THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:25

Trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái bị tác động bởi đại dịch

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà đại diện cho Việt Nam cùng tham dự Đối thoại .

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà đại diện cho Việt Nam cùng tham dự Đối thoại .

Đối thoại giữa các lãnh đạo nữ khu vực Đông Nam Á về trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái chịu tác động bời đại dịch COVID-19 lần thứ 1 là ý tưởng của Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne và Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno L. P. Marsudi. Sự kiện được tổ chức giữa Australia và có sự tham gia của hơn 30 nữ Lãnh đạo khu vực Đông Nam Á với mục đích trao đổi các tác động của đại dịch COVID-19 đối với phụ nữ và trẻ em gái trong khu vực, từ đó đưa ra các giải pháp để tăng quyền cho nhóm này.

Đối thoại gồm có 2 phiên. Phiên 1: Lồng ghép giới trong các nỗ lực ứng phó và phục hồi Covid 19 của quốc gia và khu vực. Chủ đề này bao gồm các tác động của đại dịch Covid 19 đối với phụ nữ và trẻ em gái và các phương pháp tiếp cận, chiến lược để lồng ghép các tác động về giới vào các hành động, lập pháp, chính sách và chương trình đã lên kế hoạch trong các nỗ lực ứng phó và phục hồi Covid 19. Phiên 2: Hòa nhập về tài chính và kỹ thuật số cho phụ nữ. Chủ đề này bao gồm các nỗ lực nhằm trao quyền cho phụ nữ  trong nền kinh tế kỹ thuật số và cung cấp cho họ khả năng tiếp cận các nguồn lực để vượt qua các thách thức Covid 19 bao gồm khả năng tiếp cận tài chính, các khoản vay, tín dụng và nâng cao năng lực trong việc lập kế hoạch tài chính.

Tại Đối thoại, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động nặng nề đến nền kinh tế và mọi mặt của đời sống xã hội, đe dọa những thành tựu về bình đẳng giới của hầu hết quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trước tình hình đó, Việt Nam đã ban hành và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đặc biệt phụ nữ, lao động nữ được hỗ trợ chiếm tỷ lệ lớn như chính sách về bảo hiểm xã hội, hỗ trợ bằng tiền, cho vay vốn. Trong đó, lao động nữ mang thai, nuôi con dưới 6 tuổi; trẻ em là F0, F1; trẻ em mồ côi do COVID-19 và trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19 nhận được hỗ trợ bổ sung ở mức cao hơn. Các dịch vụ hỗ trợ và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em cũng được tăng cường.

Với mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với 5 nhóm giải pháp cụ thể: (1) Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; (2) Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; (3) Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; (4) Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và (5) Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng, trình ban hành các chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà đối với người lao động; rà soát, tiếp tục đề xuất thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Các chính sách đều được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới một cách cụ thể nhằm đảm bảo các quyền lợi và tính đến nhu cầu của mỗi giới, góp phần rút ngắn khoảng cách về giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với sự lây lan mạnh mẽ của biến chủng Omicron, điều này đặt ra các thách thức lớn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế cũng như triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đặc biệt là những đối tượng yếu thế như lao động nữ làm việc trong khu vực phi chính thức, lao động nữ di cư. Tại Đối thoại này, chúng tôi mong muốn được học hỏi thêm kinh nghiệm của các bạn để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và áp dụng phù hợp vào bối cảnh của Việt Nam, đồng thời đề xuất Australia và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á tiếp tục hợp tác, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong thực hiện bình đẳng giới, ứng phó với đại dịch, phục hồi và phát triển kinh tế vì tương lai tốt đẹp cho phụ nữ và trẻ em gái.

Thông qua Đối thoại lần này, Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn được học hỏi thêm kinh nghiệm của các nước bạn để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và áp dụng phù hợp vào bối cảnh của Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục hợp tác, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong thực hiện bình đẳng giới, ứng phó với đại dịch, phục hồi và phát triển kinh tế vì tương lai tốt đẹp cho phụ nữ và trẻ em gái.

NGUYỄN SÍU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh