THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:18

Cộng đồng quốc tế đánh giá cao về những nỗ lực thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam

Hệ thống văn bản pháp luật, chính sách từng bước được hoàn thiện theo hướng đảm bảo nguyên tắc BĐG, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Theo đó, việc lồng ghép giới trong xây dựng và thực hiện các chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch, đề án,... đã được các cấp, ngành quan tâm, góp phần rút ngắn khoảng cách giới, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Đồng thời, tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới tham gia và thụ hưởng bình đẳng vào các lĩnh vực của đời sống chính trị-kinh tế-xã hội như: Luật Bảo hiểm xã hội (2014), Bộ luật Lao động (2019); Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND (2015); Luật Ngân sách nhà nước (2015),... Bên cạnh đó, nội dung BĐG đã được lồng ghép trong nhiều chiến lược, chương trình, chính sách được ban hành trong 10 năm qua.

 Các mục tiêu quốc gia về BĐG trong các lĩnh vực đã có những tiến bộ rõ nét.

Các mục tiêu quốc gia về BĐG trong các lĩnh vực đã có những tiến bộ rõ nét.

Kết quả triển khai thực hiện các mục tiêu quốc gia về BĐG trong các lĩnh vực đã có những tiến bộ rõ nét. Trong giai đoạn này, lần đầu tiên phụ nữ tham gia một số vị trí quan trọng trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước và các cơ quan lập pháp. Đặc biệt, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được tổ chức thành công tốt đẹp với tỷ lệ 30,26% nữ đại biểu Quốc hội (tỷ lệ cao nhất kể từ khóa V tới nay) và gần 30% nữ tham gia HĐND các cấp. Phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế và có nhiều cơ hội để có việc làm tốt, mang lại thu nhập cao hơn. Điều này góp phần quan trọng giúp Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế vào loại cao nhất thế giới trong thập kỷ qua, bất chấp những biến động kinh tế-chính trị của khu vực và thế giới.

Về giáo dục, tỉ lệ nhập học của trẻ em trai và trẻ em gái ở bậc tiểu học và trung học đều cao và cân đối. Về chăm sóc sức khoẻ, tuổi thọ người dân tăng lên, việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng được cải thiện. Kết quả này minh chứng cho những nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam và là nền tảng vững chắc để các cấp, ngành tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia bình đẳng giới trong giai đoạn tới.

Một số chỉ số phát triển được cải thiện đã đưa Việt Nam lên các bậc xếp hạng cao hơn và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về những nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới. Theo Báo cáo Phát triển con người năm 2020, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đang ở mức 0,704, xếp thứ 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc nhóm các nước có HDI ở mức cao. Với chỉ số phát triển giới ở mức 0,997, Việt Nam xếp thứ 65 trong số 162 quốc gia và thuộc nhóm cao nhất trong số 5 nhóm trên thế giới . Đặc biệt, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam nằm trong nhóm cao nhất trong 3 nhóm trên toàn cầu.

Các cấp, ngành đã quan tâm bố trí nguồn lực cho công tác BĐG, đây là một trong những điều kiện quan trọng góp phần thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu về BĐG. Ngoài ra, sự hợp tác, hỗ trợ nguồn lực và kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển cũng tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao hiệu quả công tác BĐG.

Các cơ quan chức năng đã chú trọng thực hiện công tác truyền thông nâng cao nhận thức thay đổi hành vi, nâng cao năng lực về BĐG từ cấp trung ương đến cấp cơ sở. Trong 10 năm qua, ước tính có khoảng gần 15 triệu lượt cán bộ làm công tác BĐG, vì sự tiến bộ của phụ nữ tại các bộ, ngành và địa phương được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực và nghiệp vụ.

Công tác thống kê số liệu có tách biệt giới tính đã được quan tâm triển khai. Các hoạt động nghiên cứu khoa học tạo nền tảng lý luận cho việc đề xuất chính sách, pháp luật về BĐG cũng đã được các cơ quan nhà nước, các tổ chức phi chính phủ quan tâm thực hiện trong thời gian qua.

VÂN KHÁNH

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh