THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:20

Con đường di sản miền Trung: Thách thức giữa phát triển và bảo tồn

Cố đô Huế được các chuyên gia UNESCO đánh giá là điểm sáng trong công cuộc bảo tồn di sản.

Cùng với di tích Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) và quần thể di tích cố đô Huế, Quảng Nam là địa phương sở hữu 2 di sản Văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn cùng Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.

Sau gần 16 năm kể từ khi Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới (năm 1999), Quảng Nam đã ghi tên mình vào bản đồ du lịch di sản như một điểm sáng, có sức hấp dẫn khó có thể chối tư không chỉ đối với du khách trong nước, mà ngay cả du khách nước ngoài khi đến Việt Nam. Cũng kể từ ấy, cơ hội phát triển du lịch của Quảng Nam đã bước sang một trang mới. Từ một địa phương chưa được nhiều người biết đến, giờ đây trên đường phố Hội An, đâu đâu người ta cũng thấy khách du lịch bộ hành trên khắp các con phố, ngõ hẻm, trong những căn nhà cổ...

Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam cho rằng: “Việc khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch di sản đối với Quảng Nam, nhằm thu hút khách du lịch đã được địa phương hướng đến từ lâu, tuy nhiên để khai thác một cách hiệu quả, hợp lý thì Quảng Nam vẫn còn những giới hạn nhất định. Trong khi đó, phát triển du lịch di sản phải luôn gắn với trách nhiệm bảo tồn, phải làm sao giữ tốt nhất các giá trị văn hóa được bồi đắp từ nhiều đời.”

Du khách bị cuốn hút bởi nhịp sống thường ngày của chính người dân phố cổ Hội An.

Ông Hài cũng nhìn nhận, trong quá trình phát triển không thể tránh khỏi việc các di sản văn hóa phải đối mặt với những nguy cơ bị hủy hoại do tác động của thiên nhiên và con người. Nhưng nguy cơ lớn nhất phải kể đến là do sự phát triển du lịch thiếu bền vững, sẽ có tác động không nhỏ đến môi trường cũng như không gian tồn tại của di sản.

Theo đánh giá của các nhà bảo tồn, tại Quảng Nam, mỗi ngày Mỹ Sơn đón hàng trăm lượt khách chắc chắn sẽ ảnh hưởng, tác động không nhỏ lên di tích, vì đây là những công trình kiến trúc bằng gạch, đá; hiện tượng rạn nứt, ẩm mốc trên các tường tháp, ảnh hưởng từ mồ hôi, ánh sáng đèn flash, khách leo trèo lên tháp… là  điều không thể tránh khỏi. Còn tại phố cổ Hội An, tuy chưa có những công trình nghiên cứu khoa học cụ thể về tác động tiêu cực của du lịch đến di tích, nhưng từ nhiều năm nay vấn đề này đã được các nhà nghiên cứu cảnh báo. Nếu không có sự bảo tồn đúng mức, Hội An sẽ đứng trước nguy cơ mất đi phần hồn.

Phố cổ Hội An luôn tấp nập những bước chân bộ hành của du khách.

Hướng đi nào để bảo tồn những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, duy trì được tính đa dạng văn hóa hiện có của dân tộc trong quá trình phát triển của các địa phương trên con đường di sản miền Trung?. Đây không chỉ là thách thức, mà còn là trách nhiệm to lớn đặt lên vai những người làm công tác bảo tồn di sản. Thực tế, mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển du lịch luôn là mối quan hệ qua lại và gắn liền với nhau. Bảo tồn để làm cơ sở cho sự phát triển và phát triển để tạo điều kiện cho bảo tồn. Ông Đinh Hài cho rằng: “Tuy không khuyến khích sự phát triển ồ ạt, dẫn đến quên đi vấn đề bảo tồn, nhưng cũng không phải vì quá bảo tồn mà chậm chạp trong phát triển, hai cái này phải hài hòa với nhau.”

Phát triển du lịch di sản là hướng đi đúng của các địa phương, nhằm góp phần nâng cao đời sống xã hội, tạo điều kiện bảo tồn văn hóa và môi trường. Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực, nếu không có sự quản lý đúng đắn thì việc phát triển du lịch cũng có thể mang lại những tác động ngược lại. Vì vậy, phát triển du lịch một cách bền vững, chuyên nghiệp là điều cần thiết trên con đường di sản miền Trung.

Du khách tham quan tại khu đền tháp Mỹ Sơn, Quảng Nam.

Trong đó có thể kể đến như quần thể di tích Cố đô Huế, sau 20 năm từ khi được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, Cố đô Huế đã được các chuyên gia UNESCO và các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng trong công cuộc bảo tồn di sản với sự phát triển toàn diện và bền vững. Tuy nhiên, việc bảo tồn ở đây không đồng nghĩa với giữ nguyên hiện trạng, mà Huế đã biết tận dụng và phát huy những tiềm năng vốn có để tạo dựng nên thương hiệu xứng tầm trong khu vực và trên thế giới.

Có thể thấy, di sản vừa là động lực để các địa phương trên con đường di sản miền Trung có cơ hội nắm bắt phát triển du lịch, vừa là điều kiện để địa phương giữ gìn truyền thống văn hóa, bảo tồn di sản đúng theo nguyên tắc mà nhiều người làm trong ngành vẫn nói đến, đó là “bảo tồn để phát triển và phát triển để bảo tồn”.

Tuy nhiên để làm được điều này, con đường di sản miền Trung cần lắm sự đổi mới và sáng tạo trong cách phát triển cũng như bảo tồn di sản, mà trước hết là bảo vệ tính toàn vẹn, chân thực của lịch sử, phục vụ cho nhu cầu phát triển của con người.

BÙI MINH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh