Công an can thiệp tài xế tại BOT Cai Lậy có đúng không?
- Pháp luật
- 18:09 - 01/12/2017
Cảnh hỗn loạn tại BOT Cai Lậy.
Thông tin trên vietnamnet, đến hơn 23h ngày 30/11, hai người bị công an giữ tại trạm BOT Cai Lậy đưa về trụ sở làm việc đã được cho về. Đó là các anh Nguyễn Minh Trung (Sóc Trăng) và Trịnh Hồng Phương (Bình Dương).
Chia sẻ với PV báo vietnamnet sau khi ra khỏi trụ sở Công an TX Cai Lậy (Tiền Giang), anh Nguyễn Minh Trung cho biết, anh đã được kiểm tra nồng độ cồn, xét nghiệm ma túy… Công an cũng đưa 1 biên bản lời khai ghi anh Trung 3 khuyết điểm. Đó là tới BOT, đóng phí rồi người ta cho tôi đi nhưng không chịu đi; có lời lẽ xúc phạm ngành công an nhân dân; đứng trước kính chắn gió, ôm kính chắn gió của xe đặc chủng...
Anh Trung cũng cho biết, sau khi làm việc ở trụ sở công an, sức khoẻ anh vẫn bình thường. Anh được hẹn trở lại cơ quan Công an huyện Cai Lậy vào 8h sáng thứ bảy để tiếp tục làm rõ một số vấn đề liên quan.
Sau khi anh Trung được cho về vài phút thì anh Phương cũng rời trụ sở công an TX Cai Lậy.
Trước đó, chiều 30/11, công an huyện Cai Lậy đã đưa anh Trung và anh Phương về trụ sở để làm việc, do cho rằng hai tài xế này gây rối, kích động.
Trả lời báo Tuổi trẻ vì sao lực lượng công an đưa những chủ xe trả tiền lẻ vào khu vực riêng, đại tá Trương Văn Sáng - trưởng công an huyện Cai Lậy cho biết, việc mời các tài xế ra khỏi làn thu phí trong ngày 30/11 là đúng theo quy định pháp luật. "Những tài xế xe này cố tình gây cản trở giao thông khiến kẹt xe trên quốc lộ 1. Chúng tôi đang củng cố chứng cứ để xử lý hai trường hợp này theo quy định. Tuy nhiên, xử lý về tội gì thì sẽ thông tin sau", ông thông tin trên tờ báo này.
Báo Tuổi trẻ cũng dẫn lời luật sư Phạm Tất Thắng (đoàn luật sư TP.HCM) khẳng định, việc làm của CSGT như vậy là sai luật. "Việc lực lượng cảnh sát túc trực để điều tiết, giữ gìn trật tự, đề phòng, xử lý hành vi gây rối (nếu có) tại trạm thu phí là cần thiết. Tuy nhiên, phải khẳng định ngay việc tài xế dùng tiền lẻ hay chẵn là quyền của tài xế, không vi phạm pháp luật. Mệnh giá tiền bao nhiêu hoặc phương thức thanh toán nào khác phù hợp (cà thẻ nếu có) giữa tài xế và trạm thu phí là quan hệ dân sự đơn thuần", luật sư Thắng nói.
Trước đó, hồi giữa tháng 8/2017, khi xảy ra ùn tắc kéo dài tại BOT Cai Lậy, nhiều người thắc mắc vì sao CSGT không hề có hành động can thiệp hay xử lí các tài xế gây cản trở giao thông bằng việc trả phí bằng tiền lẻ.
Trả lời báo chí về chuyện các tài xế tập trung đưa tiền lẻ tại các trạm BOT gây ùn tắc giao thông kéo dài, lực lượng CSGT không hề can thiệp xử lí về việc trả tiền lẻ của các tài xế mà chỉ phân bố lực lượng thực hiện nhiệm vụ phân luồng giúp ổn định lại tình hình giao thông tại hiện trường, Đại tá Trần Hoài Bảo, Trưởng phòng CSGT đường bộ, Công an tỉnh Tiền Giang cho rằng việc các tài xế đưa tiền có các mệnh giá 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng để mua vé qua trạm không sai, điều này luật cho phép. Việc cho tiền vào chai nhựa hay bịch nylon cũng không trái pháp luật, bởi đây là giao dịch dân sự (theo Điều 116, Bộ luật dân sự).
Cảnh sát được tăng cường về BOT Cai Lậy
Khoản 9 Điều 15 Nghị Định 46, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. 7. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức thu phí đường bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Để số lượng xe ô tô xếp hàng chờ trước trạm thu phí trên một làn xe chờ dài nhất lớn hơn 150 xe đến 200 xe hoặc để chiều dài dòng xe xếp hàng chờ trước trạm thu phí (tính từ cabin thu phí đến xe cuối cùng của hàng xe chờ) lớn hơn 1.000 m đến 2.000 m; b) Để thời gian đi qua trạm thu phí của một xe ô tô bất kỳ kể từ lúc dừng xe chờ thu phí đến lúc ra khỏi trạm thu phí lớn hơn 20 phút đến 30 phút. 8. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức thu phí đường bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Để số lượng xe ô tô xếp hàng chờ trước trạm thu phí trên một làn xe chờ dài nhất lớn hơn 200 xe hoặc để chiều dài dòng xe xếp hàng chờ trước trạm thu phí (tính từ cabin thu phí đến xe cuối cùng của hàng xe chờ) lớn hơn 2.000 m; b) Để thời gian đi qua trạm thu phí của một xe ô tô bất kỳ kể từ lúc dừng xe chờ thu phí đến lúc ra khỏi trạm thu phí lớn hơn 30 phút. 9. Phạt tiền từ 50.000.000 đến 70.000.000 đồng đối với tổ chức thu phí đường bộ vi phạm Khoản 6, Khoản 7, Khoản 8 Điều này mà không chấp hành yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc triển khai các giải pháp để khắc phục ùn tắc giao thông tại khu vực trạm thu phí. |