Kiểm tra, giám sát công tác phòng chống tham nhũng tại Quảng Ngãi
- Pháp luật
- 15:07 - 14/11/2016
Sau một thời gian làm việc tại tỉnh Quảng Ngãi, Đoàn Công tác số 6 đã có dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát về thanh tra các vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, vụ án kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Đoàn ghi nhận Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN, công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên.
Từ năm 2011 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiến hành kiểm tra, giám sát đối với 78 tổ chức Đảng và 87 đảng viên. Chỉ đạo xử lý 23 vụ việc, vụ án và cho chủ trương, đường lối xử lý 20 vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế. Đến nay, cơ quan chức năng đã giải quyết dứt điểm 9 vụ, còn lại 11 vụ đang tập trung chỉ đạo.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tổ chức kiểm tra 16 tổ chức Đảng và 52 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, kịp thời xem xét, xử lý và đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy thi hành kỷ luật 12 đảng viên.
Qua công tác tự kiểm tra đã phát hiện 3 vụ gồm 4 đối tượng có liên quan đến tham nhũng, chuyển hồ sơ xử lý hình sự 2 vụ gồm 3 đối tượng.
Trong kỳ, toàn tỉnh đã triển khai 585 cuộc thanh tra, kiểm tra, phát hiện tổng giá trị sai phạm về kinh tế hơn 182,5 tỷ đồng và 24,7 triệu m2 đất các loại; kiến nghị thu hồi 92,8 tỷ đồng và 24,7 triệu m2 đất; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 21 vụ nghiêm trọng gồm 57 đối tượng. Qua tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đã phát hiện 5 vụ gồm 12 đối tượng có hành vi tham nhũng, với số tiền thiệt hại hơn 93 triệu đồng.
Đoàn Công tác ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng, tinh thần kiên quyết đấu tranh chống vi phạm, tội phạm của ngành Thanh tra tỉnh.
Cơ quan điều tra các cấp khởi tố 32 vụ, gồm 73 bị can về tội danh tham nhũng, kinh tế; đã kết thúc điều tra đề nghị truy tố 24 vụ với 63 bị can. Tòa án nhân dân 2 cấp đã thụ lý 33 vụ án với 71 bị cáo, đã xét xử sở thẩm 22 vụ án gồm 59 bị cáo và xét xử phúc thẩm 11 vụ án với 12 bị cáo. Trong quá trình giải quyết các vụ án, cơ quan tố tụng phát hiện số tiền thiệt hại gần 9,8 tỷ đồng và đã thu hồi hơn 2,85 tỷ đồng.
Tuy công tác quán triệt, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Tỉnh ủy và các cơ quan chuyên trách tham mưu, cơ quan bảo vệ pháp luật về PCTN được tăng cường nhưng hình thức kiểm tra, giám sát chủ yếu thông qua báo cáo, giao ban định kỳ; việc kiểm tra, giám sát trực tiếp đối với cơ quan bảo vệ pháp luật ở cấp tỉnh còn ít. 5 năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chưa tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 7/7/2007 của Bộ Chính trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan bảo vệ pháp luật trong điều tra, xử lý các vụ án và bảo vệ Đảng tại các cơ quan bảo vệ pháp luật cấp tỉnh”.
Hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy đối với các cấp ủy đảng về việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ; phát hiện tham nhũng qua kiểm tra, thanh tra còn hạn chế; một số vụ việc, vụ án phức tạp có khó khăn, ở địa phương vướng mắc còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan tố tụng nhưng chưa được cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời. Vì vậy, có vụ phải trả hồ sơ nhiều lần, thời gian giải quyết kéo dài, gây bức xúc trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đoàn Công tác kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác PCTN; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN. Tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo về tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường mối quan hệ giữa các cơ quan nội chính, bảo vệ pháp luật; có giải pháp thiết thực nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng; tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ các cơ quan, đơn vị...
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, ý kiến đề xuất của lãnh đạo Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi và giải thích của các thành viên trong Đoàn Công tác, Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu kết luận: Mục đích của Đoàn Công tác nhằm giúp cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi làm tốt hơn công tác PCTN, xử lý những vụ án lớn, nghiêm trọng mà dư luận xã hội quan tâm.
Bên cạnh mặt ưu điểm đã đạt được, cũng còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Công tác phối hợp giữa cơ quan thanh tra và điều tra cần xem xét lại, nhất là có vụ làm rất lâu mà không phát hiện tội phạm. Một số vụ việc, vụ án cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần theo dõi, xem xét xử lý tiếp, không để dây dưa kéo dài và phải báo cáo kịp thời về Trung ương...