THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:10

Công bố top 10 Kỷ lục châu Á cho Ẩm thực và Quà tặng Đặc sản của Việt Nam

1.BÁNH MÌ SÀI GÒN (THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH)

Sách báo viết về bánh mì và ẩm thực Việt đều cho rằng chiếc bánh baguette đặc trưng đã "theo chân" đoàn quân viễn chinh Pháp đến Việt Nam để thỏa cái thú ẩm thực phong lưu của họ. Vào khoảng cuối thập niên 1850, mà cụ thể là năm 1859, khi quân đội Pháp tấn công và xâm chiếm Sài Gòn - Gia Định. Người Gia Định, và sau đó là cả Nam Kỳ lục tỉnh, gọi chiếc bánh ba-gét (baguette) mà người Pháp ăn hằng ngày ấy là "bánh mì" - đơn giản là bánh làm bằng bột mì. Nếu baguette chú trọng phần ruột rất đặc thì bánh mì Sài Gòn lại thiên về ruột đặc vừa phải, để khoảng trống cho việc nhận vào các loại thức ăn kèm theo. Như vậy khi ăn, sẽ không gây cảm giác ngồn ngộn, quá ngán và mất ngon. Có thể thấy từ chiếc baguette, chiếc bánh mì đã có những biến hóa, vừa giữ được nét truyền thống của bánh mì Pháp, lại vừa mang một màu sắc rất riêng biệt của con người và vùng đất Sài Gòn xưa.

Điểm hấp dẫn của bánh mì Sài Gòn không phải là vỏ bánh, ruột bánh hay nhân bánh mà là sự kết hợp, hòa phối tuyệt vời giữa các thành phần đó.

Điểm hấp dẫn của bánh mì Sài Gòn không phải là vỏ bánh, ruột bánh hay nhân bánh mà là sự kết hợp, hòa phối tuyệt vời giữa các thành phần đó.

Theo thời gian, bánh mì Sài Gòn được phổ biến khắp các vùng miền của Việt Nam. Với mỗi vùng, ổ bánh mì Sài Gòn lại được cộng hưởng thêm nét đặc sắc trong ẩm thực của vùng đó. Hình thức dùng phổ biến nhất của bánh mì Sài Gòn là thêm phần nhân vào bên trong. Phần nhân bánh mì được chia làm ba loại thành phần. Thứ nhất, nguyên liệu chính thường là các thực phẩm chế biến từ thịt như: Thịt heo quay, thịt nguội, chả, chà bông, xúc xích… Phần nhân này sẽ tạo hương vị chính, đặc trưng cho ổ bánh mì Sài Gòn. Thứ hai, nguyên liệu rau ăn kèm. Vì đa phần nguyên liệu chính là thịt, nên để tránh cảm giác ngán, giảm bớt lượng dầu mỡ và tăng thêm sự hấp dẫn, bánh mì Sài Gòn thường được nhận thêm một số loại rau ăn kèm như dưa leo, ngò, đồ chua, hành lá… thái mỏng. Thứ ba, phụ liệu không thể thiếu, đóng vai trò tạo nên hương vị thơm ngon, đậm đà đặc sắc cho bánh mì Sài Gòn đó là nước xốt cùng một số phụ gia. Nhiều người cho rằng, bánh mì Sài Gòn sẽ kém hấp dẫn hẳn nếu thiếu loại nước xốt ngon. Không có công thức hay quy định chung về nước xốt, tùy mỗi người bán mà có công thức chế biến nước xốt khác nhau. Một số cửa hàng bánh mì nổi danh là do loại nước xốt riêng của họ. Nước xốt có thể pha chế từ nước tương, nước mắm, nước cá mòi…

Ngoài ra, bánh mì Sài Gòn còn được thêm các phụ gia giúp làm dậy thêm vị giác như bơ, pate, muối tiêu, tương ớt, ớt tươi thái nhỏ… Khi dùng bánh mì, người ăn sẽ cảm nhận được lớp vỏ ngoài giòn rụm của vỏ bánh, vị thơm ngon của thịt, thanh mát của rau bên trong cùng vị đậm đà của nước xốt và một chút cay nồng của ớt… tất cả như quyện vào nhau tạo nên một món ăn vừa ngon lại vô cùng gần gũi và bình dị.

2. CƠM HẾN (TỈNH THỪA THIÊN HUẾ)

Cơm hến là một đặc sản ẩm thực Thừa Thiên Huế. Như tên gọi, hai thành phần chính rõ ràng của món ăn này là cơm và hến. Hến là vị chủ của cơm hến, xào kèm theo bún tàu (miến), măng khô và thịt heo thái chỉ. Về phần cơm, trái với thói quen của người Việt Nam, bao giờ cũng "cơm nóng canh ngọt", riêng trong cơm hến dù có sử dụng gạo trắng, gạo thơm, gạo ngon… cách mấy thì người Huế lại mặc nhiên, nhất quán với nhau rằng món cơm hến nhất nhất phải dùng cơm nguội. Có lẽ thời trước cơm hến là món thường nhật của người "bần hàn" như cư dân ở các vạn đò nghèo khổ dưới sông Hương nên người ta tiết kiệm, tận dụng cơm nguội, ăn miết lâu rồi thành thói quen.

Bát cơm hến được trộn từ tất cả các thành phần trên rồi chan nước hến. Hương vị bát ngát suốt đời người của tô cơm hến Huế là mùi ruốc thơm dậy lên tận óc và vị cay đến trào nước mắt, như thế mới đúng vị.

Bát cơm hến được trộn từ tất cả các thành phần trên rồi chan nước hến. Hương vị bát ngát suốt đời người của tô cơm hến Huế là mùi ruốc thơm dậy lên tận óc và vị cay đến trào nước mắt, như thế mới đúng vị.

Các nguyên liệu của cơm hến đều để nguội, duy có nước hến phải được giữ cho nóng sôi. Người Huế thường bỏ thêm gừng vào nước luộc hến ngoài để nước thơm ngon còn có tác dụng trợ tiêu hóa chống lại tính "hàn" và "mát ruột" của thịt hến. Cái "hồn", cái "độc đáo" của cơm hến Huế còn nằm ở các loại rau sống ăn kèm và bộ đồ màu đa sắc vị, thiếu rau màu thì không thể thành món "cơm hến Huế" đúng nghĩa. Rau sống kèm trong cơm hến là một tập hợp gồm nhiều thứ trộn lại: thân và bắp chuối sứ thái nhỏ như sợi tơ, môn bạc hà xắt sợi mỏng, giá sống, rau muống chẻ thành sợi dài, khế pha, khế chua xắt lát, rau thơm trắng (rau thơm Huế)...

3. LẨU THẢ PHAN THIẾT (TỈNH BÌNH THUẬN)

Lẩu Thả là món ăn bắt nguồn từ ngư dân vùng biển Mũi Né, Phan Thiết. Món ăn là kết quả của sự sáng tạo và sự sử dụng hiệu quả các nguyên liệu tươi ngon từ biển. Ngoài nguyên liệu chính là cá mai hoặc cá suốt tươi ướp tỏi, ớt và nước gừng già, món lẩu thả còn có thịt ba chỉ luộc thái sợi, trứng chiên thái sợi, bánh tráng nướng, bún tươi, khế chua, xoài xanh và các loại rau ăn kèm khác. Nước dùng của Lẩu Thả được chế biến đơn giản, không cầu kỳ như nguyên liệu dùng để ăn lẩu. Chỉ cần cho một ít cà chua và thịt gà cắt hạt lựu khử với dầu ăn, nêm nếm gia vị và sau đó cho nước hầm xương vào đun sôi. Ngoài ra, Lẩu Thả cũng có thể ăn theo kiểu khô, tức thay cho nước lẩu là nước mắm làm từ hỗn hợp me chua, đậu phộng rang, chuối sứ chín, ớt, tỏi, đường xay nhuyễn rồi pha với nước mắm nguyên chất. Điều độc đáo ở món đặc sản là cách trình bày món ăn. Mỗi món được đặt trong các bẹ chuối và sắp xếp tinh tế, tạo nên một bức tranh thực đơn đẹp mắt và đầy nghệ thuật. Điều này không chỉ tạo nên bữa ăn hấp dẫn mà còn mang đến một trải nghiệm thú vị cho thị giác và cảm xúc, gợi nhớ hình ảnh của cuộc sống thường ngày và truyền thống của ngư dân Phan Thiết.

Lẩu Thả không chỉ ngon mà còn là một sự kết hợp tài tình giữa các nguyên liệu tươi ngon và cách trình bày đẹp mắt.

Lẩu Thả không chỉ ngon mà còn là một sự kết hợp tài tình giữa các nguyên liệu tươi ngon và cách trình bày đẹp mắt.

Lẩu Thả còn chứa đựng triết lý âm dương của người chế biến và thưởng thức. Mỗi món ăn được kết hợp theo 5 yếu tố tự nhiên: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, và sử dụng các loại gia vị cay, mặn, ngọt, chua, đắng. Bữa ăn được chuẩn bị phải hấp dẫn về mặt thị giác, hương vị và mùi thơm. Màu sắc của các nguyên liệu bao gồm trắng, xanh, vàng, đỏ và đen. Tất cả những yếu tố này hòa quyện để tạo nên một bữa ăn đặc biệt, mang lại sự hài hòa cho cơ thể và tinh thần.

 4. BÚN NƯỚC LÈO (TỈNH SÓC TRĂNG)

Bún nước lèo là một món ăn đặc trưng của miền Tây nói chung và Sóc Trăng nói riêng. Tiền thân của món bún nước lèo là món ăn truyền thống của người Khmer, tỉnh Sóc Trăng. Trong quá trình cùng lao động, khai khẩn đất đai, các dân tộc đã chịu ảnh hưởng lẫn nhau làm nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của vùng quê này. Và bún nước lèo Sóc Trăng là một trong những sản phẩm của quá trình cộng sinh ấy. Nguyên liệu không thể thiếu của món bún này là mắm bồ hóc (prohok). Đây là một loại mắm đặc trưng của người Khmer làm từ cá lóc, cá trê đồng, tôm, tép tươi đem ủ muối từ 6 tháng trở lên. Nguyên liệu quan trọng thứ hai, nước lèo, được nấu từ một số loại mắm như mắm cá sặc, mắm cá linh, mắm bồ hóc, cá kèo, cá lóc hoặc lươn. Theo nhiều thực khách thì điều làm nên điểm khác biệt của bún nước lèo Sóc Trăng so với các địa phương khác và không bị nhầm lẫn với bún mắm chính là "nước lèo" – linh hồn của tô bún và cũng chính là yếu tố để có thể đánh giá tay nghề của người nấu. Nét đặc biệt của nước lèo Sóc Trăng là không lợn cợn mà trong veo, bởi người Sóc Trăng khi nấu không cho trực tiếp các nguyên liệu vào nồi như thông thường mà chứa tất cả vào một chiếc túi lọc rồi nấu đến khi cái cốt tan ra. Nhờ vậy nồi nước lèo trong veo và có vị ngọt thanh đặc trưng.

Vị mằn mặn thơm phức của mắm bồ hóc, ngọt dai của tôm tươi, thêm vài miếng cá lóc phi lê mềm tan, mùi thơm đặc trưng của ngải bún hòa quyện trong bát nước lèo trong veo, làm nên chất quê của bún nước lèo Sóc Trăng.

Vị mằn mặn thơm phức của mắm bồ hóc, ngọt dai của tôm tươi, thêm vài miếng cá lóc phi lê mềm tan, mùi thơm đặc trưng của ngải bún hòa quyện trong bát nước lèo trong veo, làm nên chất quê của bún nước lèo Sóc Trăng.

Bún – một thành phần nữa tuy không cầu kỳ, hoa mỹ như nước lèo hay mắm bồ hóc nhưng thiếu "vị" này sẽ không có được món "bún nước lèo" trong truyền thuyết. Người ta dùng loại gạo dẻo, hay gạo mùa để làm bún. Sau khi đã có bún, người ta cho bún đã trụng vào tô, xếp cá đã gỡ bỏ xương, thịt heo quay cắt miếng mỏng, tôm hoặc tép, cho thêm hẹ cắt khúc lên trên mặt rồi múc nước lèo sôi cho vào tô ăn kèm với rau ghém, chanh, ớt.

Thưởng thức tô bún nước lèo mang đủ cả hương đồng gió nội, lòng thầm cám ơn người đã khéo dung hợp được cả ba dòng văn hóa Khmer – Kinh – Hoa vào trong một tô bún, để ngày nay con cháu có thể tự hào với tô bún nước lèo thương hiệu "Sóc Trăng".

 5. NEM NƯỚNG NINH HÒA (TỈNH KHÁNH HÒA)

Nem nướng Ninh Hòa là món ăn có nguồn gốc từ Ninh Hòa – huyện phía Bắc tỉnh Khánh Hòa. Món nem nướng ngọt thơm kết hợp với nước chấm và các loại rau kèm theo làm cho món ăn trở nên hấp dẫn không chỉ những người dân địa phương mà còn hấp dẫn những du khách gần xa. Một phần nem nướng bao gồm nem nướng kèm bánh tráng chiên, rau sống, dưa leo, đồ chua, bánh tráng và nước chấm. Bánh tráng chiên giòn là loại bánh tráng màu nâu, có thành phần đường mía nên vị hơi ngọt, khi chiên lên có màu sậm. Còn bánh tráng trắng dùng để cuốn có vị mặn vừa phải, được làm mềm bằng cách lót xen kẽ giữa các lớp lá chuối hoặc lau sơ bằng khăn ẩm nên bánh không cần nhúng nước nhưng khi cuốn vào vẫn mềm, dẻo và dai. Ăn kèm với món nem nướng Ninh Hòa là các loại rau. Tuy nói không quá phức tạp nhưng rau ăn cùng nem nướng cũng thường tới cả chục loại. Tùy theo mùa sẽ có các loại rau khác nhau nhưng luôn đảm bảo đủ vị chua, cay, chát, đắng như: Rau diếp cá, húng quế, tần ô, xà lách, dưa leo, tía tô, chuối chát, khế chua hoặc xoài xanh, có nơi thêm đồ chua như dưa, hành... Trong các loại rau, đặc biệt nhất phải kể đến mấy cọng hẹ sẻ xanh mượt. Hẹ sẻ là tiếng địa phương (tiếng phổ thông gọi là "hẹ ta") không xơ và to bản như loại hẹ khác. Hẹ sẻ nhỏ xíu, không thơm nồng nhưng hậu vị ngọt, duy nhất chỉ có ở miền Trung.

Sự tổng hòa tạo nên hương vị thơm ngon tuyệt hảo của món nem nướng Ninh Hòa trứ danh.

Sự tổng hòa tạo nên hương vị thơm ngon tuyệt hảo của món nem nướng Ninh Hòa trứ danh.

Điểm nhấn của mỗi phần nem nướng chính là chén nước chấm sền sệt, mùi thơm dịu nhẹ và luôn ấm nóng. Được pha chế khá cầu kỳ với công thức riêng, sự kết hợp hài hòa của thịt, tôm, gan heo, đậu phộng rang, tỏi, ớt giã nhuyễn… đã tạo nên thứ nước chấm sánh mịn thơm ngon khó cưỡng.

Xếp các loại rau sau đó đến miếng bánh tráng chiên giòn rồi cuối cùng là nem nướng, sau đó cuộn lại và dùng với nước chấm. Điều này đã tạo nên sự đặc sắc và hấp dẫn của món ăn nem nướng Ninh Hòa. Cầm trên tay chiếc nem nướng được ghém cùng rau xanh, bánh tráng chiên giòn, chấm vào chén nước sóng sánh màu vàng bắt mắt, thực khách sẽ được cảm nhận trọn vẹn hương vị đậm đà của món quà quê dân dã.

