THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:05

Công nhân may lo bệnh nghề nghiệp

 

Điều kiện làm việc không bảo đảm khiến công nhân may dễ mắc nhiều bệnh lý

Hay mệt mỏi, đau người
Chị Nguyễn Thị Lệ ở xã Thanh Hải (Thanh Hà) đã có thâm niên hơn chục năm làm việc tại các công ty may mặc. Chị Lệ cho biết bắt đầu vào nghề chị làm ở bộ phận sản xuất trực tiếp. Đặc thù của công nhân may là hay phải tăng ca, thậm chí có ngày chị ngồi liên tục đến 12 tiếng. Khoảng 4 năm trước, chị Lệ có dấu hiệu đau, tê chân phải và lưng. Đi khám, các bác sĩ kết luận chị bị thoát vị đĩa đệm. Khi biết chị làm nghề may, các bác sĩ đã khuyên chị nên chuyển sang vị trí khác, hạn chế việc ngồi quá lâu tại chỗ. 
Khi bệnh thuyên giảm, chị Lệ quay trở lại công ty làm việc. Công ty cũng tạo điều kiện chuyển chị sang làm quản lý kiểm hàng. Tuy nhiên, công việc đơn điệu, chỉ đứng một chỗ cộng với sức khỏe ngày càng giảm sút đã khiến chị Lệ luôn cảm thấy mệt mỏi, hay bị chóng mặt, đau đầu. Cách đây 2 tháng, chị Lệ đi khám, các bác sĩ kết luận chị bị rối loạn tiền đình và suy nhược cơ thể. "Tôi đi làm may đã hơn chục năm nay. Trong gia đình tôi lại là lao động chính. Giờ chuyển nghề cũng chẳng biết nên bắt đầu từ đâu. Đành chấp nhận có bệnh thì chữa rồi lại tiếp tục với nghề thôi", chị Lệ buồn bã cho biết.
Chị Nguyễn Thị Hường quê ở xã Đồng Lạc (Chí Linh) hiện làm công nhân tại Công ty TNHH May Đồng Tâm (TP Hải Dương) cùng chung nỗi đau bệnh tật ấy. Chị Hường học ngành may công nghiệp rồi gắn bó với nghề cũng đã gần chục năm nay. Gần đây, chị thường xuyên bị đau nhức mình mẩy, choáng váng mỗi khi đứng dậy. Có những hôm đi làm được nửa buổi chị Hường phải xin nghỉ về dưỡng sức. Để đối phó với tình trạng đau nhức, chị Hường còn sắm hẳn một bộ đồ dùng để giác hơi vào các buổi tối.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, có khá nhiều công nhân trong ngành may, nhất là những người đã làm lâu năm mắc phải các bệnh lý như chị Lệ và chị Hường. Ở Hải Dương, chưa có khảo sát nào về những bệnh lý mà công nhân ngành may có thể mắc phải. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm nay, Viện Vệ sinh y tế công cộng TP Hồ Chí Minh đã tiến hành khảo sát hơn 1.000 công nhân may tuổi từ 25-35 tại 3 doanh nghiệp ở Bình Dương, TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Kết quả cho thấy 93% số công nhân bị mệt mỏi sau lao động, trong đó 47% mệt mỏi toàn thân; 16,7% nặng đầu, nhức đầu; 15,1% kiệt sức; hơn 80% đau mỏi cơ, xương khớp tại thắt lưng, vùng cổ và bả vai…
Ông Nguyễn Văn Hinh, Trưởng Khoa Sức khỏe nghề nghiệp, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết nghề may thuộc lĩnh vực công nghiệp nhẹ. Công việc không vất vả nhưng đơn điệu và thường phải ngồi hoặc đứng quá lâu nên rất dễ mắc những bệnh lý theo khảo sát trên. Ngoài ra, trong quá trình làm công nhân cũng thường xuyên tiếp xúc với bụi từ vải may, bông. Nếu người lao động không trang bị khẩu trang phù hợp hay mắc bệnh về đường hô hấp. Khi mắc bệnh này, nếu không chữa kịp thời dễ dẫn đến mãn tính, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng như đến chất lượng sống. Công nhân may cũng dễ mắc bệnh về mắt nếu môi trường làm việc không bảo đảm về ánh sáng.

Tổ chức khám sức khỏe định kỳ giúp công nhân, lao động phát hiện sớm tình trạng bệnh lý
Doanh nghiệp cần quan tâm
Phần lớn các bệnh lý mà công nhân ngành may kể trên mắc phải đều không nằm trong danh mục bệnh nghề nghiệp theo quy định. Theo ông Nguyễn Văn Hinh, những bệnh lý trên là những bệnh thông thường mà bất kỳ ai cũng có thể mắc, nhất là khi tuổi càng cao. Tuy nhiên, đối với công nhân ngành may, do đặc thù công việc thì thời gian diễn biến của bệnh nhanh hơn, trầm trọng hơn và tỷ lệ mắc cũng cao hơn.
Để giúp công nhân may hạn chế tình trạng bệnh tật thì doanh nghiệp có vai trò quan trọng nhất. Tuy nhiên, theo Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương, công tác an toàn, vệ sinh lao động trong ngành may mặc vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, nhiều doanh nghiệp chưa tổ chức huấn luyện và khám sức khỏe định kỳ theo đúng quy định cho người lao động. Ở nhiều doanh nghiệp, việc khám sức khỏe định kỳ còn mang tính hình thức, đối phó, chưa thực hiện đầy đủ việc đo kiểm các yếu tố có hại trong môi trường lao động. Để tiết kiệm chi phí sản xuất, nhiều chủ doanh nghiệp hạn chế đầu tư kinh phí cải thiện điều kiện làm việc, khiến nhà xưởng chật hẹp, nóng bức, gia tăng nồng độ bụi và tiếng ồn. Đây đều là những nguyên nhân gián tiếp ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người lao động.
Công nhân lao động có sức khỏe mới hoàn thành tốt công việc được giao, thúc đẩy sản xuất phát triển. Vì vậy, doanh nghiệp cần quan tâm bảo vệ sức khỏe cho công nhân, hạn chế số người bị mắc bệnh. Trước hết là thực hiện tốt việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ theo đúng quy định, giúp công nhân phát hiện các dấu hiệu bệnh lý sớm, kịp thời có biện pháp chữa trị hiệu quả. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng bữa ăn ca; tạo môi trường làm việc tốt; phân bổ chế độ nghỉ ngơi hợp lý; điều chuyển những công nhân mắc bệnh sang những vị trí phù hợp...

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh