Những lưu ý khi tiêm vắc xin COVID-19
- Tây Y
- 22:15 - 07/03/2021
Sáng nay (6/3), tại Hội nghị triển khai kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, Bộ Y tế đã triển khai kế hoạch tiêm vắc xin COVID-19 AstraZeneca mũi đầu tiên vào ngày 08/03/2021 với ưu tiên tiêm phòng cho đối tượng nhân viên y tế thực hiện công tác phòng chống dịch. Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng lập danh sách số lượng các đối tượng tiêm tại địa phương để Cục Y tế dự phòng căn cứ số lượng đề xuất phân bổ nguồn vắc xin phù hợp.
Vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca đã được 25 quốc gia chấp thuận lưu hành và sử dụng trong đó có Việt Nam. Vắc xin được tiêm bắp với liều 0,5 ml, gồm 2 mũi, cách nhau từ 4 -12 tuần, khuyến cáo cho người từ 18 tuổi trở lên.
Vắc xin dạng dung dịch, đóng 10 liều/1 lọ, mỗi liều 0,5 ml. Bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C. Vắc xin có hạn sử dụng 6 tháng từ ngày sản xuất. Lọ vắc xin đã mở chỉ sử dụng trong vòng 6 giờ.
Những lưu ý khi tiêm vắc xin Covid-19
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, các phản ứng sau tiêm có thể gặp như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, đau, nóng tại vị trí tiêm, ngứa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt (rất phổ biến là sốt nhẹ), ớn lạnh. Ngoài ra, từ 1% đến dưới 10% sưng và đỏ tại vị trí tiêm. Do là vắc xin mới nên người được tiêm chủng phải ở lại theo dõi 30 phút để phát hiện sớm các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng. Đặc biệt, sau khi tiêm vắc xin vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 (thông điệp 5K).
Vắc xin được khuyến cáo tiêm đủ 2 liều của cùng một loại vắc xin phòng COVID-19. Nên tiêm vắc xin phòng COVID-19 tối thiểu cách 14 ngày với các vắc xin phòng bệnh khác. Cuối cùng, Bộ Y tế chỉ đạo tại buổi tiêm chủng tổ chức không quá 100 đối tượng/điểm tiêm chủng/buổi tiêm chủng. Thực hiện sàng lọc COVID-19 trước buổi tiêm, đảm bảo an toàn tiêm chủng và phòng lây nhiễm SARS-CoV-2.