THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:48

Dự án đầu tư công: “Điệp khúc” đội vốn, chậm tiến độ

 

Đội vốn hàng nghìn tỷ

Trong thời gian gần đây, các dự án đầu tư công đội vốn nghìn tỷ đồng được đưa ra khá nhiều. Trong đó có Dự án nạo vét xây kè sông Sào Khê ở Ninh Bình được điều chỉnh tăng 36 lần, từ 72 tỷ lên 2.595 tỷ đồng; Dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) ban đầu chỉ có mức đầu tư 1.850 tỷ đồng nhưng sau một thời gian thì đội thêm hơn 2.500 tỷ đồng nâng tổng mức đầu tư lên 4.400 tỷ đồng thế nhưng dự án vẫn thi công ì ạch và liên tiếp xin gia hạn...

 

 

Dự án nạo vét xây kè sông Sào Khê ở Ninh Bình được điều chỉnh tăng 36 lần, từ 72 tỷ lên 2.595 tỷ đồng

 

Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, năm 2017 có tới 1.609 dự án đầu tư công chậm tiến độ, chiếm 3,1% số dự án thực hiện đầu tư. Với các dự án này, chủ đầu tư đều nêu lí do như bố trí vốn không kịp thời, chậm giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, có gần 150 dự án chậm tiến độ do chủ quan; do chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các nhà thầu không đủ năng lực. Số dự án chậm tiến độ này đã tăng gần 150 dự án so với con số của năm 2016. Ngoài số lượng dự án chậm tiến độ, sau khi kiểm tra hơn 12.800 dự án và đánh giá 18.000 dự án, cơ quan nhà nước còn phát hiện gần 850 dự án gây thất thoát lãng phí. Số lượng dự án lãng phí chỉ được phát hiện khi cơ quan thanh tra, quyết toán, kiểm toán làm việc. Dù đã qua nhiều bước thẩm định trước khi đầu tư nhưng cơ quan nhà nước phát hiện tới 225 dự án vi phạm quy định thủ tục đầu tư, 22 dự án vi phạm quản lý chất lượng. Có tới gần 300 dự án phải ngừng thực hiện.

Còn tại báo cáo “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi” được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố mới đây cho thấy, tình trạng điều chỉnh tổng mức đầu tư xảy ra với phần lớn các dự án đường sắt đô thị.

Cụ thể, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đội vốn từ 19,5 nghìn tỷ đồng lên 51,7 nghìn tỷ đồng, sau khi thẩm định lại đề nghị điều chỉnh xuống 33,5 nghìn tỷ đồng; dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tăng từ 8.700 tỷ đồng lên 47,3 nghìn tỷ đồng, dự án đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, đoạn Bến Thành - Suối Tiên tăng từ 17,3 nghìn tỷ đồng lên 47,3 nghìn tỷ đồng. Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội vay Pháp, ADB, EIB tăng tổng mức đầu tư từ 783 triệu EUR lên 1.176 triệu EUR, đội vốn 393 triệu EUR, tương đương khoảng 10.400 tỷ đồng. Ngoài ra, tuyến đường sắt đô thị số 1, 2 của TP. HCM và tuyến số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo của TP. Hà Nội hiện cũng đang trong quá trình điều chỉnh dự án. Như vậy, theo tính toán, 5 dự án đường sắt đô thị trên đội vốn tới 132.576 tỷ đồng. 5 dự án đường sắt đô thị xây dựng tại Hà Nội, TP HCM đều nằm trong danh sách bị đội vốn nhiều nhất. Ước tính, tổng vốn đầu tư tăng thêm của số dự án này khoảng 114.740 tỷ đồng, tương đương gần 5 tỷ USD.

Cần chấm dứt tình trạng xin bằng được dự án

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra rằng, nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng tổng mức đầu tư của dự án là do kéo dài thời gian bàn giao mặt bằng dẫn tới phát sinh thêm chi phí. Đây là nguyên nhân chủ quan và phổ biến tại nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. Việc giải phóng, bàn giao mặt bằng thi công chậm cũng dẫn tới trượt giá nguyên vật liệu, giá nhân công, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư như dự án đường sắt đô thị đoạn Cát Linh - Hà Đông. Bên cạnh đó, biến động của giá nguyên, nhiên liệu và lương tối thiểu cũng dẫn tới việc tăng mức đầu tư.

 

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tăng từ 8.700 tỷ đồng lên 47,3 nghìn tỷ đồng.


Theo Nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), việc chậm thực hiện dự án làm tăng 17,6% chi phí mỗi năm, trong đó 6,5% do lạm phát và 11,1% do lợi ích của dự án bị mất đi. Tính trung bình, nếu chậm trễ 2 - 3 năm sẽ làm tăng chi phí lên đến 50% do phát sinh thâm hụt tài chính.

Bình luận về vấn đề này, Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng, đội vốn đầu tư công là vấn đề đã được nhắc đến nhiều trong vài năm gần đây. Tình trạng đội vốn, theo ông Thành, xuất phát từ chính “thói quen” của các chủ đầu tư, các bộ ngành, địa phương trong xây dựng các dự án. Thực tế để “lách luật”, các bộ ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty đều tìm mọi cách xây dựng dự  án với vốn đầu tư ban đầu ước tính rất thấp để “xin cho được” dự án. Có không ít trường hợp sau khi dự án đã được Chính phủ phê duyệt thì lúc đó vốn đầu tư mới bị đội lên.

“Khi lập dự án, các vị thường đưa ra các con số rất thấp để được thông qua, sau đó mới đẩy số vốn đầu tư về đúng giá trị thật, thậm chí trên cả mức cần thiết với các con số ảo. Do vay tiền của nước ngoài nên sau mỗi năm, chênh lệch tỷ giá sẽ khiến dự án bị đội thêm chi phí. Nhưng nguyên nhân chính vẫn do các bộ ngành, địa phương, các tập đoàn tìm mọi cách có được dự án nên mới có tình trạng này. Cần rút kinh nghiệm, không thể tiếp tục tình trạng như vậy”, ông Thành nói.

Để chấn chỉnh tình trạng “cha chung không ai khóc, vốn nhà nước mặc sức tiêu”, theo ông Thành, với các dự án đầu tư công bị đội vốn, chậm tiến độ hoặc đầu tư thua lỗ, không hiệu quả, Thanh tra Chính phủ và cơ quan công an cần vào cuộc điều tra làm rõ các hành vi vi phạm luật  trong đầu tư và sử dụng vốn. “Đây không phải tình trạng ngẫu nhiên mà là cố ý vẽ các dự án với vốn đầu tư không sát thực tế để được thông qua. Vì vậy bộ trưởng các bộ, người đứng đầu các ngành, chủ tịch, tổng giám đốc các doanh nghiệp nhà nước cần phải chịu trách nhiệm liên quan đến các dự án đội vốn đầu tư công khủng. Có xử lý các lãnh đạo vì liên đới trách nhiệm thì mọi việc mới có sự thay đổi”, ông Thành đề xuất.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh