THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:51

Có vắc xin, nhưng không quên 5K

Những mũi vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên đã được tiêm cho người Việt, bắt đầu từ TP.HCM, Hà Nội, Hải Dương, và tới đây sẽ tiếp tục được tiêm ở nhiều tỉnh, thành phố với số lượng người được tiêm lên đến hàng triệu, khi có thông tin cho biết trong vòng 1 tháng tới Việt Nam sẽ nhập thêm 5,5 triệu liều, trong khi vắc xin Việt Nam cũng đang có nhiều hứa hẹn. Về cơ bản, những mũi tiêm đầu tiên đã đảm bảo độ an toàn cần thiết, các trường hợp phản ứng đều đã được xử trí thành công.

Có vắc xin, nhưng không quên 5K (Ảnh minh họa)

Như vậy, mối lo về dịch Covid-19 đã phần nào được giảm nhẹ. Vào lúc này, một cụm từ đang được nhiều người nói tới với niềm hy vọng tràn trề: Miễn dịch cộng đồng. Nếu đạt được miễn dịch cộng đồng nhờ vào sự giúp sức của vắc xin thì về cơ bản dịch Covid-19 sẽ được khống chế, xã hội có khả năng sẽ hoàn toàn quay trở lại trạng thái bình thường như trước đây.

Nhưng theo quan điểm của nhiều nhà chuyên môn, chặng đường để đạt được "miễn dịch cộng đồng" vẫn còn khá xa và không ít gian nan. Bởi các tính toán đều cho thấy miễn dịch cộng đồng chỉ đến khi có khoảng hơn 70% dân số được tiêm vắc xin, và ngay cả khi đó thì nguy cơ lây lan dịch bệnh cũng vẫn không thể được loại trừ một cách tuyệt đối. Hầu hết các loại vắc xin đang được sử dụng đều có tác dụng tạo kháng thể cho người được tiêm, nhưng không loại trừ được nguy cơ người đã tiêm vắc xin trở thành vật chủ để truyền bệnh cho những người khác. Các số liệu tổng kết gần đây cho thấy khoảng 50% những người nhiễm virus nCoV là không có triệu chứng, 80% không có hoặc có triệu chứng rất nhẹ, chỉ giống như cảm cúm. Vì thế, việc phát hiện người mang virus thông qua kiểm tra triệu chứng là vô cùng khó khăn, và chỉ một chút sơ hở là lại có thể dẫn tới đợt bùng phát dịch giống như những gì đã xảy ra tại Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Ninh thời gian qua.

Vẫn biết rằng, tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, và trong thời gian tới rất có thể vắc xin ngừa Covid-19 sẽ được tiêm rộng rãi cho mọi người giống như nhiều loại vắc xin phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm thông thường đã được sử dụng phổ biến trong cộng đồng. Nhưng không vắc xin nào có tác dụng phòng bệnh đạt tỷ lệ 100% và có độ an toàn 100%. Trong khi đó, vắc xin phòng Covid-19 được nghiên cứu phát triển trong thời gian nhanh nhất và thời gian đưa vào sử dụng ngắn nhất, cho nên vẫn cần những nghiên cứu, đánh giá chuyên sâu hơn nữa. Do vậy, để trở lại được trạng thái bình thường như trước đây cần có thêm thời gian cũng như những nghiên cứu, phát minh mới của khoa học để có thể triệt tiêu dịch bệnh.

Trong khi chờ đợi đến thời điểm đó, mọi người vẫn phải luôn trong tâm thế phòng chống dịch bệnh một cách chủ động và triệt để đã được cơ quan chuyên môn xây dựng. Đó là: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế (Thông điệp 5K)  - Vũ khi đơn giản mà hiệu quả. 

KHÁNH NGUYỄN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh