Cộng đồng, gia đình hãy là động lực quan trọng để giúp người nghiện từ bỏ ma túy
- Tây Y
- 02:25 - 23/06/2017
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, tại Hội nghị Nhân rộng các điển hình cai nghiện thành công do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức chiều 22/6 tại Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chỉ đạo tại hội nghị
Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo Sở, ban ngành địa phương, đại diện các doanh nghiệp xã hội hóa có đóng góp trong phong trào đấu tranh phòng, chống ma túy, các cơ quan thông tấn báo chí cùng gần 200 tấm gương người cai nghiện thành công từ 63 tỉnh/thành phố.
Cần thay đổi cách tiếp cận, nhận thức của gia đình, cộng đồng
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, tính đến tháng 5/2017, cả nước đã tổ chức điều trị, cai nghiện và quản lý sau cai cho hơn 100 nghìn người nghiện, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội tại các địa phương. Tuy nhiên công tác cai nghiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Tình hình tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp, tỷ lệ người sau cai tái nghiện cao, nhiều địa phương sau 2 năm tỷ lệ tái nghiện còn cao.
Người nghiện ma túy đã có ở 100% các tỉnh, thành phố với gần 90% quận, huyện và khoảng 70% xã, phường, thị trấn. Người nghiện cũng đã xuất hiện ở mọi thành phần trong xã hội: học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, viên chức, người lao động…
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm phát biểu tại hội nghị
Đa số người nghiện ma túy có trình độ văn hóa thấp với khoảng 10% không biết chữ và 59% có trình độ văn hóa từ tiểu học tới trung học cơ sở. Khoảng 2/3 số người nghiện chưa từng được đào tạo nghề; gần 20% đã được học nghề nhưng không được cấp chứng nhận, chứng chỉ và khoảng 12% là được đào tạo nghề một cách chính quy, được cấp bằng, chứng chỉ tốt nghiệp. Hầu hết người nghiện ma túy không có nghề nghiệp ổn định, chi tiêu chủ yếu từ nguồn hỗ trợ của gia đình, thu nhập hợp pháp chỉ bằng 1/3 số tiền chi cho sử dụng ma túy. Khoảng 50% người nghiện đã gặp những vấn đề sức khỏe tâm thần và các vấn đề sức khỏe thể chất.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tái nghiện cao là do nhận thức của người nghiện, gia đình người nghiện và cộng đồng xã hội về điều trị, cai nghiện ma túy chưa đầy đủ. Người nghiện luôn mặc cảm, tự ti, buông xuôi, phó mặc, thiếu ý chí và quyết tâm cai nghiện. Cộng đồng xã hội còn phân biệt đối xử, xa lánh với người nghiện. Tuy nhiên, dù việc điều trị cai nghiện rất khó khăn, phức tạp nhưng nếu bản thân người nghiện quyết tâm cùng sự giúp đỡ của gia đình, chính quyền, cộng đồng thì hoàn toàn có thể cai nghiện thành công.
Thời gian qua, ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã có hàng nghìn người sau cai nghiện 3-5 năm chưa tái nghiện. Nhiều người từng nghiện nặng, nghiện có thâm niên nhưng đã quyết tâm cai nghiện, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, được cộng đồng ghi nhận, bầu làm công an viên, tổ trưởng Tổ tự quản, được kết nạp vào Đảng. Một số người hiện đang là chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, chủ nhiệm câu lạc bộ, nhóm đồng đẳng và tích cực tham gia các hoạt động giúp đỡ người cùng cảnh ngộ.
Điển hình như anh Tống Duy Thanh, tổ dân phố - Xóm Chợ II, Thị trấn Mường Khương, tỉnh Lào Cai từng là người nghiện và buôn bán ma túy đã hoàn lương, hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế xã hội, đồng thời là tình nguyện viên trong Đội tình nguyện tích cực tham gia các hoạt động giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện, ổn định cuộc sống.
Anh Nguyễn Anh Tuấn ở phường Hùng Vương, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ đã cai nghiện ma túy được 10 năm, ổn định cuộc sống, được chính quyền và nhân dân tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố Tân Trung và là tình nguyện viên.
Tại Hội nghị, anh Lê Trung Tuấn (Hà Nội), người từng nghiện 6 năm, bỏ ma túy gần 15 năm, hiện là Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) đề xuất xây dựng mạng lưới những người cai nghiện thành công để chính những người này sẽ là tuyên truyền viên tích cực trong việc hỗ trợ người nghiện ma túy tham gia tích cực điều trị cai nghiện, giảm tỷ lệ người nghiện mới và tái nghiện góp phần đẩy lùi tệ nạn ma túy, đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội.
Gần 200 người cai nghiện thành công từ 63 tỉnh/thành phố tham dự
Theo anh Lê Trung Tuấn, một người chỉ thực sự cai nghiện ma túy thành công khi đã tái hòa nhập cộng đồng thành công. Một người chỉ thực sự tái hòa nhập cộng đồng thành công khi họ tự tin bước vào cuộc sống mà không còn mặc cảm, e ngại về quá khứ. Việc kết nối những người cai nghiện thành công thành mạng lưới rộng rãi và nhân rộng mô hình hỗ trợ sau cai hiệu quả, giảm kỳ thị được coi như những giải pháp hiệu quả trong giảm tỷ lệ người nghiện mới và giảm tỷ lệ tái nghiện.
Cần nhân rộng các mô hình cai nghiện điển hình thành công
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đánh giá cao sự nỗ lực, và chúc mừng thành công của người cai nghiện tham dự Hội nghị, sự tham gia hỗ trợ của gia đình, các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp trong công tác cai nghiện ma túy. Thông qua Hội nghị này, có thể khẳng định được một điều là nghiện ma túy hoàn toàn có thể cai được, người nghiện hoàn toàn có thể trở thành người có ích cho xã hội – Bộ trưởng nhấn mạnh.
“Tôi tin rằng, sau Hội nghị này, những hướng nhìn về việc cai nghiện ma túy theo chiều tối sẽ giảm đi. Những chia sẻ của người cai nghiện thành công cũng sẽ giúp nhà quản lý có cái nhìn khác về công tác này” – Bộ trưởng nói.
Về việc xây dựng mạng lưới người cai nghiện thành công, Bộ trưởng cho rằng đây là một đề xuất hay, là nơi những người cai nghiện chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau, là cơ sở để hỗ trợ công ăn việc làm cũng như tấm gương để những bạn trẻ nghiện ma túy vững tin vượt lên chính mình. Tuy nhiên mạng lưới cần hoạt động trong sạch, đúng hướng đúng mục tiêu, nhằm tuyên truyền giúp nhiều người từ bỏ ma túy.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu đại diện cho những tấm gương điển hình trong cai nghiện tham dự hội nghị
Bộ trưởng cho biết, để cai nghiện thành công ngoài sự quyết tâm của người nghiện cần có sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng về mọi mặt như y yế, tâm lý và xã hội phù hợp với nhu cầu của từng người. Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, thay đổi cách tiếp cận về cai nghiện và hỗ trợ sau cai nghiện, tuyên truyền giảm kỳ thị với người nghiện ma túy.
Đồng thời Xây dựng chương trình, kế hoạch cai nghiện gắn với việc quản lý, hỗ trợ sinh kế cho người sau cai nghiện thông qua lồng ghép với các chương trình kinh tế xã hội của địa phương, đổi mới nâng cao chất lượng việc dạy nghề, hướng nghiệp ở Trung tâm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động ở cộng đồng nơi người sau cai nghiện sinh sống…
CÙNG CHUYÊN MỤC
Ngăn Ngừa Bệnh Tim Và Đột Quỵ Ở Người Cao Tuổi: Bí Quyết Sống Khỏe Mạnh Và An Toàn
Bệnh tim và đột quỵ ở người cao tuổi là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bài viết cung cấp thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp phòng ngừa và vai trò của y học hiện đại...
2 tháng trước
Tin nên đọc