THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:46

Công nhận hay không công nhận, mại dâm vẫn tồn tại hiện hữu

 

Trên thế giới, mại dâm tồn tại từ lâu, có khả năng tạo thu nhập cho bản thân đối tượng hành nghề và một số bên liên quan. Theo Tổ chức lao động thế giới (ILO), tại các nước khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Malaysia, mại dâm đóng góp từ 2-14% GDP, và tạo công ăn, việc làm cho hàng triệu lao động khác.
Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống TNXH tại hội thảo
Ở một số nước, mại dâm được coi là nghề, nhưng đa số các nước trên thế giới coi là nghề vi phạm pháp luật, kể cả một số nước phát triển, có tư tưởng rất thoáng về quan hệ tình dục như Mỹ (chỉ có bang Nevada xem mại dâm là hợp pháp) và Việt Nam cũng nằm trong nhóm này. Vậy “nên hay không nên” hợp pháp hóa mại dâm, là một trong những vấn đề luôn được dư luận quan tâm trong thời gian vừa qua.
Tại Hội thảo về quan điểm, định hướng xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm được Cục Phòng, chống TNXH tổ chức ngày 28/3 tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống Tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho hay, xu hướng trên thế giới, quyền công dân, quyền con người ngày càng được nâng cao. Hầu hết mại dâm bị cấm ở nhiều quốc gia, nhưng một số Chính phủ các nước lại cho rằng nên “hợp pháp hóa” mại dâm để dễ kiểm soát.
Tuy nhiên sau một thời gian đã cho thấy việc hợp pháp hóa mại dâm thường không đạt được những mục tiêu đề ra mà còn làm cho vấn đề nghiêm trọng hơn, do đó một số nước sau thời gian dài chấp nhận mại dâm như một nghề đã phải quay lại biện pháp cấm hoàn toàn.
Việc xây dựng pháp luật phòng, chống mại dâm rất được quan tâm và bàn bạc rất kỹ. Tại Việt Nam, năm 2003 UB thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 10/2003 về phòng chống mại dâm, việc này đã đánh dấu một bước tiến trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật để giải quyết vấn đề mại dâm. Đến các năm sau đó, hàng loạt các văn bản, chính sách về phòng, chống mại dâm đã được ra đời, đặc biệt từ khi Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thì các Trung tâm 05 (trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội dành cho người bán dâm) đã được xóa bỏ, đã làm thay đổi rất nhiều về nhận thức của xã hội, tiếp cận quyền con người trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế.
Cũng như các nước trên thế giới, người bán dâm hành nghề xuất phát hầu hết do tự nguyện, một số là nạn nhân của nạn buôn bán người. Đối với người bán dâm là trẻ em đa số họ là nạn nhân của tội phạm buôn bán người.
Các quy định về phòng, chống mại dâm vẫn còn nhiều bất cập cần điều chỉnh, sửa đổi (ảnh minh họa)
Theo Quỹ dân số LHQ (UNFPA), kinh nghiệm quốc tế về giải quyết vấn đề mại dâm theo cách tiếp cận dựa trên luật pháp, các yếu tố thuận lợi cơ bản bao gồm các chiến lược trọng yếu để tạo môi trường thuận lợi yêu cầu các nước phải rà soát lại các điều luật, chính sách và thực hành, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử, ngăn ngừa bạo lực cũng như tăng cường sức mạnh của cộng đồng. Hiện trên thế giới có 4 mô hình về cách tiếp cận mại dâm dựa vào luật pháp gồm: Hình sự hóa, hình sự hóa một phần, hợp pháp hóa và phi hình sự hóa, nhưng bất kỳ ở mô hình nào thì cũng gặp phải những bất lợi, rào cản nhất định.
Ông Lập nhớ lại câu chuyện cách tiếp cận của một trường hợp chiến sỹ công an khi một trường hợp người bán dâm đến trình báo thì đuổi ra ngoài với những lời lẽ miệt thị, điều này khiến cho những người bán dâm gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ xã hội, cũng như bảo vệ quyền lợi.
Mại dâm hiện nay không chỉ ở các khu du lịch, mà cả ở những khu dân cư cũng rất phức tạp... Tại nước ta hiện nay, việc nên hay không nên công nhận mại dâm là một nghề đã được bàn tới từ nhiều năm nay, nếu công nhận là nghề thì rất khó, vì đã là nghề thì phải tuân theo luật giáo dục nghề nghiệp, phải có giáo trình, chứng chỉ, thang bảng lương... theo quy định.
Tiếp theo có lập phố đèn đỏ hay không? Tên gọi đang có vấn đề, Chính phủ giao là nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật Phòng chống mại dâm trên cơ sở tổng kết pháp lệnh phòng chống mại dâm. Chúng ta đang tiếp cận mại dâm theo hướng xây dựng các chính sách xã hội nhằm ngăn ngừa, phòng chống trên cơ sở tôn trọng nhân quyền, luật pháp, như hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm thiểu tác hại lây nhiễm, giúp cho người bán dâm bảo vệ mình cũng như người khác.
Mặt khác, theo quy định hiện hành, nếu trường hợp các công chức, viên chức công tác tại các cơ quan Nhà nước, khi vi phạm sẽ bị thông báo đến thủ trưởng các đơn vị, nhưng nếu thủ trưởng lại thông báo “rộng rãi” đến toàn cơ quan thì lại là một vấn đề khác, vi phạm luật... Điều này thể hiện sự bất cập trong các quy định về phòng, chống mại dâm cần phải sửa đổi.
Nếu phi hình sự hóa mại dâm thì ngoài đối tượng bán dâm, các đối tượng liên quan khác như môi giới, bảo kê, buôn bán người, trẻ em... có áp dụng chung hay không? Đây là vấn đề không đơn giản, đã được các đại biểu đặt ra tại hội thảo.
Cũng theo ông Lập, dù có áp dụng biện pháp nào thì chúng ta cũng phải thừa nhận mại dâm là một vấn đề hiện hữu trong xã hội. Những người hoạt động mại dâm cũng là những con người và họ có quyền được sống, được bình đẳng đóng góp và hưởng thụ phúc lợi xã hội... Vì vậy việc áp dụng các biện pháp tiếp cận giảm tác hại là giải pháp khả thi nhất và mang lại nhiều kết quả trong giai đoạn hiện nay.
Cho đến nay, hệ thống chính sách, pháp luật phòng ngừa mại dâm tương đối hoàn chỉnh, đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, hệ thống pháp luật về phòng chống mại dâm đã bộc lộ những bất cập không còn phù hợp với yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới, do đó việc xây dựng luật về phòng, chống mại dâm là cần thiết.

CHU LƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh