THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:43

“Con người không phải là hàng hóa. Mỗi người là một món quà”

Ngày thế giới phòng, chống mua bán người (WDATIP) năm nay, tổ chức Di cư quốc tế (IOM) đã phối hợp với Đại sứ quán Australia, Canada, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ thực hiện một đoạn phim ngắn để làm rõ những quan niệm sai về mua bán người và nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề này, cũng như kêu gọi các hành động bảo vệ nạn nhân bị mua bán.

 Tham gia vào sự kiện này còn có tiếng nói của cựu Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Top 5 Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2018 – H’hen Niê, một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn tại Việt Nam (1,9 triệu lượt theo dõi trên Facebook, 100 nghìn lượt theo dõi trên Instagram), nhằm chia sẻ thông điệp rộng rãi đến thế hệ trẻ.

Tại phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vào tháng 5/2023, bà Mai Thị Phương Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban cho biết, trong 5 năm qua (2018 – 2022), Việt Nam đã phát hiện 440 vụ mua bán người với 876 đối tượng vi phạm và 1.240 nạn nhân.

Theo Báo cáo về tình hình mua bán người năm 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Chính phủ Việt Nam đã điều tra 90 vụ mua bán người với 247 đối tượng vi phạm vào năm 2022, so với 77 vụ mua bán người với 149 đối tượng vào năm 2021 . Trong số 90 vụ được điều tra thì có 49 vụ liên quan đến mua bán người xuyên quốc gia sang Trung Quốc và Campuchia.

Theo báo cáo của Bộ Công an, trong số nạn nhân trình báo có 744 nạn nhân nữ, 275 nạn nhân nam, 841 nạn nhân trên 16 tuổi và 178 nạn nhân dưới 16 tuổi. Các hình thức mua bán người đã phát hiện bao gồm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể và các mục đích vô nhân đạo khác. Điều đó cũng cho thấy số nạn nhân bị mua bán là nam giới ngày càng tăng một cách đáng báo động .

Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh tội phạm mua bán người có diễn biến phức tạp và ngày càng nghiêm trọng với thủ đoạn ngày càng tinh vi và khó đối phó hơn, như việc sử dụng ứng dụng nhắn tin mã hóa và hoạt động ở quy mô lớn với sự quản lý có hệ thống của các nhóm tội phạm xuyên quốc gia.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể nhằm tạo môi trường di cư an toàn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư và các hoạt động phòng, chống mua bán người. Trong quá trình triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, Chính phủ Việt Nam đưa ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ mới trong phòng, chống mua bán người trên tất cả các lĩnh vực, như nâng cao năng lực điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nhiều đối tượng mua bán người hơn, tăng cường hợp tác quốc tế trong thực thi pháp luật và khởi tố hình sự đối với các cán bộ bị cáo buộc đồng lõa.

Chính phủ Việt Nam cũng đã nỗ lực đáng kể để thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác phối hợp và chuyển tuyến giữa các cơ quan liên quan thông qua việc chuẩn hóa các quy trình, thủ tục và tăng cường năng lực thể chế như sáng kiến của Bộ LĐ-TB&XH về triển khai Quy chế phối hợp giữa bốn bộ (Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Quốc phòng) trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, có hiệu lực vào tháng 8/2022. Đặc biệt, những nỗ lực bảo vệ nạn nhân của Chính phủ Việt Nam đã được các đối tác quốc tế ghi nhận. Điều này được thể hiện ở vị trí nâng lên hạng 2 trong danh sách theo dõi của Báo cáo về tình hình mua bán người năm 2023.

Mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và di cư ở Việt Nam:

-Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC)  kết luận rằng các tác động của biến đổi khí hậu, kết hợp với sự gia tăng dân số nhanh chóng ở những khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi các hiểm họa khí hậu, có thể sẽ dẫn đến tình trạng phải di dời dân cư quy mô lớn trong tương lai và việc di dời dân số lâu dài ngày càng trở nên cấp thiết.

-Theo Ủy ban Giám sát dữ liệu độc lập (IDMC), các thảm họa đã gây ra 32,6 triệu lượt di cư nội địa vào năm 2022, đây là con số cao nhất trong thập kỷ này và cao hơn 41% so với mức trung bình hàng năm của thập kỷ trước. 

-Là một trong những quốc gia ở khu vực sông Mê kông, Việt Nam phải đối mặt với tác động nặng nề của nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán nghiêm trọng, sụt lún đất và các tác động khí hậu khác. Theo Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020, có 1,3 triệu người đã rời khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong 10 năm qua do thiếu đất canh tác, thiếu việc làm và cơ hội tạo thu nhập, cũng như để phòng, tránh thiên tai . Chỉ riêng trong năm 2022, đã có khoảng 353.000 lượt di cư nội địa do thiên tai và con số này dự đoán sẽ tăng lên rất nhanh.

-Biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng đến cuộc sống và khả năng dịch chuyển của người dân, đặc biệt là nhóm người dễ bị tổn thương do phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn sinh kế chính. Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy tỉ lệ di cư ra nước ngoài ở đồng bằng sông Cửu Long là 45%. Đây là tỉ lệ cao nhất trong cả nước, cao gấp đôi tỉ lệ di cư ra nước ngoài trung bình của cả nước là 20%.

-Việc di cư và những tác động khác như biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của quốc gia, đe dọa đến sự an toàn, sinh kế và cuộc sống của các nhóm người dễ bị tổn thương như người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người già, người dân tộc thiểu số và người khuyết tật.

P.V

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh