Cơn "sốt" đất vùng ven Hà Nội, kẻ nào thao túng giá?
- Huyệt vị
- 18:12 - 14/04/2019
Loạn giá đất “ven đô”
Ngày 26/3, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, chủ trì hội nghị trực tuyến giao ban công tác UBND TP tháng 3 và quý I/2019. Thông tin bên lề hội nghị cho biết UBND TP Hà Nội đã hoàn thiện đề án xây dựng các huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì thành quận vào năm 2020.
Theo ghi nhận, nhiều khu đất tại các khu vực có thông tin lên quận đã chứng kiến tình trạng giá đất tăng chóng mặt. Từ cuối 2018 đến nay, tại huyện Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, giá đất đã tăng "nóng" 30-50%.
Tại Gia Lâm, theo khảo sát thực tế, giá rao bán bất động sản ở đây đã bắt đầu rục rịch tăng đầu năm 2019. Cụ thể, đất mặt tiền trên đường Kiêu Kỵ, giá bán dao động từ 25 - 32 triệu đồng/m2, trong khi giá đầu năm chỉ từ 20 - 25 triệu đồng/m2; Còn trên đường An Đào A, Đào Nguyên A, giá đất do nhiều môi giới đưa ra dao động từ 39 - 45 triệu đồng/m2, cao hơn nhiều so với mức giá bán 30 – 35 triệu đồng/m2 hồi đầu năm 2018.
Sau khi có thông tin lên quận vào năm 2020, nhiều khu vực đất vùng ven đô đã được rao bán rầm rộ với mức giá cao chót vót.
Bên cạnh Gia Lâm, các huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh là những huyện đang có đề án lên quận vào năm 2020. Đây chính là lý do các môi giới "trực" sẵn để thổi giá đất.
Tại huyện Đông Anh, một số vị trí đất nền, biệt thự, nhà liền kề đang được chào bán từ 26-30 triệu đồng/m2, có nơi lên tới 35 - 40 triệu đồng/m2, cao gấp rưỡi so với đầu năm ngoái.
Khảo sát tại một văn phòng môi giới nhà đất thuộc xã Vĩnh Ngọc (Đông Anh, Hà Nội), một nhân viên môi giới cho biết, giá đất tại đây giao động từ 30-40 triệu/m2. Riêng những mảnh đất ở ngoài đường lớn, thì giá đất đã tăng lên tới 60-70 triệu/m2, thậm chí là trên 100 triệu đồng/m2 nếu mảnh đất đó nằm tại vị trí đắc địa, thuận lợi cho kinh doanh.
Tương tự, tại huyện Thanh Trì, đất phân lô Ngũ Hiệp, Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) cũng được nhiều môi giới báo giá khủng, dao động từ 55 - 65 triệu đồng/m2, tăng từ 50 – 70 % so với năm trước.
Những văn phòng môi giới đất "mọc lên như nấm" tại huyện Hoài Đức.
Trong khi đó, tại huyện Hoài Đức, hàng loạt các văn phòng môi giới bất động sản đã xuất hiện dày đặc xung quanh khu vực thị trấn Trạm Trôi trong thời gian gần đây. Khu vực này vốn được biết đến là “thủ phủ” của hàng loạt dự án “hoang vắng”, không có người ở nhiều năm nay như Kim Chung – Di Trạch, Lindeco Bắc 32…
Thế nhưng, thông tin từ một văn phòng môi giới đất tại thị trấn Trạm Trôi (Hoài Đức) lại cho biết: “Sau khi thông tin Hoài Đức sẽ thành quận vào năm 2020, thì giá đất giao dịch tại đây đã tăng từ 30 – 40%. Cụ thể là đất ở đây tăng lên 30 - 34 triệu đồng/m2. Đất mặt tiền quốc lộ thị trấn Trạm cũng tăng lên tới 100 - 120 triệu đồng/m2”. Ngay cả đất ở các xã An Khánh, An Thượng cũng được chào giá 30 - 40 triệu đồng/m2, tăng tới 30%-40%.
Có thể thấy, Sự kỳ vọng từ quê lên phố, từ huyện thành quận đã khiến một bộ phận người dân đầu cơ và có tiền sẵn sàng đầu tư và mua với giá trên trời mà chưa biết sẽ về đâu.
Đất tăng là do “cò” thổi giá?
Ông Vũ Hiếu – Công ty Cổ Phần Bất động sản Gia An cho biết: “Từ đầu năm 2019, thông tin Hà Nội sẽ đưa 4 huyện ngoại thành lên quận vào năm 2020 khiến vùng đất ven nội đô này sốt nóng, xuất hiện tình trạng giá đất tăng cao đột biến chỉ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của công ty tại các khu vực xảy ra sốt đất ở huyện Thanh trì, Đông Anh… thì giao dịch chủ yếu diễn ra giữa các nhà đầu cơ mua bán lại với nhau làm “thổi” giá bất động sản lên cao, còn thực tế thì các giao dịch đến từ người mua đất, mua nhà để ở không có nhiều”.
Ông Nguyễn Quốc Huy - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bất động sản Hải Phát thì đưa ra khuyến cáo: “Tại một số khu vực có thông tin lên quận, nhân viên môi giới đất kết hợp với các nhà đầu cơ đưa ra thông tin không chính xác, làm thổi giá đất quá cao so với giá trị thực. Nhà đầu tư muốn đầu tư lâu dài cần phải nghiên cứu thị trường, lưu ý đến những yếu tố về cơ sở hạ tầng, thông tin về quy hoạch, các dự án đang được phát triển tại khu vực này khi đây mới là yếu tố có thể tác động đến giá đất”.Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đực – Giám đốc công ty Bất động sản Đất Lành thì đưa ra nhận định, khi mua bán đất, người đầu tư nên nâng cao cảnh giác và lấy bài học là cơn sốt đất của Hà Tây khi sát nhập vào Hà Nội trước đây.
Khu vực thị trấn Trạm Trôi (Hoài Đức) là nơi tồn tại nhiều dự án "bỏ hoang" cũng đang sốt nóng với nhiều lời đồn thổi về giá đất.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đực – Giám đốc công ty Bất động sản Đất Lành thì đưa ra nhận định, khi mua bán đất, người đầu tư nên nâng cao cảnh giác và lấy bài học là cơn sốt đất của Hà Tây khi sát nhập vào Hà Nội trước đây.
“Câu chuyện Sốt đất Cách đây hơn 10 năm, bất động sản tại khu vực Hà Tây từng sốt nóng khi được sát nhập vào Hà Nội. Giá đất tại Hà Tây đã tăng lên cao chót vót trước khi đi xuống và quay lại giá trị thực. Cơn sốt đất tại Hà Tây đem lại cơ hội cho nhiều nhà đầu tư kiếm lời, nhưng cũng khiến nhiều người thất bại, tán gia bại sản khi cơn sốt đất “ảo” qua đi” – ông Nguyễn Văn Đực đưa ra khuyến cáo.
Ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam nhận định: “Nhiều nhà môi giới, đầu cơ đang lợi dụng tâm lý của người dân khi từ huyện lên quận thì giá trị đất sẽ được tăng lên để thổi giá đất lên cao.
Nhưng không phải cứ lên quận thì giá đất sẽ tăng, người dân nên nhớ yếu tố quan trong nhất ảnh hưởng tới giá đất đó là phải căn cứ vào nhu cầu thực của người mua nhà để ở hay để đầu tư, dựa vào quy hoạch phát triển của vùng và căn cứ vào điều kiện cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông khu vực mới có thể tác động làm thay đổi giá trị thực của đất.
Gốc của vấn đề đó là chỉ khi nào có các dự án cụ thể, làm thay đổi các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tốt lên thì mới có thể đẩy giá đất lên, còn không đó chỉ là tăng giá ảo".
Như vậy, có thể thấy việc gía đất tăng cao phần nhiều là do dân đầu cơ thổi giá, khiến giá đất không ở mức giá trị thực. Người dân cần thật tỉnh táo trước thông tin giá đất ở khu vực 4 huyện "sắp" lên quận tại Hà Nội để tránh tiền mất tật mang.