THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:55

Công nhân và giấc mơ an cư

 

Với thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày thì giấc mơ “an cư” của người lao động ngày càng trở nên xa vời khi mà tại các thành phố lớn, giá nhà, đất ngày càng cao chót vót...

80% công nhân phải thuê nhà ở

Về Hà Nội làm công nhân được gần 15 năm nhưng vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoài, anh Phạm Đình Hải (quê Nghệ An) vẫn phải thuê trọ. Căn phòng cấp 4 rộng chưa đầy 15m2 là chỗ ở của 5 thành viên trong gia đình chị Hoài. Chỗ ở chật chội, ẩm thấp nên cháu nhỏ thường xuyên ốm đau khiến chị cũng phải xin nghỉ làm để ở nhà phụ bà chăm cháu. Thu nhập của hai vợ chồng chị mỗi tháng được gần chục triệu đồng. Chị Hoài nhẩm tính, riêng tiền thuê nhà, điện, nước mỗi tháng đã ngốn gần 3 triệu đồng. Đó là chưa kể tiền học hành, ăn uống, sinh hoạt phí của cả gia đình nên tiền lương nhận tháng nào tiêu hết tháng đó, gần như không có tích lũy.

Nhiều công nhân vẫn đang phải thuê những căn phòng cấp 4 chật chội, ẩm thấp.

 

“15 năm hai vợ chồng làm việc ở Hà Nội nhưng giấc mơ về một chỗ ở của riêng mình vẫn rất xa vời. Cứ đến kỳ nhận lương lại lo đóng tiền nhà, lúc nào cũng nơm nớp lo chủ nhà không cho thuê. Chưa kể, các con đang lớn dần, không thể ở mãi trong căn phòng trọ chật chội được. Nếu cứ đà này cũng phải tính đến nước bỏ việc về quê làm ruộng, ít nhất ở đó cũng có mái nhà của ông bà”, chị Hoài than thở.

Tâm sự của chị Hoài cũng là nỗi niềm của nhiều công nhân xa quê lên thành phố làm việc. Giấc mơ về một chỗ ở cố định để sống và làm việc ngày càng xa vời. Kể về đời sống tại phòng trọ sau những giờ làm việc, hầu hết công nhân đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp đều cho rằng: Sau giờ làm căng thẳng, về khu trọ, họ có rất ít thời gian giải trí, giao lưu. Phần lớn thời gian để… ngủ, bởi không có nhiều tiền và cơ hội giải trí rất ít, vì quanh xóm trọ không có các điểm vui chơi giải trí.

Theo số liệu thống kê từ Bộ Xây dựng, hiện tại các khu công nghiệp mới chỉ có khoảng 20% tổng số công nhân lao động có nhà ở ổn định, số còn lại là đi thuê ở tạm với giá 300.000 - 400.000 đồng/người/tháng. Nhưng, với mức lương được trả trung bình khoảng 4 triệu đồng/người/tháng, chỉ đáp ứng được 78 - 83% nhu cầu chi tiêu cơ bản của người lao động. Trong khi đó, hầu hết các khu nhà trọ cho công nhân thuê đều rất chật hẹp (bình quân 2 - 3m2/người), tạm bợ, điều kiện vệ sinh, môi trường cũng như hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo điều kiện sống tối thiểu, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe công nhân và tình hình trật tự an toàn xã hội tại nhiều khu công nghiệp.

Qua điều tra trên 100 khu công nghiệp ở Việt Nam cho thấy, phần lớn quy hoạch không gian và thiết kế công trình, lựa chọn vị trí xây dựng nhà ở cho công nhân không phù hợp và có rất ít nhà đầu tư bất động sản quan tâm. Trong khi đó, khả năng hỗ trợ của địa phương không đồng đều hay quy mô nhà ở vượt quá khả năng chi trả của công nhân. Đáng chú ý, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp hiện phải sống với điều kiện sinh hoạt nghèo nàn. Và đây chính là trở ngại đối với các doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp trong việc giữ chân người lao động có tay nghề cao. Sự đình trệ trong việc cải thiện môi trường sống với kết quả là công nhân thường xuyên bỏ việc, làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam với các quốc gia xung quanh trong vai trò là một thị trường đầu tư trực tiếp nước ngoài và gây ảnh hưởng tiêu cực tới các vấn đề xã hội.

Sớm có nhà ở giá rẻ cho công nhân

Theo Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã có quy định về việc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, trong đó bao gồm nhà ở cho công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ cũng đã bổ sung một số quy định về phát triển nhà ở cho người lao động ở khu công nghiệp, khu kinh tế gắn với các dịch vụ xã hội thiết yếu.

Được sống trong ký túc xá có đầy đủ dịch vụ tiện ích như khu nhà ở công nhân Samsung Thái Nguyên vẫn là giấc mơ của nhiều công nhân.

 

Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh thực hiện các giải pháp theo từng giai đoạn, bảo đảm đến năm 2030 phấn đấu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế công đoàn, từ đó nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đoàn viên và công nhân lao động bằng những việc làm cụ thể và thiết thực.

Bộ Xây dựng đang chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu đề xuất và phê duyệt thiết kế mẫu, thiết kế điển hình về nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa, thể thao của thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, đặc điểm phong tục tập quán và nhu cầu của đoàn viên, công nhân lao động. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, ban hành bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà ở cho công nhân, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng vật liệu mới... nhằm giảm giá thành, cơ cấu sản phẩm nhà ở phù hợp; bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc đầu tư nhà tái định cư và nhà ở xã hội không phải là sự lựa chọn của nhiều doanh nghiệp, bởi xét về lợi nhuận không bằng việc đầu tư thực hiện nhà ở thương mại, chưa kể những khó khăn khác nhau trong quá trình thực hiện dự án.

Triển khai đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Văn Thuật cho biết, năm 2018 sẽ khởi công xây dựng 12 thiết chế công đoàn (là các hạng mục nhà ở, nhà giữ trẻ, siêu thị và các nhu cầu vui chơi giải trí khác) trong các khu công nghiệp, khu chế xuất tại các tỉnh, thành phố nhằm giải quyết nhu cầu của công nhân. Nguồn kinh phí xây dựng được trích từ 10% tiết kiệm chi phí hành chính, chi hoạt động phong trào tại các cấp Công đoàn.

Theo ông Trần Ngọc Quang, Phó trưởng Ban quản lý dự án Thiết chế công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), hiện đã có 3 thiết chế được triển khai xây dựng tại Hà Nam, Quảng Nam và Tiền Giang. Đến cuối năm năm 2018, những căn nhà đầu tiên có thể được bàn giao cho công nhân lao động ở khu công nghiệp Đồng Văn 2 (Hà Nam). Dự kiến, đến năm 2020 sẽ có 50 thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong cả nước đi vào hoạt động.

Cũng theo thông tin từ ông Quang, thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đi khảo sát ở các địa phương về vị trí xây dựng, nhu cầu các thiết chế công đoàn. Kết quả điều tra cho thấy, nhu cầu của công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất về nhà ở và các công trình phúc lợi rất cao. Các địa phương đồng tình và ủng hộ chủ trương xây dựng các khu thiết chế công đoàn phục vụ người lao động. Theo quy định, địa phương phải bàn giao cơ sở hạ tầng để công đoàn xây dựng các khu thiết chế. Tuy nhiên, do điều kiện nguồn lực còn hạn chế nên nhiều địa phương có đất nhưng thiếu hạ tầng. Đây cũng là thách thức lớn để xây dựng các khu thiết chế công đoàn phù hợp với người lao động. “Chúng tôi đang bàn với các địa phương tập trung nguồn lực, tạo điều kiện cho các dự án thiết chế phát triển ở các tỉnh đó. Tuy nhiên, đây là đề án tập trung cho một đối tượng riêng là đoàn viên công đoàn, vì vậy thủ tục đầu tư rất phức tạp, liên quan nhiều đến các văn bản pháp luật. Vì thế, Tổng Liên đoàn Lao động đề nghị Chính phủ có sửa đổi một số văn bản để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức công đoàn xây dựng khu thiết chế phục vụ công nhân, người lao động”, ông Trần Ngọc Quang nói.

Thêm tin vui cho người lao động khi mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 370/QĐ-TTg về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội trong năm 2018 là 4,8%/năm (0,4%/tháng).

Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay. Theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, có 10 đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, trong đó có người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp.

Với sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành và đặc biệt là sự chung tay của chính quyền địa phương, đóng góp của doanh nghiệp, hy vọng công nhân, người lao động sẽ sớm có nhà ở ổn định để yên tâm làm việc.        

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh