CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:20

Nghị trường “nóng” chuyện oan sai

Chưa có căn cứ khẳng định Hồ Duy Hải bị oan

Là người đầu tiên chất vấn, ĐB Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) đặt một loạt câu hỏi liên quan đến các vụ án nghiêm trọng, được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian quan.

“Vụ án tử hình đối với Hồ Duy Hải có oan hay không? Tại sao khi Chủ tịch nước đã bác đơn ân giảm rồi, chính bị án này cũng từng có đơn xin thi hành án sớm, nay lại hoãn thi hành án?”, ĐB Đương hỏi.

Trả lời chất vấn, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết, vụ án Hồ Duy Hải, trước tòa, bị cáo đã nhận tội và xác định không có bức cung, nhục hình. Đến nay, trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ vụ án TA thấy chưa phát hiện ra có căn cứ kháng nghị, mặc dù có một số thiếu sót trong quá trình thu thập chứng cứ của cơ quan điều tra. Viện KSND cũng quyết định như vậy và hông có kháng nghị.

"Việc có oan hay không phải căn cứ vào việc người có thẩm quyền có kháng nghị hay không, Hội đồng thẩm phán TANDTC đưa ra xét xử kết luận khẳng định có oan hay không. Bây giờ, vụ án đã có hiệu lực pháp luật, Chủ tịch nước đã bác đơn ân giảm, và chưa có căn cứ đưa ra kháng nghị"- người đứng đầu ngành Tòa án nói.

Nghị trường “nóng” chuyện oan sai

Chánh án Trương Hòa Bình trả lời chất vấn ĐBQH trong phiên họp sáng nay

Theo Chánh án Trương Hòa Bình, vụ án này có giám sát của Quốc hội. Tổ liên ngành do Viện KSNDTC đã làm việc rất tích cực, quyết liệt, phúc tra lại lời cung và Hồ Duy Hải vẫn nhận tội. Đơn của Hồ Duy Hải vẫn chỉ xin giảm án tử hình hoặc thi hành án ngay, nên chưa có căn cứ khẳng định là oan!.  "Chúng tôi rất thận trọng, khi có kết luận giám sát, chúng tôi sẽ xem xét, nếu đủ căn cứ sẽ kháng nghị, không đủ căn cứ thì thực thi đúng luật”- Chánh án Trương Hòa Bình nói.

Lý giải vì sao chưa thi hành án vụ Hồ Duy Hải, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, ngoài vấn đề pháp lý cũng cần phải xử lý vấn đề tôn trọng nguyện vọng của gia đình bị cáo và công luận.

“Mẹ bị cáo xin giảm thi hành án và có đơn gửi Chủ tịch nước, dư luận cũng phản ảnh tình hình như thế, Chủ tịch nước xem xét kỹ và có ý kiến yêu cầu xem lại có oan hay không. Đoàn liên ngành xem lại vụ án một cách thận trọng để đánh giá toàn diện, đầy đủ, khách quan về chứng cứ, về áp dụng pháp luật để đi đến cách xử lý đúng đắn”, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết.

Giải trình thêm, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết: Bộ này đang phối hợp với Tòa án, Viện KS để xem xét lại; đồng thời cho biết qua chứng cứ có thể nói Hải gây ra tội, nhưng quá trình thu thập chứng cứ cần đánh giá rõ hơn.Nghị trường “nóng” chuyện oan sai

Kết luận ông Nén có oan lại chờ… điều tra

“Với vụ Huỳnh Văn Nén đã có đơn tố giác người khác giết người, vì sao suốt 2 năm qua không được xem xét mà đến năm 2014 mới kháng nghị trong đó có lý do có đơn này?”- Thứ trưởng Vương nhấn mạnh, chúng ta đang lập chuyên án tiếp tục truy xét làm rõ có oan hay không?

Chưa hài lòng, ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) tiếp tục… truy: Đây là vụ nhận được sự quan tâm của cử tri Bình Thuận cũng như cả nước. Ông Nén bị kết án tù chung thân và đến nay đã chịu phạt 15 năm. “Vì sao cả một quá trình dài như thế, gia đình liên tục kêu oan tại sao không được xem xét? Tiến độ giải quyết như thế nào? Kết quả ra sao?”. 

Chánh án TANDTC thừa nhận, đúng là có trách nhiệm của ngành Kiểm sát và TANDTC. Các cơ quan tham mưu đã không kịp thời đánh giá đúng dù có xem xét vì trên hồ sơ vẫn thể hiện có đủ căn cứ. Đến khi có tố giác của người giám giữ chung thì mới đặt vấn đề xem xét lại và thấy đúng như thế nên có kháng nghị giải quyết lại.

Theo Chánh án Trương Hòa Bình, nguyên nhân là do trước đây giải quyết vụ án theo xét – hỏi hồ sơ mà thiếu tranh tụng để đánh giá toàn diện nên dẫn đến có oan, có lọt tội phạm. Nhưng trên tinh thần mới của cải cách tư pháp trên cơ sở xem xét toàn diện vụ án thì tới đây sẽ là nỗ lực lớn để khắc phục khuyết điểm đó.

“Đối với vụ án của ông Nén đã có kháng nghị, hủy bản án để điều tra lại từ sơ thẩm. Kết quả tới đây có oan hay không oan thì còn phụ thuộc vào kết quả điều tra và kéo dài bao lâu thì trách nhiệm của cơ quan công an”, Chánh án TANDTC nhấn mạnh.Nghị trường “nóng” chuyện oan sai

Phải có “trọng tài” xác định bồi thường oan sai

Ghi nhận nỗ lực cố gắng trong bồi thương oan sai, nhưng qua giám sát thấy có tình trạng dây dưa kéo dài, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm, có vụ hành trình kéo dài 5,7 năm, thậm chí lâu hơn, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) chất vấn: “Trách nhiệm của Chánh án khi để xảy ra trình trạng này? Nguyên nhân do đâu? Giải pháp trong thời gian tới? Ông Nguyễn Thanh Chấn bị ngồi tù oan 10 năm, cho đến thời điểm này, kết quả giải quyết bồi thường đến đâu, chậm vì sao?”

Thừa nhận, có trường hợp dây dưa, kéo dài bồi thường oan sai trong đó có trách nhiệm của Tòa án, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, nguyên nhân là do quy định của pháp luật chưa chặt chẽ. Cho nên, cần phải sửa Luật Bồi thường nhà nước và xác định một cơ quan “trọng tài” để kết luận cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm.

“Ba cơ quan tố tụng đều là cơ quan nhà nước, nếu làm oan thì phải bồi thường thiệt hại cho dân nên phải có một cơ quan độc lập đứng ra bồi thường để tránh đùn đẩy trách nhiệm. Còn xác định trách nhiệm thuộc cơ quan nào, lỗi do đâu, xử lý như thế nào thì đó là một quá trình đánh giá, kiểm điểm, xử lý vi phạm dẫn đến oan sai”, Chánh ánTrương Hòa Bình đề xuất.

Đối với vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, TANDTC đã nhiều lần có văn bản gửi đến ông Chấn để giải quyết vấn đề bồi thường và đề nghị ông chấn cung cấp các tài liệu theo quy định của luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước nhưng ông Chấn chưa cung cấp đầy đủ tài liệu. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã đứng ra giải quyết vấn đề quyết liệt, nếu gia đình ông Chấn nộp xong các tài liệu chứng minh thì có thể giải quyết đến kết quả cuối cùng.

Đã đưa ra xét xử, có oan, Tòa án chịu trách nhiệm

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Tòa có quyền buộc tội, người buộc tội là Thẩm phán, đừng lẫn lộn giữa Tòa và Thẩm phán. “Người mà xử oan, người đó phải chịu tội. Cán bộ điều tra mà bức cung, nhục hình thì phải chịu tội. Kiểm sát viên truy tố mà cáo trạng sai thì phải có trách nhiệm. Tội nặng hay nhẹ theo quy định mà xem xét. Chúng ta có làm minh bạch như thế được không? Trong lịch sử ngành Tòa án đã tự mình tìm ra cái sai của mình chưa?”

Theo Chánh án Trương Hòa Bình, mỗi cấp TA có thẩm quyền xét xử độc lập, nhưng sơ thẩm nếu sai thì xét xử phúc thẩm, nếu phúc thẩm sai thì giám đốc thẩm nên rất nhiều vụ án TA cấp trên sửa TA cấp dưới trong đó có những trường hợp án oan. Ngành TA cũng có quy định, các TA sau khi xét xử xong, tự mình thấy bản án có oan sai thì phải báo cáo Chánh án và đề nghị Chánh án kháng nghị theo thẩm quyền.

“Khi để xảy ra oan, bản thân TA đó phải tổ chức kiểm điểm Hội đồng xét xử, kiểm điểm Thẩm phán để xác định trách nhiệm và đánh giá việc làm oan này là chủ quan hay khách quan. Sau đó quy trình là xem xét, sai lầm nghiêm trọng thì đình chỉ xét xử và xem xét trách nhiệm khi tái bổ nhiệm. Nếu có dấu hiệu cố ý vi phạm pháp luật để làm oan thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Không phải cố ý, mức độ không nghiêm trọng, không xem xét trách nhiệm hình sự thì xem xét trách nhiệm bồi thường. TA làm oan khi xét xử thì TA phải chịu trách nhiệm bồi thường, Thẩm phán phải hoàn trả theo đúng quy định”, Chánh án Trương Hòa Bình nói

Chủ tịch Quốc hội tiếp tục chất vấn: “Nói cho cùng, bất kể sai ở đâu nhưng nếu để người công dân bị buộc tội oan sai thì trách nhiệm thuộc về Tòa án, mà người trực tiếp chịu trách nhiệm là Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa và tập thể hội đồng xét xử ấy phải chịu, trong đó người chịu trách nhiệm chính trị cao nhất là Chánh án TANDTC. Như vậy có được không?”.

Đồng ý với cách nêu vấn đề của Chủ tịch Quốc hội, Chánh án Trương Hòa Bình khẳng định, nếu Tòa án đưa ra xét xử rồi, từ cấp sơ thẩm trở đi, sau đó hậu quả để oan sai thì Tòa phải chịu trách nhiệm. Nhưng nếu chưa đưa xét xử, trách nhiệm ở giai đoạn thụ lý, của cơ quan nào thì cơ quan đó chịu, trách nhiệm của điều tra thì điều tra chịu, trách nhiệm của kiểm sát thì kiểm sát chịu.

Theo Chánh án Trương Hòa Bình, để tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm, Tòa án xác định có 3 giải pháp đột phá. Đó là, thực hiện tốt việc tranh tụng; nâng cao tình độ thẩm phán để phát hiện những sai phạm, vi phạm giải quyết triệt để, đồng thời phải làm tốt việc biểu dương khen thưởng đối với những điều tra viên giỏi, kiểm sát viên giỏi, thẩm phán tiêu biểu, mẫu mực - những người biểu tượng cho công lý để phán xét. 

Trong 3 năm (2012 – 2014), Viện KSNDTC, TANDTC, Bộ Công an đã thụ lý xem xét 35 trường hợp có đơn kêu oan có mức phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Đến nay đã xem xét, giải quyết 24 trường hợp.

Kết quả, có 21 trường hợp trả lời không có căn cứ kháng nghị; kháng nghị để giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm 03 trường hợp để làm rõ thêm các căn cứ xác định tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo. 11 trường hợp còn lại, TANDTC đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương nghiên cứu, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Cũng trong 3 năm (từ 2012 – 2014), Tòa án các cấp nhận được 22 đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại; thụ lý 19 đơn, trong đó đã giải quyết được 13 trường hợp với tổng số tiền bồi thường hơn 1, 6 tỷ đồng.

Các Tòa án cũng thụ lý 19 đơn khởi kiện các cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự; đã giải quyết xong 14 vụ.

Theo đó, Tòa án đã tuyên các cơ quan tiến hành tố tụng phải bồi thường với tổng số tiền hơn 6,5 tỷ đồng (cơ quan Công an 3 trường hợp, bồi thường hơn 481 triệu đồng; Viện KSND 6 trường hợp, bồi thường hơn 1,3 tỷ đồng; TAND 5 trường hợp, bồi thường hơn 4,6 tỷ đồng). 

Dan sinh.vn tiếp tục tường thuật phiên chất vấn trên.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh