THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:00

Còn bao nhiêu vụ oan sai chưa được phát hiện?

.

Oan, sai do nguyên tắc “suy đón vô tội” bị coi nhẹ

Kết quả giám sát “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”, cho thấy: trong những năm gần đây, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng số vụ, số người phạm tội, phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, xảo quyệt, nhưng Cơ quan điều tra (CQĐT), Viện kiểm sát (VKS), Tòa án (TA) các cấp đã có nhiều nỗ lực, tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp, Nguyễn Văn Hiện trình bầy báo cáo giám sát

Về cơ bản hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Nhờ đó tình hình oan, sai đã được hạn chế đáng kể so với trước đây.

Tuy nhiên, so với yêu cầu cải cách tư pháp, yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 thì việc phòng chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm còn hạn chế, bất cập.     

Trong kỳ giám sát, các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, điều tra 219.506 vụ với 338.379 bị can nhưng số vụ làm oan người vô tội trong 03 năm (2011-2014) có 71 trường hợp, chiếm 0,02% trong đó CQĐT đình chỉ 31 bị can do không có sự việc phạm tội, 12 bị can do hết thời hạn điều tra không chứng minh được tội phạm; VKS đình chỉ 09 bị can do không có sự việc phạm tội; 19 trường hợp TA tuyên không phạm tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật. Số người bị oan trên chủ yếu thuộc loại án giết người, cướp tài sản, hiếp dâm trẻ em..

Nguyên nhân được đoàn giám sát chỉ rõ là: Một bộ phận Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán chưa nghiêm túc chấp hành pháp luật; yếu kém về năng lực, trình độ; có biểu hiện bệnh thành tích, nôn nóng trong giải quyết vụ án, quá tin vào lời nhận tội của bị can, bị cáo; việc thu thập, đánh giá chứng cứ chưa thật đầy đủ, khách quan, toàn diện, chưa đúng với nguyên tắc “suy đoán vô tội”.

Hồ sơ vụ án hình sự đưa ra tòa có xu hướng nặng về buộc tội, dẫn tới nguyên tắc “suy đoán vô tội” và quyền bào chữa của bị can, bị cáo trong một số trường hợp khó bảo đảm. Quá trình tranh tụng tại nhiều phiên toà còn hình thức, chưa coi trọng kết quả tranh tụng tại phiên tòa

Đặc biệt, “một bộ phận người tiến hành tố tụng còn yếu kém về phẩm chất, đạo đức, buông lỏng trách nhiệm công vụ; việc xử lý cán bộ mắc sai phạm chưa nghiêm; có hiện tượng nể nang, bao che..”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh.

Hệ thống tố tụng không tự phát hiện oan, sai

Cơ bản nhất trí với báo cáo của đoàn giám sát, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đặt hàng loạt câu hỏi: còn bao nhiêu vụ oan sai nữa chưa được phát hiện? tại vì sao có những vụ oan sai kéo dài 5 năm, 7 năm, 10 năm thậm chí trên 10 năm, nhưng gần đây mới phát hiện? Trong 78 vụ tự sát, 6 trường hợp chết do bị can đánh nhau trong tại tạm giam, tạm giữ. Có ai dám bảo đảm rằng trong trường hợp tự sát nêu trên không có vụ nào oan sai? Trong các vụ oan sai này có bao nhiêu trường hợp do cơ quan điều tra tự phát hiện oan sai? Có bao nhiêu vụ oan sai do bản thân và gia đình họ minh oan. Có bao nhiêu trường hợp do người khác nhận tội và chứng minh họ phạm tội thì người kia mới được minh oan?

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trao đổi với các đại biểu bên hành lang Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Thị Khá cũng đề nghị cần làm rõ tình trạng chậm bồi thường cho người bị oan sai, sau khi được minh oan là do đâu? Việc xử lý đối với người thiếu trách nhiệm gây ra oan sai như thế nào? “Điều mà nhiều người quan tâm đó là trong những điều tra viên đã cố ý hoặc thiếu trách nhiệm dẫn đến oan sai đã bị xử lý thế nào? Có tương ứng ngang tầm với mức độ gây ra hay không? Ngoài trách nhiệm bồi thường của nhà nước thì cá nhân họ có trách nhiệm bồi thường gì không? Đặc biệt đối với các trường hợp mớm cung, bức cung, nhục hình dẫn đến oan sai…”, Đại biểu Khá nói.

Đánh giá cao nỗ lực của đoàn giám sát, tuy nhiên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: “Báo cáo vẫn chủ yếu dựa vào các báo cáo của các cơ quan tố tụng là đối tượng giám sát. Do đó, vẫn có những hạn chế về nguồn thông tin”.

Theo đại biểu Nghĩa, tình hình oan, sai hiện nay là nghiêm trọng, “bởi hệ thống tố tụng không tự phát hiện oan sai, giống như lỗi của hệ thống báo cháy, không tự báo cháy. Vì vậy, phải chăng những vụ việc đã phát hiện chỉ là phần nổi của tảng băng. Chưa kể tình trạng người bị bức cung, nhục hình khi được tha thì rất e sợ tiết lộ, thậm chí buộc phải cam kết không khiếu nại.”, đại biểu Nghĩa nói.

Cũng theo đại biểu Nghĩa, hiện hệ thống kiểm tra chéo giữa 3 cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án hiệu lực không cao, có tình trạng nể nang, người không đụng đến ta thì ta không đụng đến người. “Tình trạng ba bộ đồng tình bằng những cuộc họp thống nhất án trước khi truy tố hay xét xử khiến cho việc kiểm tra và việc tranh tụng đôi lúc bị vô hiệu. Tồn tại quan điểm và thói quen suy đoán có tội, dấu ấn của tư duy địch ta thời chiến, tình trạng trọng cung hơn chứng, lấy cung để thay cho chứng, bị cáo đã nhận tội rồi thì có thể kết thúc vụ án”.

Để giải quyết tình trạng oan, sai, đại biểu Nghĩa đề nghị cần “Kiên quyết xử lý các tình trạng làm cản trở hạn chế quyền bào chữa của người tạm giữ, bị can, bị cáo, và người bào chữa. Bỏ giấy chứng nhận bào chữa, áp dụng chế độ đăng ký như dự thảo tố tụng luật hình sự trừ các vụ bào chữa chỉ định hay trợ giúp pháp lý”.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, Trần Đại Quang: Từ ngày 1/1/2011 đến nay đã có 40 cán bộ, chiến sĩ công an bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, đồng thời lãnh đạo chỉ huy các đơn vị để cán bộ chiến sĩ có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp đều bị xử lý trách nhiệm liên đới.

Ngọc Ước

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh