“Cơn sốt” đất tại tại 4 huyện sắp lên quận vào năm 2025, lời "cảnh báo" của các chuyên gia
- Huyệt vị
- 18:40 - 07/12/2019
Trong 2 năm trở lại đây giá bất động sản tại các huyện này liên tục có biến động lớn. Đỉnh điểm là thời điểm 2017-2018, cò đất đẩy giá bất động sản tại các địa phương này lên nhanh một cách chóng mặt, có những nơi giá rao bán đất cao gấp từ 2-3 lần so với thời điểm vài năm trước đó.
Thời điểm hiện tại, dù thị trường có phần giảm sốt nhưng giá đất vẫn ở mức chênh lệch rất lớn. Đơn cử như ở thị trấn Đông Anh, giá đất thổ cư theo lời môi giới có thể lên tới 100-120 triệu đồng/m2, gấp cả chục lần so với trước đó. Các thôn khác giá cũng đẩy lên tới 30-40 triệu đồng/m2.
Tương tự, tại Hoài Đức, mức giá cũng được đẩy lên tới 120-130 triệu đồng/m2 nhưng giao dịch thực được ghi nhận không nhiều. Còn tại Gia Lâm, giá nhiều khu vực dao động ở 40-50 triệu đồng/m2, tăng từ 1,5-2 lần so với cuối năm ngoái. Tại huyện Đan Phượng, mức tăng ít hơn các huyện khác, hiện được rao bán với mức giá cao nhất 60-70 triệu đồng/m2, thấp nhất khoảng 10-20 triệu đồng/m2.
Giá đất của huyện Đan Phượng tại các vị trí mặt đường các trục chính dao động khoảng từ 55-70 triệu đồng/m2. Đất thổ cư trong làng khoảng từ 10-25 triệu đồng/m2, tùy vị trí. Nếu so với thời điểm đầu 2015, giá đất hiện tại tăng khoảng hơn 30-40%.
So với các huyện thị khác, Thanh Trì có mức giá đất trung bình cao nhất hiện nay. Một số khu vực có giá trị bất động sản cao có thể kể đến như Cầu Bươu (52,1 triệu/m2), Kim Giang (65,4 triệu/m2), liên xã Phan Trọng Tuệ (61,9 triệu/m2), Tân Triều (77 triệu/m2)…
Nhanh chóng chớp lấy thời cơ, để kiếm lời, trên mạng xã hội và nhiều chuyên trang bất động sản đã quảng cáo rầm rộ các dự án. Điều đáng nói, nhiều diện tích đất nền được rao bán là đất nông nghiệp. Giới đầu cơ bất động sản đã thu gom và mua lại từ người dân khi có thông tin các huyện trên sẽ quy hoạch lên quận, sau đó phân lô, nền để bán lại cho những ai có nhu cầu.
Dành lời khuyên cho giới đầu tư, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội, cần lưu ý là lộ trình 4 huyện này lên quân sẽ diễn ra từ nay đến 2025. Sẽ phải mất vài năm để thị trường bất động sản phản ánh rõ rệt sự thay đổi, khác biệt lên giá bất động sản. Bên cạnh đó, để mức tăng giá này bền vững, thị trường tại các địa phương cần hội tụ đầy đủ và đồng bộ các yếu tố như quy mô dân số, đầu tư cơ sở hạ tầng, quy tụ các cơ quan ban ngành. Nếu nhìn vào các huyện sẽ lên quận hiện nay, chúng ta có thể thấy đây là một chặng đường dài. Vì vậy, các hiện tưởng thổi giá hay tạo sốt đất ảo nếu có xảy ra, theo thời gian sẽ được thị trường điều chỉnh để phản ánh giá trị thực.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc này sẽ tác động lớn đến kinh tế - xã hội trên địa bàn TP. Hà Nội. Theo ông Phong, Thủ đô trên thế giới nói chung và TP. Hà Nội nói riêng luôn có xu hướng tăng đô thị hóa, thông qua việc chuyển từ huyện thành quận, từ xã thành phường. Xu hướng này không chỉ dừng lại ở con số 4 huyện này mà sẽ còn tiếp tục.
Ở mặt tích cực, việc chuyển đổi này sẽ giúp việc quản lý hiệu quả theo xu hướng đô thị hóa. Khi địa phương được tăng cấp thì sẽ có chế độ và chính sách đầu tư hạ tầng, các cơ sở xã hội khác, kể cả giao thông cũng tốt hơn khi còn là huyện, từ đó tạo ra nền tảng hạ tầng tốt hơn cho cả thành phố và địa phương đó. Đây còn là một cơ hội để phát triển dịch vụ và quy hoạch lại đất đai cũng như ngành nghề, từ đó tạo việc làm, động lực tăng trưởng mới cũng như tạo thu ngân sách mới. Việc chuyển đổi cũng giúp cho đời sống xã hội của huyện theo nhịp sống mới của đô thị quận theo hướng tích cực
Cùng quan điểm, Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Tuấn cho rằng, đây chính là bài toán thu hút đầu tư mà thành phố Hà Nội đã đưa ra. Với quy hoạch trở thành quận, 4 huyện này sẽ có cơ hội tái cấu trúc lại không gian đô thị, gỡ bỏ "chiếc áo" chật hẹp để phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên việc này sẽ không tránh khỏi tình trạng leo thang giá cả đất đai.
Để tránh tình trạng tạo "sốt" đất, Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Tuấn cho rằng, chính quyền cần có ngay các giải pháp để tránh tình trạng tạo "sốt" đất, mua bán, xây dựng tràn lan làm hỏng bộ mặt đô thị của các quận mới. Việc giữ gìn các thiết chế văn hóa cũng cần phải đặt ra như một yêu cầu quan trọng. Các huyện cần công khai quy hoạch chi tiết để người dân biết sớm. Việc quy hoạch cũng phải thực hiện nghiêm túc.