CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:15

Công an TP Cần Thơ liệu có “hành” doanh nghiệp?

 

Bài 1: Dự án nghìn tỉ chết yểu?

Dự án Cụm nhà máy chế biến nông thủy sản do Cty Tây Nam làm chủ đầu tư được xây dựng trên diện tích 42ha, tổng vốn đầu tư 5.000 tỉ đồng, trong đó giai đoạn 1: 690 tỉ đồng. Khi triển khai hết toàn bộ dự án sẽ đảm bảo giải quyết việc làm cho 15.000 lao động.

Dự án Cụm nhà máy chế biến nông thủy sản được khởi công từ năm 2012. Đến tháng 6/2014 trong khi đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ thi công cho kịp tiến độ thì Agribank Chi nhánh Cần Thơ yêu cầu Giám đốc Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân báo cáo giải trình, cung cấp hồ sơ, tài liệu để phục vụ quá trình điều tra của Cục A86 (Bộ Công an) và Công an TP Cần Thơ. Lý do mà cơ quan điều tra vào cuộc là có một lá đơn tố cáo Công ty Tây Nam “nhận vốn vay nhưng không thực hiện dự án, dùng vốn vay để cho vay lại hưởng lãi suất”. Và, “tai họa” đã thực sự ập xuống Công ty Tây Nam cũng như các đối tác của Tây Nam.

Giám đốc Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân đang nghi vấn có kẻ đứng sau giật dây ép chết doanh nghiệp.

Với tinh thần hợp tác, minh bạch, công khai, ông Nhân đã cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến tiến độ thi công, hợp đồng vốn vay. Ngoài ra, ông cũng liên tục phải lên trụ sở công an để phục vụ điều tra. Thông tin rằng Công ty Tây Nam vi phạm pháp luật, trục lợi từ chính sách của nhà nước được phát tán. Ông Nhân bức xúc: “Chẳng hiểu có phải cơ quan điều tra cố tình tung tin đồn ra hay không, nhưng kể từ khi có cán bộ an ninh đến làm việc với Agribank Chi nhánh Cần Thơ dư luận rộ lên rằng cá nhân tôi và Công ty Tây Nam đang bị điều tra, thậm chí cơ quan điều tra sẽ bắt tôi trong nay mai; Sự việc không dừng tại đó, mà càng ngày càng xuất hiện những thông tin lạ, gây bất lợi cho Công ty Tây Nam và cá nhân tôi”.

Được biết, để thực hiện giai đoạn 1 dự án, ngoài vốn tự có của Công ty Tây Nam là 200 tỉ đồng, doanh nghiệp có thỏa thuận vay của ngân hàng BIDV 200 tỉ đồng, song chưa giải ngân; Đồng thời vay Agribank Chi nhánh Cần Thơ 289 tỉ đồng. Căn cứ vào hợp đồng tín dụng số 01/HĐTD-TN ngày 25/2/2012, Agribank Chi nhánh Cần Thơ đã giải ngân 265,7 tỉ đồng. Bắt tay vào xây dựng dự án, năm 2011, Công ty Tây Nam kí Hợp đồng số 01/2011/HĐXD về “thi công xây dựng, cung cấp và lắp đặt thiết bị Cụm công trình nhà máy chế biến thủy sản, nhà máy chế biến nông sản” với Công ty TNHH Tân Tiến (do ông Phạm Tường Thi làm giám đốc, ông Nguyễn Văn Đạt làm phó giám đốc, gọi tắt là Công ty Tân Tiến).

 Như thỏa thuận hợp tác, Công ty Tân Tiến đã thực hiện thi công công trình, cung cấp thiết bị đúng thông số kĩ thuật, số lượng và chủng loại thiết bị, đúng tiến độ. Dự án đã được san lấp mặt bằng, hạ tầng nhà xưởng đã xong, máy móc, thiết bị cũng đã tập kết đầy đủ tại công trình, chờ lắp đặt là có thể đưa vào vận hành. Thực hiện đúng quy định của pháp luật, số tiền Công ty Tây Nam vay được của Agribank Chi nhánh Cần Thơ chuyển thẳng cho Công ty Tân Tiến theo tiến độ thi công dự án. Từ khi khởi công cho đến cuối quý IV/2014, Cty Tây Nam và Cty Tân Tiến nghiệm thu một số hạng mục công trình, thiết bị, các văn bản nghiệm thu có sự chứng kiến của Agribank Chi nhánh Cần Thơ.

Khối máy móc thiết bị có giá hàng trăm tỉ đồng đang trở thành đống “rác”.

Thế rồi, theo phản ánh của ông Phạm Tường Thi, Giám đốc Công ty Tân Tiến, là đối tác của Công ty Tây Nam vào các ngày 13, 15, 16, 19/1/2015 và ngày 2/2/2015, ông được mời đến Phòng An ninh điều tra (PA92), Công an TP Cần Thơ. “Công an mời tôi lên để trình bày về việc kí hợp đồng mua máy móc, thiết bị, xây dựng cụm nhà máy nông, thủy sản Tây Nam. Tôi lên làm việc theo tinh thần hợp tác. Tuy nhiên, sau đó các ngày 28, 29/1/2016 và ngày 15, 17, 18, 19/2/2016 tôi tiếp tục nhận được Giấy triệu tập có cùng nội dung nêu trên, mặc dù những nội dung đó tôi đã trình bày một năm trước đó”. Ngoài ông Thi, Phó Giám đốc Công ty Tân Tiến là Nguyễn Văn Đạt cùng nhiều nhân viên công ty cũng bị triệu tập đến để điều tra. Thậm chí, theo ông Thi, các đối tác đang tham gia thi công cho Công ty Tân Tiến cũng bị PA92 mời đến làm việc liên tục.

“Do bị điều tra thời gian dài (từ ngày 13/1/2015 đến nay) mà không rõ lí do khiến hàng trăm nhân viên không hiểu công ty đang bị điều tra gì nên hoảng sợ rồi lần lượt nghỉ việc. Các đối tác thì nghi ngờ công ty làm ăn bậy bạ, không hợp tác thi công nữa”, ông Thi ngậm ngùi. Cùng số phận với Công ty Tây Nam, Công ty Tân Tiến rơi vào thế bị cô lập hoàn toàn, không thể hoạt động được. Dù rằng dự án đang dang dở, các máy móc, thiết bị có giá trị hàng trăm tỉ đồng đã tập kết tại công trình chờ lắp đặt thì vẫn phải “đắp chiếu”, hàng trăm công nhân đang được gửi đi đào tạo đã sẵn sàng trở về cũng chưa thể về, hàng nghìn người lao động đang sẵn sàng nộp hồ sơ tuyển dụng và cũng chưa thấy cơ hội đâu. Trước tình thế “sống còn”, Công ty Tây Nam buộc phải ra văn bản gửi tới các cơ quan quản lý và các bên đối tác về việc dừng thi công dự án, chờ kết quả sau cùng.

Suốt hai năm qua, chủ doanh nghiệp bị gọi lên gọi xuống nhiều lần, đến mức lãnh đạo Công ty Tân Tiến phải làm công văn từ chối làm việc với cơ quan điều tra vì nội dung làm việc không có gì mới so với hai năm trước. Thậm chí, các doanh nhân còn bức xúc: “Chúng tôi không vi phạm pháp luật, nếu vi phạm sao cơ quan điều tra không khởi tố và bắt chúng tôi đi chứ đừng chèn ép, giết chết doanh nghiệp chúng tôi như vậy...”. Cùng những bức xúc và trước việc làm khó hiểu của cơ quan điều tra, các doanh nhân đang nghi ngờ có một thế lực nào đó đứng sau giật dây, muốn đè bẹp doanh nghiệp, bức tử dự án.

(còn nữa)

AN HUÊ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh