THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:41

Công khai các dự án đầu tư công, sẽ không thể có những khuất tất

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) 

 

Chiều 16/11, Quốc hội tập trung thảo luận tại hội trường dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm của Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị chưa sửa đổi toàn diện vì quá trình triển khai thực hiện có phát sinh vướng mắc do quy định của Luật Đầu tư công, song nguyên nhân chủ yếu là do tổ chức thực hiện Luật chưa nghiêm. 

Mặt khác, Luật mới có hiệu lực 3 năm; thời gian áp dụng quá ngắn, chưa đủ điều kiện tổng kết kỹ lưỡng, đánh giá chính xác tính hiệu quả của luật.

Tránh tính trạng vừa ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) nói, về tính ổn định của văn bản, Luật Đầu tư công là văn bản pháp lý quan trọng, có liên quan trực tiếp tới nguồn lực ngân sách, An ninh tài chính quốc gia.

Tuy nhiên, theo ĐB Mai, đây cũng là một Luật có đời sống ngắn nhất vì chỉ mới áp dụng 3 năm đã phải sửa đổi, bổ sung và một số quy định chưa bao quát được hết những vấn đề thực tiễn đặt ra. 

“Luật Đầu tư công (sửa đổi) lần này cần đánh giá toàn diện, phải bao quát được đầy đủ những vấn đề thực tiễn đặt ra; cần khắc phục triệt để những hạn chế về thể chế, chính sách để tạo lập một khuôn khổ pháp lý ổn định, có sức sống lâu bền và tránh tính trạng vừa ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung”, ĐB Mai nói.

Liên quan tới phạm vi sửa đổi, ĐB Mai cho biết: “Vấn đề không phải là sửa đổi toàn diện hay là chỉ sửa đổi một số điều mà quan trọng là phải chọn những vấn đề thực sự cần thiết, bức xúc để đưa vào phạm vi sửa đổi. Tuyệt đối không đưa vào dự thảo luật những quy định chưa được đánh giá kỹ lưỡng”. 

Từ đó, ĐB Mai kiến nghị cần phân định, bóc tách cụ thể những hạn chế nào liên quan tới cơ chế, chính sách và thể chế, pháp luật, những hạn chế nào do con người, do quá trình tổ chức thực hiện. Cần lắng nghe ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt từ phía cơ sở. Qua giám sát thực tế, nhiều ý kiến từ địa phương là đúng đắn. 

ĐB Bùi Văn Phương – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng Luật này chỉ nên sửa một số điều đang vướng được chỉ ra sau 3 năm luật có hiệu lực.
Theo ông Phương, trong một khuôn khổ pháp luật, đều là ngân sách Nhà nước nhưng quá trình thực hiện thì phần ngân sách địa phương thực hiện đầu tư công do thẩm quyền địa phương quyết định dường như không có gì vướng mắc,nhưng phần ngân sách Trung ương phân bổ cho các địa phương lại bị chậm. Đây mới là cái gốc của vấn đề, không phải do vướng Luật đầu tư công mà chậm.

Ông Phương đồng tình với quan điểm sửa đổi quy định về thủ tục phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn hàng năm theo hướng dần đẩy mạnh phân cấp, tăng cường hậu kiểm.

Thủ tướng Chính phủ giao tổng mức kế hoạch đầu tư vốn cho các Bộ, ngành, địa phương kèm theo nhiệm vụ và tiêu chí, nguyên tắc. Các đơn vị chịu trách nhiệm phân bổ chi tiết và báo cáo Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính để theo dõi, kiểm tra, giám sát. Đây là mấu chốt của việc tháo gỡ khó khăn.

“Phân cấp, phân quyền, tôi nghĩ địa phương không quá kém đến mức không làm được. T.Ư giao tổng mức kèm theo mục tiêu và các điều kiện, tiêu chí của đầu tư công. Chính quyền đia phương sẽ thảo luận, quyết định chọn dự án nào theo hướng tiêu chí mà Trung ương phân bổ. Tôi cho rằng chúng ta giao như vậy là phù hợp” – ông Phương nêu quan điểm và nhấn mạnh chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, các cơ quan chuyên môn của Chính phủ có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, phát hiện, uốn nắn, chấn chỉnh. 

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)

 

Quy định quá rộng, là khe hở để dự án quy mô lớn lách luật

Đối với quy định “dự án đầu tư công khẩn cấp”, Dự thảo Luật đã được mở quá rộng phạm vi so với Luật hiện hành, dẫn đến việc lạm dụng áp dụng quy định này, làm tăng tăng số lượng dự án khẩn cấp, không bảo đảm yêu cầu quản lý. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị giữ nguyên như quy định của Luật hiện hành.
Đồng quan điểm, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh điều kiện quyết định chủ trương đầu tư có vai trò quan trọng để đầu tư công phù hợp phát triển kinh tế - xã hội, phát huy hiệu quả vốn đầu tư. 

Nhưng quy định các “dự án đầu tư công khẩn cấp” không phải quyết định chủ trương đầu tư trong khi theo giải thích từ ngữ thì nội dung quá rộng và “các trường hợp khẩn cấp khác do Chính phủ quy định”.

Cần tiêu chí, nguyên tắc của dự án không cần chủ trương đầu tư để chặt chẽ, minh bạch trong quản lý vốn đầu tư. Quy định như dự thảo là quá rộng, là khe hở để chương trình dự án quy mô lớn lách luật” – bà Mai Thị Ánh Tuyết nhấn mạnh và đề nghị cụ thể hoá loại dự án này.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) cho biết, quy định hiện hành đã có điều 14 về công khai, minh bạch trong đầu tư công nhưng trong đó chỉ có các quy định chung còn những vấn đề người dân cần biết, quan tâm thì chưa thấy. 

Do đó, theo ông Cường cần quy định công khai chi tiết, đầy đủ toàn bộ hồ sơ dự án đầu tư để người dân được biết, trừ những dự án thuộc dạng bí mật nhà nước hay công trình an ninh quốc phòng quan trọng của quốc gia.

"Nếu thực hiện công khai các dự án đầu tư công như vậy thì công chúng sẽ là những người biết rất rõ, khi đó sẽ không thể có những khuất tất trong thiết kế, thẩm tra, không có cắt xén hay gian dối trong quá trình thi công và thực hiện dự án", ông Cường nói.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh