Công nhân nghèo gửi con: Vào thì khó, gửi thì lo
- Dược liệu
- 00:25 - 30/11/2017
Dạo gần đây dư luận được phen rúng động khi những clip bạo hành trẻ em liên tục được tung ra. Từ vụ việc bạo hành trẻ em tại cơ sở giữ trẻ Mầm xanh ( quận 12, TP.HCM) cho đến việc người giúp việc hành hạ bé sơ sinh (Phủ Lý, Hà Nam) đang gây xôn xao dư luận đặc biệt là những người làm cha mẹ. Với những người làm công việc tự do thì việc quan tâm sát sao với con có thể dễ dàng làm được nhưng với công nhân của những KCN thì việc này vô cùng khó khăn.
Ghi nhận của phóng viên, hơn 15 năm qua, từ những ngày đầu KCN Bắc Thăng Long đi vào hoạt động tới nay chưa một công ty nào có nhà trẻ, trường mầm non cho con em công nhân. Việc các gia đình công nhân trẻ gửi con đều trông chờ vào hệ thống trường lớp có sẵn ở địa phương, trường tư thục.
Có mặt ở KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội) ngay sau khi clip hành hạ trẻ em được các cơ quan báo chí đăng tải, phóng viên chứng kiến rất nhiều ông bố, bà mẹ đang làm công nhân ở đây tỏ ra lo lắng, không yên tâm khi gửi con cho những trường tư thục quanh KCN này.
Chị Hải Anh đang làm việc tại KCN Bắc Thăng Long cho biết, làm công nhân nhiều vất vả, lương thấp, chỗ ở đi thuê, thiếu thốn tiện nghi sinh hoạt. Nhưng khổ nhất vẫn là không biết gửi con ở đâu để yên tâm đi làm. Gửi ở trường công thì phải có sổ hộ khẩu, thời gian đưa đón con đi học cố định, không trông thêm giờ,… Gửi con trường tư thì học phí khoảng 1,5 triệu thêm tiền học thêm nữa sẽ rơi vào khoảng 2 triệu. "Thời gian gần đây báo, mạng xã hội có đưa ra những vụ bạo hành trẻ ở các trường mầm non tư thục khiến tôi vô cùng lo lắng cho sự an toàn của con. Dù có camera nhưng chúng tôi không thể 24/24 trông chừng con được. Vì vậy nên chỉ biết thở dài rồi trông chờ vào cái tâm của cô giáo.”-chị Hải Anh lo lắng.
Cùng nỗi niềm với chị Hải Anh, chị Phạm Thị Liên ( công nhân Cty Denso) chia sẻ: “Con trai tôi được 1 tuổi, dù cho những nhà trẻ tư thục bắt đầu nhận trẻ từ 10 tháng tuổi nhưng tôi nhất quyết chưa đưa cháu đi gửi nhà trẻ. Hiện nay tôi và chồng đều đi làm, bà nội bà ngoại đều không thu xếp được công việc ở quê nên tôi gửi cháu cho bà hàng xóm cạnh nhà trông giúp vì bà là giáo viên mầm non đã nghỉ hưu nên bà sẽ có nhiều kinh nghiệm, hơn nữa vì chỉ chăm mình cháu nên sẽ được quan tâm sát sao hơn. "Công nhân phải đi làm ca, không thể ngày nào cũng 7 giờ đưa con tới trường, 16 giờ 30 phút đón con về được, vậy nên gửi ngoài là hoàn toàn hợp lý. Tất nhiên là giá tiền sẽ đắt hơn gửi trường mẫu giáo nhưng tôi hoàn toàn chấp nhận.”- Chị Liên nói.
Nhưng không phải ai cũng có điều kiện như chị Hải Anh và chị Phạm Liên. Như trường hợp của anh Đỗ Văn Nam và chị Nguyễn Thị Huyền công nhân trong KCN Bắc Thăng Long hiện đang thuê trọ tại thôn Bầu, xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội). Lương hai vợ chồng cộng lại được 10 triệu/tháng, trừ đi tiền thuê nhà, điện, nước, … cùng nhiều khoản phát sinh cũng không dư ra bao nhiêu. Đặc biệt với hệ thống trường tư thục với giá cả đắt đỏ quanh KCN, vợ chồng anh Nam đành phải ngậm ngùi gửi con về quê cho bà nội chăm giúp. Vừa là để tiết kiệm chi phí sinh hoạt vừa để yên tâm đi làm dù nhiều lúc nhớ con vô cùng.
Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đông Anh cho biết : KCN Bắc Thăng Long hiện có khoảng 3.847 trẻ, số trẻ đang đi học khoảng 1.782 trẻ, trong đó hơn hai phần ba số trẻ học ở những cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Nguyên nhân do KCN chưa có trường mầm non cho công nhân, hệ thống trường công lập trên địa bàn chưa đáp ứng được yêu cầu do số lượng trẻ là con công nhân tăng cao.
Sau vụ việc trẻ em tại trường mẫu giáo Mầm xanh bị bạo hành mà đa số các em đều là con em của công nhân đã một lần nữa chỉ ra việc xây dựng nhà trẻ, trường mẫu giáo cho con em công nhân lao động đang là nhu cầu thật sự bức thiết. Có nhà trẻ, mẫu giáo an toàn cho các con không chỉ đem đến sự yên tâm cho người lao động, cho sự phát triển của doanh nghiệp, mà còn góp phần đảm bảo nguồn nhân lực tương lai của đất nước.