6. ĐẶC SẢN CỐM LÀNG VÒNG (THÀNH PHỐ HÀ NỘI)

Mỗi khi nhắc đến sản vật tinh túy của chốn Kinh kỳ lúc đất trời vào thu, cốm làng Vòng là một trong những thứ đầu tiên trong tâm trí không ít người. Cốm là món ăn tao nhã, có hương vị đặc trưng riêng nên thưởng thức cốm cũng phải thật tinh tế. Cốm làng Vòng được gói bằng 2 lớp lá: Lá ráy ở bên trong giữ cho hạt cốm không bị khô và khỏi phai màu, bên ngoài bọc lá sen thơm ngát, buộc cọng rơm vàng còn thơm mùi lúa nếp. Gói cốm trong lá sen, hương lúa non quyện với hương sen dìu dịu, man mác đem đến cảm giác thật bình yên, nhẹ nhàng.

Cốm là món ăn thanh tao của người Hà Nội. Hàng trăm năm qua, hương vị cốm làng Vòng vẫn thơm ngon như xưa, đặc trưng không nơi nào có được.

Cốm là món ăn thanh tao của người Hà Nội. Hàng trăm năm qua, hương vị cốm làng Vòng vẫn thơm ngon như xưa, đặc trưng không nơi nào có được.

Từ món ăn bình dị của những gánh hàng rong dân dã, thức quà thanh tao ấy đã trở thành đặc sản của Thủ đô mỗi độ thu sang. Để cảm nhận vẹn nguyên hương cốm, người Hà thành chọn cách khoan thai, chậm rãi chụm năm đầu ngón tay, nhón vài hạt cốm thả vào miệng, nhỏ nhẹ nhấm nháp từng hạt để vị ngọt bùi, dẻo thơm của hạt gạo cứ thế tan dần, thấm sâu nơi đầu lưỡi. Ngoài ra, cốm có thể kết hợp với nhiều nguyên liệu hay các gia vị khác để tạo ra nhiều món ăn đặc sắc, hấp dẫn, vị ngon lạ miệng như bánh cốm, hồng cốm, chả cốm, xôi cốm, chè cốm, cốm xào hay chuối trứng cuốc chấm đẫm vào cốm..

 7. ĐẶC SẢN KHOAI DEO (TỈNH QUẢNG BÌNH)

Mảnh đất cằn cỗi Quảng Bình vốn nắng gió khắc nghiệt quanh năm suốt tháng nên những củ khoai lang từ lâu đã trở thành một hương vị gắn bó với cuộc sống bình dị của người địa phương. Có lẽ cũng bởi cái nắng gió ấy mà khoai lang trồng trên đất Quảng Bình cũng mang hương vị đặc trưng khó tả, bùi và ngon ngọt hơn hẳn những khu vực khác. Từ những củ khoai mộc mạc ấy mà người ta đã tạo nên món "khoai deo" tuy chẳng hề cầu kỳ hay đậm sắc, đậm hương nhưng nếu đã một lần nếm thử món ngon này sẽ khiến thực khách mãi nhớ về.

Giống khoai ở Quảng Bình là loại khoai đỏ, có hình dạng giống củ sâm và được trồng trên đất cát. Củ khoai lang có tác dụng rất tốt cho sức khỏe, cung cấp vitamin A, C… tốt cho dạ dày, giúp cơ thể cân bằng nước, bổ sung chất khoáng, chất xơ… Vì muốn tạo nên một món ăn chơi nên người dân đã chế biến ra khoai deo để có thể bảo quản được lâu. Củ khoai sau khi đã thu hoạch thì phải để cho thật ráo nước trong một khoảng thời gian thật lâu. Điểm hay nhất chính là người ta cần bảo quản ở nơi thật khô ráo để tránh mọc mầm, sau khi thấy khoai hết căng mọng thì sẽ đem đi rửa sạch và luộc chín. Khi khoai mềm, người ta mới xắt ra thành từng lát mỏng theo chiều dọc, tiếp theo đem đi phơi dưới cái nắng to. Sau khi phơi khoảng 10 - 12 nắng đến khi khoai săn thịt lại và màu sắc cũng chuyển sang màu cánh gián là đúng chuẩn.

Dù phơi nắng phơi sương bao lần nữa thì khoai vẫn giữ được nguyên một hương vị thơm dịu với cái ngọt bùi nguyên vẹn. Khoai deo ngon là loại khoai khô nhưng lại dẻo như mạch nha, có sắc đỏ vàng như mật ong còn vị thì như đường phèn.

Dù phơi nắng phơi sương bao lần nữa thì khoai vẫn giữ được nguyên một hương vị thơm dịu với cái ngọt bùi nguyên vẹn. Khoai deo ngon là loại khoai khô nhưng lại dẻo như mạch nha, có sắc đỏ vàng như mật ong còn vị thì như đường phèn.

Những ai lần đầu ăn khoai deo sẽ chê món đặc sản này "cứng gãy răng" nên thực khách phải biết cách thưởng thức, cắn từ từ từng miếng nhỏ một, bắt đầu nhai sẽ thấy được cái dẻo mềm, bùi bùi cùng vị ngọt nhẹ còn thơm mùi khoai rất ngon miệng. Thưởng thức khoai deo, thực khách không chỉ đang tận hưởng mùi vị của nắng của gió Quảng Bình mà còn là tấm chân tình của người dân nơi đây.

8. MÈ XỬNG HUẾ (TỈNH THỪA THIÊN HUẾ)

Mè xửng Huế từ rất lâu đã trở thành biểu tượng gắn liền với con người Thừa Thiên. Nếu ai đã từng đến Huế mà chưa thưởng thức mè xửng để nếm thử hương vị của món này thì quả là đáng tiếc. Mè xửng Huế là loại kẹo ngọt dẻo, được làm từ bột năng, mạch nha trộn lẫn với dầu lạc, có vừng (mè) bao phủ xung quanh. Ở Huế, kẹo mè xửng là một trong những đặc sản mà người Tiều mang theo khi họ đến định cư tại khu vực Gia Hội vào thế kỉ 19.

Ngoài vừng (mè) thì bánh đa, mạch nha hay đậu phộng cũng là một trong những thành phần không thể thiếu của mè xửng. Với vị ngọt và dẻo dai của đường kết hợp với đậu phộng, mùi thơm của vừng khiến thực khách ăn vào là nhớ mãi.

Ngoài vừng (mè) thì bánh đa, mạch nha hay đậu phộng cũng là một trong những thành phần không thể thiếu của mè xửng. Với vị ngọt và dẻo dai của đường kết hợp với đậu phộng, mùi thơm của vừng khiến thực khách ăn vào là nhớ mãi.

Chính vì thế mà món mè xửng được coi là một trong những đặc sản của Cố đô Huế. Từ người già đến người trẻ, người giàu đến người bình dân thường ăn mè xửng hàng ngày hoặc được dùng vào trong những mâm cỗ, đĩa bánh tiếp khách.

 9. DÂU ĐÀ LẠT (TỈNH LÂM ĐỒNG)

Quả dâu thường được trồng nhiều ở vùng ôn đới. Tại Việt Nam, khí hậu mát mẻ của Đà Lạt đã biến nơi đây trở thành vựa dâu lớn nhất cả nước với hàng ngàn trang trại. Đây cũng được xem như trái cây đặc sản của thành phố ngàn hoa này. Dâu Đà Lạt chủ yếu là giống dâu Mỹ Đá, dâu Pháp, dâu New Zealand, ... Được trồng theo phương pháp thủy canh, công nghệ hiện đại với quy trình trồng, chăm sóc nghiêm ngặt. Sản phẩm đầu ra luôn đạt tiêu chuẩn và xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới. Mùa dâu tây tại Đà Lạt kéo dài từ tháng 11 đến cuối tháng 3,4. Dâu nở rộ nhất là vào tháng 1,2. Đến tháng 3 những cánh đồng dâu vẫn còn đỏ chót và nặng trĩu quả.

Dâu tây được du nhập từ Pháp và trồng trên đất Đà Lạt từ những năm 40 của thế kỷ XX.

Dâu tây được du nhập từ Pháp và trồng trên đất Đà Lạt từ những năm 40 của thế kỷ XX.

Dâu Đà Lạt thường được dùng để ăn tươi, vị chua chua, ngọt ngọt thanh mát thật sự rất quyến rũ và là món tráng miệng được ưa thích vô cùng. Ngoài ra với hương vị đặc trưng, bạn có thể kết hợp chế biến dâu Đà Lạt thành món hoa quả dầm, sữa chua, yogurt, siro, sinh tố hay thậm trí làm nhân bánh, làm mứt, ... cũng rất hấp dẫn.

 10. BÁNH TÉT TRÀ CUÔN (TỈNH TRÀ VINH)

Nếu như người miền Bắc và miền Trung đón năm mới với bánh chưng thì người miền Tây lại có bánh tét đượm nồng. Nói đến bánh tét thì miền Tây có rất nhiều loại, có bánh tét truyền thống, có bánh tét lá cẩm và trong số đó còn có bánh tét Trà Cuôn. Bánh tét Trà Cuôn là một đặc sản nổi bật của tỉnh Trà Vinh, hấp dẫn biết bao thực khách gần xa. Bánh tét vốn là loại bánh truyền thống trong dịp Tết cổ truyền. Đặc biệt là tại những vùng có đông đảo đồng bào Khmer sinh sống như ở Trà Vinh, vào những dịp trọng đại, nhà nhà người người đều làm bánh tét. Không chỉ trở thành sản phẩm mang tính thương hiệu, bánh tét Trà Cuôn còn được lưu giữ công thức gia truyền bởi "làng nghề bánh tét Trà Cuôn" (thuộc xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh).

Không chỉ thơm ngon đượm vị mà bánh tét Trà Cuôn còn là món ăn có rất nhiều cách thưởng thức độc đáo như ăn bánh tét với thịt kho hột vịt, với củ kiệu, với dưa muối...

Không chỉ thơm ngon đượm vị mà bánh tét Trà Cuôn còn là món ăn có rất nhiều cách thưởng thức độc đáo như ăn bánh tét với thịt kho hột vịt, với củ kiệu, với dưa muối...

Sự khác biệt của bánh tét nằm ở công đoạn chọn lựa nguyên liệu, gói bánh và luộc bánh. Để có đòn bánh ngon, người thợ sử dụng nếp sáp, thịt ba rọi ướp thơm và đậu xanh. Tùy cơ sở chế biến mà phần nếp sáp được giữ màu trắng tinh túy cho hoặc cho thêm nước cốt gấc để có màu đỏ cam, thêm lá cẩm để có màu tím hay thêm lá bồ ngót để có màu xanh bắt mắt. Chính nguyên liệu tự nhiên này góp phần giúp cho món bánh tét có màu sắc đẹp và mùi thơm khó cưỡng. Bánh tét thường có ba màu: màu đỏ từ trái gấc, màu xanh từ lá bồ ngót và màu tím từ lá cẩm hòa quyện cùng nhân trứng muối - thịt heo và mỡ. Các nguyên liệu hòa quyện vào nhau tạo ra mùi thơm rất đặc trưng và bắt mắt cho bánh tét Trà Cuôn.

 Cắt đòn bánh tét Trà Cuôn, bạn sẽ bị mê hoặc trước lớp nếp màu xanh đậm, bao bọc lớp nhân đậu xanh vàng ươm, bên trong là thịt mỡ, trứng muối và cả tôm khô. Khi đưa miếng bánh lên miệng và cắn thử một miếng, vị dẻo mềm của nếp hòa quyện cùng vị bùi của đậu xanh rồi lại là vị béo ngậy của thịt mỡ tạo nên một vị ngon quyến rũ.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh