THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:00

Bệnh nghề nghiệp gia tăng ở Việt Nam

 

Bệnh bụi phổi chiếm 74%

 Theo Bộ Y tế, bệnh nghề nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt là các bệnh liên quan đến đường hô hấp và tiêu hóa ngày càng gia tăng.  Trong tổng số 30 bệnh nghề nghiệp được đưa vào danh mục thanh toán bảo hiểm y tế thì bệnh bụi phổi là bệnh phổ biến nhất, chiếm tới 74% số ca. Tiếp theo là bệnh đường hô hấp chiếm 32%; sau đó là bệnh do tiếng ồn chiếm 17%.

Công nhân mỏ thường mắc bệnh bụi phổi


Đáng ngại là ngày càng nhiều ngành nghề mới có tiếp xúc với các yếu tố gây nên bệnh ở phổi, phế quản. Trong danh mục quy định các bệnh nghề nghiệp hiện nay có tới 6 bệnh bụi phổi, phế quản và các bệnh liên quan tới phổi. Theo báo cáo của Bệnh viện Phổi Trung ương, các bệnh nghề nghiệp liên quan tới phổi, bụi phổi và phế quản cần được chú ý ngay từ khâu dự phòng, khám và điều trị, đặc biệt là các yếu tố nghề nghiệp liên quan để giảm thiểu tác hại của bệnh.

Trong thực tế, công tác chẩn đoán, điều trị, giám định cho viên chức và người lao động nhóm bệnh phổi-phế quản nghề nghiệp luôn chiếm tỷ lệ cao nhất. Tuy nhiên, cả nước hiện chưa có cơ sở y tế nào thực hiện nhiệm vụ điều trị cho những người mắc bệnh phổi nghề nghiệp và điều trị phục hồi sức khỏe cho những viên chức, người lao động sau khi họ mắc bệnh và được giám định bệnh nghề nghiệp.

Mặc dù số người mắc bệnh nghề nghiệp ngày càng gia tăng, tuy nhiên, theo Bộ Y tế, chỉ có gần 2 triệu người lao động - tức là chỉ chưa đầy 4% lực lượng lao động có việc làm trong cả nước được khám bệnh. Đây là một thiệt thòi lớn cho nhóm lao động phải tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh nghề nghiệp.

Thế giới chung tay đối phó với bệnh nghề nghiệp

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)  đã kêu gọi một chiến dịch toàn cầu “cấp thiết và mạnh mẽ” nhằm đối phó với tình trạng gia tăng các bệnh nghề nghiệp. Trong một báo cáo đưa ra nhân ngày An toàn và Sức khỏe Lao động Thế Giới, ILO cho biết mặc dù số người chết vì bệnh nghề nghiệp cao gấp sáu lần tai nạn lao động nhưng vấn đề bệnh nghề nghiệp lại không được chú trọng bằng.Trong 2,34 triệu người chết mỗi năm liên quan tới lao động, có khoảng 2,02 triệu trường hợp có nguyên nhân từ bệnh nghề nghiệp. Con số này tương đương với khoảng 5.500 người chết mỗi ngày. ILO cũng ước tính có tới 160 triệu trường hợp mắc mới các bệnh không gây tử vong liên quan tới nghề nghiệp mỗi năm.

Những thay đổi về xã hội và công nghệ, cùng với tình hình kinh tế thế giới, đang làm trầm trọng thêm những rủi ro hiện tại đối với sức khỏe và tạo nên những hiểm họa mới. Những bệnh nghề nghiệp phổ biến, như bụi phổi silic hay những bệnh gây ra do hít phải amiăng, vẫn rất phổ biến, trong khi đó những bệnh mới xuất hiện như rối loạn tâm thần hoặc xương khớp, ngày càng gia tăng.
Bệnh nghề nghiệp tạo ra gánh nặng tài chính rất lớn cho người lao động, gia đình của họ, cũng như sự phát triển kinh tế xã hội. ILO ước tính tai nạn nghề nghiệp và các bệnh liên quan gây ra thiệt hại khoảng 4% GDP toàn cầu, tương đương với 2,8 nghìn tỷ USD mỗi năm.

Khám bệnh định kỳ cho công nhân


“Cái giá lớn nhất của bệnh nghề nghiệp chính là mạng sống con người. Bệnh nghề nghiệp làm bần cùng hóa người lao động và gia đình họ, ảnh hưởng lớn tới cả cộng đồng khi mất đi những lao động năng suất nhất,”- Tổng Giám đốc ILO cho biết. Trong khi đó, năng suất lao động của các doanh nghiệp giảm đi và gánh nặng tài chính cho nhà nước thì tăng lên do chi phí chăm sóc sức khỏe tăng. Ở những nơi hệ thống bảo trợ xã hội yếu hoặc không tồn tại, rất nhiều người lao động và gia đình họ không được hưởng trợ cấp và sự giúp đỡ cần thiết.

Theo ILO, phòng ngừa là chìa khóa giải quyết gánh nặng mà bệnh nghề nghiệp mang lại. Đó là biện pháp hiệu quả và và ít tốn kém hơn chi phí dành cho điều trị và phục hồi chức năng. ILO đang kêu gọi xây dựng một “mô hình phòng ngừa toàn diện và thống nhất hướng tới các mục tiêu làm giảm bệnh nghề nghiệp, chứ không chỉ đối phó với các thương tật lao động”.

ILO hiện đang điều phối, đi đầu trong các nỗ lực giải quyết các thách thức về vệ sinh an toàn lao động thông qua việc cung cấp thông tin thiết thực, dễ tiếp cận trên các trang web cho các bên liên quan, các trung tâm điều trị và phòng ngừa bệnh nghề nghiệp, các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động, tăng cường hoạt động của các nhà chức trách và thanh tra lao động. Qua đó, các nước có thể chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau cùng chuẩn bị kỹ càng hơn để đối phó với các thách thức chung liên quan đến vệ sinh an toàn lao động.

Trong đó, việc nâng cao nhận thức của người lao động, với sự hỗ trợ của công đoàn, là nhiệm vụ quan trọng để phòng tránh thương vong. Bảo vệ người lao động, bao gồm việc tôn trọng các quyền của người lao động thông qua công đoàn, cũng như các chính sách và thực thi chính sách theo các tiêu chuẩn và hướng dẫn của ILO phải được mở rộng.

Thái An

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh