THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:29

Chính phủ siết đầu tư công, Đà Nẵng “ cố” làm hầm chui 4700 tỷ.

 Dư luận tiếp tục giật mình khi nhận được thông tin, tại cuộc họp Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng chiều ngày 27/12/2016. Thành ủy Đà Nẵng vẫn thống nhất chủ trương xây Hầm vượt sông Hàn với mức đầu tư còn cao hơn dự kiến là 4700 tỷ ( Dự kiến trước đây là 4100 tỷ). (Theo tin của Infonet). Như vậy, dù đã có rất nhiều ý kiến chưa đồng thuận của cả các nhà chuyên môn, các đồng chí nguyên Lãnh đạo thành phố, các nhà kinh tế, cơ quan thông tấn báo chí và đặc biệt là chưa nhận được sự đồng thuận của nhân dân nhưng Thành ủy Đà Nẵng vẫn quyết định đầu tư xây hầm vượt sông Hàn.

Có lẽ, từ trước đến nay, dù đã làm hàng trăm công trình, để lại nhiều dấu ấn rất ấn tượng cho thành phố Đà Nẵng trong suốt 20 năm qua thì công trình  “Hầm vượt sông Hàn” là công trình nhận được sự quan tâm nhất của các nhà khoa học, các tầng lớp xã hội. Vì sao?

Chưa thật sự có nhu cầu:

Theo trình bày của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Huỳnh Đức Thơ tại cuộc họp báo ngày 21/12 vừa qua thì áp lực về giao thông hiện nay là rất lớn và việc xây hầm vượt sông Hàn không chỉ cho hôm nay mà cho 5- 7 năm sau.

Bí thư Nguyễn Xuân Anh, tại cuộc họp báo ngày 21/12/2016. Ảnh: HC

 Trong khi đó, các nhà khoa học, các chuyên gia đã có những ý kiến tổng hợp, phân tích rất khoa học và dựa trên thực tế thì áp lực giao thông của Đà Nẵng hoàn toàn chưa cần đến sự “ Trợ giúp” của Cầu vượt sông Hàn ít nhất là trong khoảng…chục năm nữa. Nếu ùn tắc giao thông thì chính là do cách tổ chức giao thông hiện tại chưa linh hoạt, chưa thật sự khoa học và những tuyến đường đô thị chưa được mở rộng sắp xếp hợp lý.

Theo ông Hoàng Sừ (nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng Quảng Nam):  Đà Nẵng chỉ có một triệu dân nhưng từ cầu Đỏ đến cầu Thuận Phước dài khoảng 12 km có đến 10 cầu. Bình quân 1,2 km một cầu, mỗi cây cầu chỉ gánh 100.000 dân, "có thể nói mật độ cầu bắc qua sông ở Đà Nẵng dày đặc nhất nước".

Ông phân tích, khu vực dân cư phía quận Sơn Trà từ cầu quay sông Hàn và cầu Thuận Phước, nơi đang được thành phố quyết chủ trương làm hầm vượt sông, chỉ có diện tích khoảng 10 km2, dân số 3 phường Nại Hiên Đông, Mân Thái và Thọ Quang vào khoảng 150.000 dân và không có khả năng tăng đột biến. Do đó, nếu nhất quyết làm hầm với quy mô 6 làn xe, bình quân mỗi cây cầu và hầm ở khu vực này chỉ phải gánh 50.000 dân.

"Với quy mô này, thậm chí cho tăng gấp đôi, gấp ba dân số hiện nay cũng là quá nhỏ bé, liệu có cần thiết phải lấy dao mổ trâu để giết gà không?".

Còn ông Trần Văn Minh, Nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thì cho rằng rằng thành phố không nên dành hơn 4.000 tỷ đồng xây cầu vượt sông Hàn ở thời điểm hiện tại, vì nguồn kinh phí chưa xác định rõ, các cầu khác chưa phát huy hết công suất. 

Hầm vượt sông Hàn có bị “ Siết” theo Luật Đầu tư công?

Cho đến nay, tuy vẫn chưa xác định được nguồn tài chính đầu tư cho công trình Hầm vượt sông Hàn. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế đất nước hiện nay và áp lực trả nợ nước ngoai, cả Quốc hội và Chính phủ đã có những quy định về “ Siết chặt”  đầu tư công. Nếu không bị chi phối bởi những quy định này ( ?)  thì thiết nghĩ, Đà Nẵng vẫn đang có rất nhiều việc phải làm  (ngay và luôn) như tình trạng bệnh viện quá tải, ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự, khu vui chơi trẻ em, đào tạo nghề, giải quyết việc làm…để thực hiện quyết liệt chủ trương đang nhận được sự đồng tình của nhân dân là : “Xây dựng thành phố 4 an”.  

Tại buổi họp báo cuối năm ngày 21/12/2016, trước những ý kiến tranh luận với Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng về việc quyết định làm hầm hay làm cầu. PV Báo Lao động và Xã hội, Báo Điện tử Dân sinh cũng đã có ý kiến nêu rõ quan điểm: 

Tác giả phát biểu tại cuộc họp báo ngày 21/12/2016. Ảnh: HC

Qua ý kiến của lãnh đạo TP thì các dự án đều làm đúng quy trình. Tôi tin là các anh không làm sai quy trình. Có ai dám nói Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng làm sai quy trình không? Tôi tin là không. Tôi tin là ở TP này, tại thời điểm này, không ai giành quyền quyết định của anh Nguyễn Xuân Anh, anh Huỳnh Đức Thơ. Không ai giành cái quyền quyết định đó cả. Nhưng quyết định của các anh không phải chỉ trong nhiệm kỳ của các anh, không phải chỉ sau nhiệm kỳ của các anh 1 – 2 khóa, mà đây là những công trình vĩnh cửu. Khi các anh ra quyết định quan trọng này thì các anh phải nhớ rằng công trình này là vĩnh cửu và để lại rất lâu. Thế thì ngoài việc làm theo đúng quy trình về thủ tục, đầu tư, kỹ thuật... còn cần phải kèm theo một cái nữa. Đó là sự đồng thuận. Đồng thuận của các cơ quan chuyên môn, các nhà chuyên môn, đồng thuận của các nhà  văn hóa, các lực lượng khác. Và có thể nói,  là sự đồng thuận của cả xã hội, chứ không nên chỉ nói đúng quy trình rồi là các anh ký, các anh quyết định. Lãnh đạo TP cần phải cân nhắc kỹ. Các anh nói đã chuẩn bị hơn 1 năm, như thế là đủ. Nhưng tôi cho rằng với những công trình mang tính vĩnh cửu như thế này, nếu 1 năm mà chưa thấy thoải mái, vẫn còn cảm thấy áy náy, phân vân khi ký quyết định ở một khía cạnh nào đó thì cố gắng chậm lại một tí. Tôi vẫn biết áp lực đối với lãnh đạo TP về tình hình giao thông, nhưng vẫn cần cân nhắc thật kỹ!”

Không cần Hầm chui qua sông Hàn. Nếu tập trung làm thật tốt “ 4 An” cũng chính là dấu ấn nhiệm kỳ. Hãy cẩn trọng, tỉnh táo khi quyết định những việc lớn, khi chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội.

 

 

 

 

Giang Sơn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh