những điều nhỏ nhất như nắm gạo, quả cam, song chúng ta biết rằng, Bác Hồ đã có những lần phải mất ăn, mất ngủ, cân nhắc, quyết định xử lý kỷ luật những cán bộ cao cấp, từng được tin tưởng, giao trọng trách trong bộ máy.

Đó là trường hợp năm 1950, Trần Dụ Châu bị Tòa án binh tối cao tuyên án tử hình khi đã làm tới cương vị Cục trưởng Cục Quân nhu, quân hàm Đại tá; hay năm 1964, Trương Việt Hùng bị Tòa tối cao tuyên tử hình khi đang giữ chức Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp.

Đó đều là những người đã vi phạm khuyết điểm trầm trọng. Trần Dụ Châu đã lợi dụng chức vụ để tham nhũng, vơ vét tài sản, ăn chơi trác táng, trong khi toàn Đảng, toàn dân đang tiến hành cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ chống Thực dân Pháp xâm lược. Còn Trương Việt Hùng nắm cương vị lãnh đạo cao, nhưng suy thoái, hủ hóa, quan hệ bất chính, dẫn đến gây tội giết người. Dù rất đau lòng, nhưng Bác đã quyết định y án, không chấp nhận đơn xin tha tội chết của Trần Dụ Châu, cũng như đồng ý khi Tòa tối cao xin ý kiến về bản án của  Trương Việt Hùng, bởi như cách nói của Người, dù đau lòng, nhưng “thà chặt một cành sâu để cho cây xanh tốt”.  

Nói về kiểm điểm, xử lý cán bộ mắc khuyết điểm, Bác Hồ có cho rằng, phải nghiêm khắc, nhưng cần có lý, có tình, có nghĩa, chứ không phải với thái độ mà Người dùng từ “thuồng luồng, hổ mang”, “đập cho tơi bời”. Điều đó có ý nghĩa gì đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay?

Sau vụ án Trần Dụ Châu, Bác đã chủ trì một hội nghị trong Chính phủ để kiểm điểm vụ việc và Bác có nêu mấy bài học về công tác cán bộ.

Một là, lựa chọn cán bộ phải đúng người. Chọn đúng cán bộ có năng lực, có đạo đức thì tránh được việc đưa sai người vào bộ máy.

Hai là, chọn đúng cán bộ rồi thì không được lơ là giáo dục cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng trình độ, đạo đức, lối sống. Chọn được cán bộ mà không quan tâm rèn giũa thì cán bộ vẫn có thể bị tha hóa.

Ba là, đi liền với giáo dục, tự thân mỗi cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, phải luôn ý thức tự tu dưỡng, tự rèn luyện. Nếu cán bộ buông thả, thiếu tu dưỡng, rèn luyện thì có thể dẫn đến suy thoái, đánh mất mình.

Bốn là, phải chú ý công tác kiểm tra, giám sát. Kiểm tra, giám sát giúp cán bộ, đảng viên luôn được nhắc nhở về vai trò, nhiệm vụ, về tư cách, đạo đức của mình.

Đó là những bài học rất thời sự đối với Đảng và công tác cán bộ của Đảng. Hội nghị Trung ương 4, Khóa XII đã thẳng thắn nêu 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Những biểu hiện đó cho thấy, các bài học mà Bác đã đúc rút từ hơn nửa thế kỷ qua vẫn còn nguyên giá trị đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Vừa qua, Trung ương đã quyết định kỷ luật một số cán bộ, trong đó có cán bộ cấp cao mắc sai phạm, khuyết điểm nghiêm trọng. Bài học về xây dựng Đảng trong trường hợp này là gì, thưa PGS?

Đối với công tác xây dựng Đảng, việc xử lý, kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm phải đảm bảo mấy ý nghĩa.

Thứ nhất là nghiêm minh, nghĩa là phải nghiêm khắc và minh bạch, đúng người, đúng việc. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, xây dựng nhà nước pháp quyền, việc kỷ luật cán bộ phải vừa đảm bảo tính kỷ luật của Đảng (nghiêm), vừa đảm bảo đúng pháp luật của Nhà nước (minh). Kỷ luật mà vừa nghiêm, vừa minh thì người vi phạm, bị kỷ luật sẽ tâm phục, khẩu phục.

Thứ hai, kỷ luật cán bộ vi phạm phải đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa. Răn đe, phòng ngừa tốt còn quan trọng hơn xử lý. Phòng ngừa được, không để xảy ra những vi phạm thì không phải xử lý, không mất cán bộ, tiền của và quan trọng hơn là không mất niềm tin của nhân dân.

Thứ ba, xử lý cán bộ phải có tính xây dựng. Nói như cách của Bác là không phải “đập cho tơi bời”, mà phải chỉ ra cái sai để cán bộ biết sai mà sửa, làm cho đồng chí hiểu rõ mà tin nhau, không để xảy ra chia rẽ, ngờ vực lẫn nhau.

Tôi cho rằng, những quyết định kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm thời gian qua cơ bản đảm bảo được các yếu tố đó, thể hiện được tinh thần “chống để xây” mà Bác Hồ đã thực hiện. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh, việc xử lý vi phạm đã được xem xét toàn diện, khách quan, cân nhắc nhiều mặt. Và dù không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, mà Đảng phải kỷ luật, “kỷ luật một vài người để cứu muôn người”.

Đó là cơ hội để Đảng hoàn thiện mình, xây dựng tổ chức vững mạnh hơn, được nhân dân tin tưởng, các thế lực thù địch muốn chống phá cũng không có lý do để mà xuyên tạc, phá hoại khối đoàn kết trong Đảng, phá hoại mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.

Thưa PGS, trong bối cảnh mới, công tác xây dựng Đảng đã và đang đặt ra những thách thức gì?

Công tác xây dựng Đảng hiện nay đòi hỏi nỗ lực của toàn hệ thống, sự giám sát chặt chẽ của tổ chức Đảng các cấp, sự giám sát của tổ chức đoàn thể, mặt trận, của nhân dân và báo chí, dư luận.

Nhưng như Bác Hồ đã nói, cái gốc vẫn là công tác cán bộ. Tôi thấy nổi lên hiện nay là vấn đề lựa chọn cán bộ, gồm chọn cán bộ cho đoàn thể, tổ chức và đặc biệt là cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Nhà nước. Có những tập đoàn lớn, cán bộ vi phạm bị xử lý, những người tiếp theo được chọn giao nhiệm vụ không những không cải thiện được, mà lại tiếp tục sai phạm.

Hội nghị Trung ương 5, Khóa XII vừa kết thúc đã thống nhất ban hành nghị quyết về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Tôi hy vọng, sắp tới, công tác lựa chọn cán bộ cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn sẽ có chuyển biến tốt.

Ngày nay, chúng ta có nhiều cán bộ giỏi, được đào tạo bàn bản, có năng lực, có khát vọng. Nếu đánh giá, lựa chọn cán bộ đúng, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ đúng ở mỗi tổ chức Đảng, đoàn thể, mặt trận và doanh nghiệp thì sẽ phát huy được sức mạnh toàn hệ thống, xây dựng được Đảng vững mạnh, chính quyền liêm chính để chung sức phát triển đất nước.

 

"Nếu đánh giá, lựa chọn cán bộ đúng, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ đúng ở mỗi tổ chức Đảng, đoàn thể, mặt trận và doanh nghiệp thì sẽ phát huy được sức mạnh toàn hệ thống, xây dựng được Đảng vững mạnh, chính quyền liêm chính để chung sức phát triển đất nước...".

PGS-TSKH Nguyễn Trọng Phúc

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh