Côn đồ phá hoại doanh nghiệp ở Bắc Giang :Cần sớm điều tra, xử lý nghiêm minh
- Pháp luật
- 15:39 - 05/05/2016
Ông Hoàng Văn Cảnh huy động các vệ sĩ ngăn chặt mọi vị trí chủ chốt của Nhà máy Amsterdam.
Ông Trần Mạnh Linh, Giám đốc Nhà máy Amsterdam, cho biết, ngày 27/4/2016, một người tự xưng là Hoàng Văn Cảnh, Giám đốc Cty cổ phần Miền Bắc (xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên, Bắc Giang), đã dẫn theo khoảng gần 30 người, gồm 10 người mang trang phục vệ sỹ, nhãn hiệu Cty TNHH bảo vệ Golden, số còn lại là thanh niên không rõ lại lịch với tướng mạo xăm trổ, hành vi bặm trợn, xông vào nhà máy và tuyên bố “từ nay sẽ tiếp quản toàn bộ nhà máy”. Tiếp đó, nhóm người này cưỡng chế dừng mọi hoạt động sản xuất, khóa cửa kho xưởng và niêm phong toàn bộ tài sản của Nhà máy Amsterdam. Ông Cảnh cũng đã chỉ đạo đuổi toàn bộ cán bộ, công nhân viên của Nhà máy Amsterdam ra ngoài và cắt cử các đối tượng bặm trợn trấn giữ những vị trí chủ chốt. Đến ngày 2/5, ông Cảnh dẫn theo khoảng 30 người, mang theo băng rôn và dây xích, giấy tờ niêm phong, khóa, công cụ khác, cho người ăn nằm trên bàn làm việc của giám đốc nhà máy, thậm chí xâm hại đến sức khỏe ông Trần Mạnh Linh, khiến ông bị thương tích phải nhập viện. Sự việc được báo chính quyền nhưng nhà máy không nhận được sự trợ giúp. Cũng kể từ ngày 27/4/2016, Nhà máy Amsterdam đã bị tê liệt hoàn toàn. Theo tính toán sơ bộ, nhóm đối tượng nêu trên đã gây thiệt hại cho Nhà máy Amsterdam hàng tỉ đồng...
Hành vi của nhóm đối tượng nêu trên không chỉ gây thiệt hại cho Nhà máy Amsterdam, mà còn gây thiệt hại cho các đơn vị gia công, liên kết với đơn vị này. Trong đơn trình báo gửi lên Công an TP Bắc Giang, ông Giáp Văn Ngà, Giám đốc kỹ thuật Cty TNHH An Châu Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi là đơn vị gia công tại Nhà máy Amsterdam, không có hiềm khích với ông Cảnh và nhóm đối tượng, thế nhưng họ đã ngang nhiên chiếm đoạt tài sản, giấy tờ, con dấu, nguyên liệu của chúng tôi, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng".
Sau khi đuổi lãnh đạo và công nhân ra ngoài, nhóm đối tượng đã dán niêm phong Nhà máy Amsterdam.
Theo phản ánh, chiều ngày 27/4/2016, Ngân hàng BIDV mới có thông báo số 063/BIDV.BG-KHCN (đề ngày 27/4/2016) về việc bán dứt điểm cho Cty Miền Bắc quyền thu nợ đối với Công ty cổ phần chế biến NSTP Bắc Giang, trong đó có Nhà máy Amsterdam. Tuy nhiên, theo ông Linh, trước đó Ngân hàng BIDV và Cty Miền Bắc chưa từng thông báo cho lãnh đạo nhà máy biết. Mặt khác, về số nợ trên, Ngân hàng BIDV vẫn đang là nguyên đơn, còn Cty cổ phần chế biến NSTP Bắc Giang là bị đơn trong vụ án tranh chấp Hợp đồng tín dụng tại Tòa án tỉnh Bắc Giang, mà Tòa án chưa có phán quyết sơ thẩm.
Đề nghị Công an tỉnh Bắc Giang sớm vào cuộc, làm rõ và xử lý nghiêm minh vụ việc.
Nhóm đối tượng cho xe chặn ngay cổng Nhà máy Amsterdam.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Cty luật TNHH Fanci, quyền thu nợ là một quyền tài sản, do vậy nó được phép giao dịch tự do theo pháp luật. Ngân hàng BIDV có quyền thu nợ đối với Cty cổ phần chế biến NSTP Bắc Giang thì họ có quyền giao bán quyền này, và thực tế đã diễn ra thương vụ mua bán nợ giữa BIDV với Cty Miền Bắc diễn ra ngày 27/4/2016. Tuy nhiên, quyền tài sản và các tài sản hữu hình có trong Nhà máy Amsterdam thuộc Cty cổ phần chế biến NSTP Bắc Giang là hai đối tượng độc lập. Cty Miền Bắc là chủ nợ chứ không phải là chủ các tài sản có trong Nhà máy Amsterdam. Có thể các tài sản này đã được thế chấp cho Ngân hàng BIDV trước đây, thì nay mua bán nợ, Cty Miền Bắc cũng kế thừa các quyền theo Hợp đồng thế chấp đó. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng, Cty Miền Bắc chỉ mua bán quyền đòi nợ theo Hợp đồng tín dụng và quyền quản lý, giám sát một phần các tài sản thế chấp theo Hợp đồng thế chấp, chứ tuyệt đối không phải là mua bán tài sản, mua bán Nhà máy Amsterdam. |