CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:02

Tiêm vắc-xin Covid-19 cho những người trực tiếp phòng chống dịch

Buổi tiêm bắt đầu diễn ra từ 8h tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cơ sở Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn – Trưởng Đoàn kiểm tra công tác triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương trực tiếp có mặt giám sát buổi tiêm.

100 cán bộ, nhân viên y tế được tiêm vắc xin COVID-19 lần này đều là những người trực tiếp tiếp nhận, chăm sóc, điều trị hoặc có tiếp xúc với các nguồn nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Cụ thể là cán bộ trực tiếp tham gia điều trị cho bệnh nhân COVID-19 của Khoa Cấp Cứu; Khoa Hồi Sức tích cực; Khoa Nội Tổng hợp; Khoa Virus Ký Sinh trùng; Khoa khám bệnh Kim Chung: Khoa Nhi; Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp; Khoa Viêm Gan và các Khoa Cận Lâm sàng: Khoa Dược; Khoa Chẩn đoán hình ảnh; Khoa Vi sinh và Sinh học phân tử, Khoa Huyết học Truyền máu; Khoa Gây mê và các Phòng chức năng: Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Phòng Tài Chính kế toán; Phòng Vật tư Trang thiết bị Y tế; Phòng công tác xã hội; Phòng Tổ chức cán bộ; Phòng Công nghệ Thông tin; Viện Đào tạo và Nghiên cứu Bệnh nhiệt đới… Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương được phân bổ 450 liều vắcxin trong tổng số 117.600 liều vắcxin COVID-19 của AstraZeneca.

Tiêm vắc-xin Covid-19 cho những người trực tiếp phòng chống dịch - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Để việc triển khai tiêm vắc xin COVID-19 cho cán bộ, nhân viên Y tế diễn ra an toàn và đạt hiệu quả cao, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã bố trí 3 bàn tiêm tại Trung tâm Phòng chống dịch với đầy đủ các phương tiện, kỹ thuật cần thiết để theo dõi sát người được tiêm. Trước khi tiêm, các cán bộ, nhân viên y tế sẽ được khám sàng lọc kỹ lưỡng. Nếu bị ho, sốt, khó thở sẽ không tiến hành tiêm. Sau khi tiêm, người được tiêm phải ở lại theo dõi 30 phút và theo tiếp tục theo dõi tại nhà trong 24h. Đối với trường hợp cấp cứu phải theo dõi tiếp 24h tại Bệnh viện.

Cùng thời điểm, Trung tâm Y tế thành phố Hải Dương cũng sẽ tiêm vắcxin COVID-19 cho 50 người và Trung tâm Y tế huyện Kim Thành tiêm cho 30 người. Đây là hai điểm đầu tiên của tỉnh Hải Dương thực hiện tiêm vắcxin COVID-19, sau đó sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm để triển khai tiêm đồng loạt tại các địa phương trong tỉnh. Hải Dương là một trong 13 tỉnh, thành phố của cả nước được tiêm vắcxin phòng COVID-19 đợt đầu tiên. Tỉnh này được phân bổ 33.000 liều vắcxin AstraZeneca ngừa COVID-19.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh cũng tiến hành tiêm vắc xin cho các nhân viên trực tiếp tham gia vào công tác tiếp nhận, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 hoặc có tiếp xúc với các nguồn nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Trong đợt này, Bệnh viện được phân bổ 900 liều vắcxin COVID-19 trong tổng số hơn 117.600 liều vắcxin của AstraZeneca

Trước đó, tại hội nghị tập huấn trực tuyến công tác tiêm chủng vắcxin COVID-19 toàn quốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, , Việt Nam sẽ thực hiện khám sàng lọc trước khi tiêm vắcxin ngừa COVID-19 để đảm bảo an toàn tiêm chủng, dù mất nhiều thời gian hơn. Đáng lưu ý, hệ thống tiêm chủng của Việt Nam sau này sẽ liên thông với quốc tế, sau này là hộ chiếu vắcxin, quản lý toàn bộ bằng QR code

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, vắcxin COVID-19 là nỗ lực của các nhà nghiên cứu trên toàn cầu. Việc sản xuất vắcxin COVID-19 là nỗ lực của tất cả các nhà nghiên cứu, nhà sản xuất. Trong lịch sử, đây là vắcxin phát triển nhanh nhất, ra đời nhanh nhất và sử dụng nhanh nhất. Vì thời gian chưa đủ dài để theo dõi toàn bộ tiến trình thử nghiệm lâm sàng, đánh giá về hiệu quả nên những khẳng định của nhà sản xuất, cơ quan nghiên cứu ở một số vắcxin, thời gian bảo vệ có khác nhau. Có đơn vị thời gian bảo vệ lên tới 2 năm, 1 năm, có đơn vị khẳng định chỉ được 6 tháng…

Do đó song song nhập khẩu vắcxin, Việt Nam cũng đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển vắcxin COVID-19 trong nước để đảm vấn đề an ninh y tế vắcxin.

Bên cạnh đó, do đây là vắcxin mới nên cách thức Bộ Y tế triển khai tiêm hết sức thận trọng. Dù vắcxin về từ cuối tháng 2 nhưng phải chờ giấy xuất xưởng chứng nhận về chất lượng của phía Hàn Quốc và Việt Nam cũng đánh giá lại toàn bộ lô vắcxin này. Vì thế, ngày 8/3, Việt Nam mới bắt đầu những mũi tiêm đầu tiên.

Bộ Y tế đang tích cực phối hợp và đề nghị COVAX chuyển sớm thêm vắcxin về Việt Nam. Bộ Y tế hy vọng tháng 3 lượng vắcxin về dồi dào hơn, khoảng 1,3 triệu liều; đến tháng 4-5 nguồn cung sẽ tăng lên.

Trong lần tiêm này, Bộ Y tế tập trung ưu tiên cho đối tượng theo đúng Nghị quyết 21 của Chính phủ và đối tượng trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch. Những mũi tiêm đầu tiên được dành cho người trực tiếp làm công tác phòng chống dịch, giảm thiểu yếu tố nguy cơ lây nhiễm với đối tượng này.

Lần tiêm chủng đợt đầu này, Bộ Y tế không thể phân bổ vắcxin cho cho 63 địa phương mà dành cho 13 tỉnh thành phố có dịch và ưu tiên cho Hải Dương - điểm nóng về phòng chống dịch. Bộ Y tế tổ chức tiêm tại tất cả cơ sở có điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc nên khả năng lây nhiễm rất cao, sau đó là những người tham gia công tác phòng chống dịch tại cộng đồng như nhóm làm công tác truy vết, xét nghiệm…

Để quản lý thông suốt và đồng bộ chiến dịch tiêm chủng, Bộ Y tế sẽ quản lý dữ liệu từng người tiêm trên hệ thống hồ sơ sức khoẻ cá nhân. Việt Nam hiện đã hoàn tất hơn 97 triệu hồ sơ.

Bộ Y tế yêu cầu từng cơ sở y tế, cơ sở tiêm chủng phải tải phần mềm do Bộ Y tế thiết kế để phục vụ tiêm chủng tốt nhất. Với mỗi người dân phải tải ứng dụng hồ sơ sức khỏe, việc này vừa giúp ngành y tế tăng cường chủ động giám sát từ cơ sở y tế vừa nhanh chóng nhận được phản ánh người dân về những bất lợi sau tiêm.

Theo người đứng đầu ngành y tế, lần này, Bộ Y tế huy động tổng lực toàn ngành tham gia tiêm chủng do đây là chiến lược tiêm chủng lớn nhất nước với trên 100 triệu mũi tiêm. Bộ Quốc phòng sẽ tiêm cho lực lượng quốc phòng, Bộ Công an tiêm cho cán bộ công an, Bộ Y tế sẽ đảm nhiệm tiêm cho toàn dân. Vì vậy, người dân cần sức bình tĩnh, với những lô vắcxin tiếp theo, thời gian kiểm tra sẽ được rút ngắn, Bộ sẽ triển khai ngay việc tiêm chủng mở rộng thêm cho các đối tượng

Phân bổ số lượng vắcxin COVID-19 cho các đơn vị

Hơn 117.600 liều vắcxin COVID-19 của AstraZeneca được Bộ Y tế phân bổ cho 13 Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, 2 bộ cùng 21 bệnh viện, trung tâm y tế điều trị bệnh nhân COVID-19. Thời gian triển khai là trong tháng 3 và 4/2021

Cụ thể:

Các địa phương, đơn vị sẽ nhận số vắcxin COVID-19 như sau:

Tiêm vắc-xin Covid-19 cho những người trực tiếp phòng chống dịch - Ảnh 2.

21 bệnh viện, trung tâm y tế điều trị bệnh nhân COVID-19 được phân bổ số liều vắcxin

Tiêm vắc-xin Covid-19 cho những người trực tiếp phòng chống dịch - Ảnh 3.

Bộ Y tế giao Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) tiếp nhận, vận chuyển vắcxin tới các cơ sở tiêm chủng; phối hợp các địa phương, đơn vị bảo quản, sử dụng vắcxin an toàn, đúng đối tượng.

Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chủ động tiếp nhận và triển khai tiêm chủng cho các đối tượng ưu tiên theo thẩm quyền quản lý; thực hiện quản lý, sử dụng vắcxin hiệu quả, đúng đối tượng theo quy định và thông báo kết quả tiêm chủng về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng).

Duy Anh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh