CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:30

Côi cút xóm chài cuối cùng giữa lòng Sài thành

Nghiệp chài lưới 

Nằm lọt thỏm dưới chân cầu Bình Lợi, xóm chài còn lại duy nhất tại trung tâm TP Hồ Chí Minh có vài chiếc thuyền nhỏ, rách nằm cạnh nhau như cố xua đi vẻ nghèo nàn, côi cút.  Những chiếc thuyền che chở lúc nắng mưa, gió giông, những tay lưới đã cũ mòn theo con nước, năm tháng... gần như là tài sản quý nhất của những người dân nơi xóm chài. Thế hệ này qua đi, thế hệ khác lại nối nghiệp rồi sống trên còn thuyền chòng chành ấy và canh cánh nỗi lo có thể bị xoá sổ lúc nào không hay. 

Xóm chài côi cút dưới chân cầu Bình Lợi.

Anh Nguyễn Ngọc Ái (SN 1979, con trai cụ Liêm) nối nghiệp cha từ chiếc thuyền, con lưới đã sờn của cụ Liêm để lại. Các con của anh lần lượt ra đời, rồi cũng gắn với nghiệp chài lưới. Như mọi ngày, khi mặt trời vừa rải ráng chiều trên sông là cha con anh lại chuẩn bị cho đêm mưu sinh. Vốn liếng của nghề chỉ là tay lưới, cái chài và sự may rủi của nghiệp sông nước.

Cuộc mưu sinh của dân chài phụ thuộc hoàn toàn vào con nước, nước ròng sớm thì nghỉ sớm, nước lên muộn thì phải trắng đêm. “Hàng ngày có 2 đợt nước lên xuống, một đợt vào buổi trưa muộn, đợt thứ 2 vào khoảng hơn 19 giờ tối. Chúng tôi phải canh giờ nước xuống là bắt đầu chèo thuyền đi đánh cá. Thường thì buổi đêm nước ròng đánh sẽ được nhiều hơn nhưng thời gian ngắn nên phải tận dụng mới kiếm được chút ít, chứ để nước lên cao thì xem như trắng tay ra về. Mấy chục năm nay chúng tôi đã quen với việc chạy đua theo con nước mưu sinh”, anh Ái cười nói.

Mỗi khúc sông, người đánh cá sẽ lựa chọn đồ nghề khác nhau. Chỗ nước cạn thì giăng lưới đủ cỡ, chờ khoảng dăm ba tiếng mới tới gỡ cá bỏ vào khoang. Trong lúc chờ đợi, họ tận dụng thời gian, dùng chài ra đoạn sâu hơn quăng vài mẻ. Việc quăng chài không phải ai cũng làm được vì nó rất khó, đòi hỏi kỹ thuật quăng nếu không chài sẽ không bung ra đều để bắt được cá. Ban đầu những người dân ở đây chân tay cũng vụng về, lóng ngóng, lâu dần, chài lớn hay nhỏ họ đều quăng thành thạo. Nhiều lần quăng xong, chài mắc phải cọc sắt, gỗ hay rác, nằm sâu dưới bùn, họ lại phải trầm mình lặn xuống gỡ ra. Mỗi lần như vậy đã không thu được gì, đồ nghề bị rách phải sắm lại cái mới. Không chỉ vậy, có những lần chiếc ghe nhỏ, cũ nát bị chìm, bao nhiêu tôm cá đi hết, những người thợ chài cố vớt nó lên rồi buồn bã, mệt mỏi chèo về.

Nay nước trên sông ô nhiễm, cá tôm ngày một cạn kiệt nên việc đánh bắt khó khăn, thu nhập chẳng được là bao. Một cư dân của xóm chài cho hay: “Khoảng hơn chục năm trước, cá tôm trên đoạn sông này đầy nhóc. Chỉ cần vài ba tay lưới, quăng mấy lượt chài là đầy khoang thuyền, mà lại toàn cá to, đắt tiền. Vì thế có tới mấy chục hộ sống ở đây hành nghề chài lưới. Nay khổ cực, trắng đêm cũng chỉ kiếm đủ tiền cơm áo qua ngày. Không bám trụ được với nghề, nhiều gia đình đã phải bỏ lên bờ kiếm việc khác, nên nay chỉ còn gần chục hộ”.

Nguồn cá tự nhiên ngày một giảm, những người đánh cá trong xóm chài phải sống nhờ những con cá phóng sinh vô tình mắc vào lưới. Dù biết rằng bắt những con cá ấy là “mắc tội”, nhưng họ đành nhắm mắt, vì miếng cơm manh áo.

Những phận đời chông chênh theo con nước

Sau những giờ lênh đênh mưu sinh, họ trở về với tổ ấm của mình. Những chiếc thuyền mà người dân ở đây luôn xem là nhà đều đã cũ, chắp vá nhiều lần. Họ dùng vài tấm tôn dựng lên cao chừng hơn 1m, tấm bạt bao quanh che mưa, chắn nắng. Theo năm tháng tôn, bạt đã han rỉ, cũ nát, chỉ cơn mưa tạt qua là cả người lẫn đồ đạc phía trong ướt nhẹp, người trong gia đình ngồi co ro chịu lạnh. 

Cụ Ngô Thị Liêm (83 tuổi) cả đời mưu sinh trên sông nước Sài Gòn.

Suốt mấy chục năm qua xóm chài này dường như sống biệt lập với thế giới bên ngoài. Mọi sinh hoạt đều quanh quẩn trên chiếc thuyền nhỏ. Gia đình anh Ái có 2 thuyền, một dành để 4 người ngủ, một để nấu nướng, cất đồ đạc. Cụ Ngô Thị Liêm (83 tuổi, mẹ anh Ái) thở dài: “Thuyền cũ quá nên không biết bao nhiêu lần nước vào chìm ngỉm. Tôi phải canh mỗi tiếng tát nước một lần. Mấy chục năm qua, chưa đêm nào cả nhà được ngủ ngon vì phải tỉnh dậy tát nước vài lần”. 

Họ đã quá quen với việc chật chội, thiếu thốn đủ bề. Đến những thứ thiết yếu như điện, nước sạch còn quá xa xỉ với họ. Hàng ngày, chờ nước sông lên cao, trong hơn, họ múc lên lấy nước để tắm giặt. Nước nấu cơm được ưu tiên mua bình 20 lít dùng tiết kiệm. Còn điện thì càng xa vời hơn, nhà nào cũng đèn pin hay cây đèn dầu, chỉ thắp khi cần thiết, còn đâu lọ mọ như người mù.

Anh Ái than thở: “Thấy khổ quá, mấy hộ dân trên bờ gần đây cho nối ống nước sạch ra dùng rồi trả tiền họ, nhưng sợ tốn kém nên chúng tôi vẫn phải tắm giặt nước sông, xong rồi dội lại ít nước sạch. Họ cho nối điện, song mẹ tôi từ khi sinh ra chưa bao giờ được dùng điện, nên bảo không quen, sợ bị điện giật nên không cho nối”. Gắn với nghiệp chài lưới mấy chục năm qua họ đã cảm nhận hết cái khổ, nguy hiểm của nghề và việc sống tạm bợ trên những chiếc thuyền lênh đênh. Đa phần những người đàn ông ở đây đều mắc bệnh đau khớp do ngâm mình lâu dưới nước, chưa kể là những bệnh ngoài da, hô hấp. Nỗi đau thân xác ấy chưa bằng nỗi đau tinh thần mà người dân xóm chài phải gánh chịu. Những đứa trẻ vài ba tuổi đều qua đời vì bệnh tật, để lại trong lòng người dân xóm chài nỗi lo lắng, sợ hãi. Những đứa còn sống thì canh cánh nỗi lo về tương lai mù mịt.

Cụ Liêm là người lớn tuổi nhất xóm chài và có đến 75 năm lênh đênh trên sông nước. 7 tuổi, ba mẹ mất, cụ phải đi ở đợ rồi được nhận làm con nuôi, hành nghề đan lưới, đánh cá. Vợ chồng cụ sinh được 7 người con, nhưng 4 người qua đời vì nghèo đói, bệnh tật. Bằng nghề chài lưới, vợ chồng cụ nuôi 3 người còn lại khôn lớn nay đã có gia đình riêng. Sau khi chồng qua đời, cụ ở cùng gia đình anh Ái cho đến nay.

Đến đời anh Ái cũng lập gia đình, rồi sinh được 3 người con nhưng 2 đứa đã ra đi vì bệnh tật. Lần lượt tiễn đưa các con, lòng họ đau như cắt. Người cha bùi ngùi tâm sự: “Lúc đó nghĩ “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, chỉ cần lo cho chúng no bụng là được, còn học hành thì không cần. Mấy đứa quanh quẩn bò quanh thuyền, đến khi đi được thì chạy lên bờ đê chơi. Sống trên thuyền, đêm xuống lạnh co ro, phía dưới nước bốc mùi hôi, thế rồi mãi thành quen. Ai ngờ được nó lại là nơi phát sinh nhiều bệnh tật khiến bọn nhỏ ở đây ra đi sớm như vậy”.

Sát thuyền anh Ái là thuyền gia đình bà Hinh. Vợ chồng bà có 5 người con thì 2 đã qua đời vì những cơn gió độc trên sông. Sống trên ghe không đủ ấm, nước sông bị ô nhiễm nên bệnh ban trắng khiến những đứa trẻ ở đây lần lượt mắc phải.

Tương lai của những đứa trẻ còn lại ở xóm chài cũng chẳng tươi sáng hơn. Từ nhỏ chúng đã quen với con nước, mái chèo chòng chành trên sông, biết bơi trước khi biết mặt chữ. Bùn đất, cá tôm nhường chỗ cho những món đồ chơi của tuổi thơ. Con trai của bà Hinh nói với chúng tôi: “Con trai tôi năm nay đã 13 tuổi, nhưng theo cha đi đánh cá mất 8 năm rồi. Nó học đến lớp 2 rồi nghỉ ở nhà chèo ghe cho ba thả lưới. Nhỏ thó, chân tay còn yếu, thế mà nó quăng chài, thả lưới thoăn thoắt. Vợ chồng tôi khuyên dữ lắm nó mới bỏ nghề lên bờ xin làm thợ hồ. Mong sao tương lai nó sẽ kiếm đủ tiền, cất ngôi nhà nhỏ trên bờ mà sống”. Nói xong, ánh mắt anh nhìn về phía dòng sông nước lên.

Những con người này cứ mãi sống trên sông nước.

Dù vất vả, luôn bị cái nghèo đeo bám nhưng dân xóm chài luôn sẵn sàng chia sẻ với đời theo cách riêng. Họ cứu người đuối nước, vát xác người trên sông, đưa đò tiễn biệt một kiếp người. Màn đêm buông xuống, người dân xóm chài lại í ới nhau, cặm cụi, lam lũ mưu sinh. Họ luôn mơ về một ngày nào đó con cháu mình được biết đến con chữ, được lên bờ. “Ước gì cất được cái nhà cho bà nội ở, không thì được cái xuồng như nhà chú Chúc, để bà nội không phải lo tát nước”, đó là ước mơ giản dị của cậu bé 13 tuổi.  

Anh Ái lập gia đình, sinh được 3 người con nhưng 2 đứa đã ra đi vì bệnh tật. Lần lượt tiễn đưa các con, lòng anh đau như cắt. Người cha bùi ngùi tâm sự: “Lúc đó nghĩ “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, chỉ cần lo cho chúng no bụng là được, còn học hành thì không cần. Mấy đứa quanh quẩn bò quanh thuyền, đến khi đi được thì chạy lên bờ đê chơi. Sống trên thuyền, đêm xuống lạnh co ro, phía dưới nước bốc mùi hôi, thế rồi mãi thành quen. Ai ngờ được nó lại là nơi phát sinh nhiều bệnh tật khiến bọn nhỏ ở đây ra đi sớm như vậy”.

BÌNH NGHI/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh