CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:49

Có quan chức làm đám hiếu mẹ, nhận phong bì chục tỷ đồng

 

Không phải chuyện giả tưởng

Ông Hoàng Nguyên Hồng - nguyên chuyên viên cao cấp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương kể, ông từng biết có một quan chức cấp cao đã biến cả đám tang của mẹ thành nơi nhận phong bì công khai.

 

Ảnh minh họa

Ông Hồng kể: "Tôi biết cả gia đình họ muốn đưa bà đi thiêu, nhưng vị quan chức này nhất định không cho đi thiêu. Nghe thì tưởng ông thương mẹ lắm hỏi ra mới biết, nếu giữ lại chôn cất, đám ma có thể kéo dài tới vài ngày. Ông có thể kiếm được vài tỉ. Mỗi cái giỗ ông cũng có thể kiếm thêm vài tỉ. 3 năm tiếp, sang cát cho bà cụ, ông lại có thể kiếm được thêm vài tỉ nữa. Số tiền mà nếu đi thiêu sẽ không thể có được. Tính sơ sơ, vị quan chức cũng có cả chục tỉ đồng từ đám hiếu của mẹ",

Ông Hồng khẳng định, câu chuyện thật 100%, thậm chí có người trong gia đình còn cho ông xem số liệu tiền phúng viếng đàng hoàng.

Vì thế, ông nói rằng, thời buổi kinh tế thị trường, đồng tiền làm mờ mắt thì đến tính người cũng tha hóa, biến chất. Người nhận tiền lợi dụng đám ma mẹ, người đến phúng cũng lợi dụng cơ hội tâng nựng sếp, đánh vào lòng tham của sếp mà tranh công. Người nhận thì hoan hỉ bóc, đếm phong bì, ai đi to, tiền nhiều thì bảo thằng này tốt, nó quan tâm tới sếp, nó quý sếp. "Chấm". Người phải đi phúng viếng thì tranh thủ để lại ấn tượng, nhỡ mai này còn nhờ vả sếp hoặc sợ bị trù úm vì đi ít. Nên cũng lại cắn răng mà đút vài ba đồng xanh, đỏ vào phong bì.

"Tôi còn biết không phải chỉ duy nhất một trường hợp này, còn có  rất nhiều trường hợp lợi dụng đám hiếu, đám hỉ, cố bầy cỗ thật to, làm thật linh đình, hoành tráng, làm ăn đến mấy ngày để kiếm tiền. Như thế làm sao gọi là hiếu thảo, đó phải là tham nhũng chứ", ông nói.

"Lại có cả những chức quan vừa vừa đến nhỏ cũng tranh thủ thời gian đương nhiệm để kiếm phong bì. Cưới con trai, con gái, thậm chí cưới cả anh, em, họ hàng cũng mở mang, phô trương hàng vài trăm mâm cỗ, mời cấp dưới, mời đối tác, mời đồng nghiệp, mời cả đồng hương… ăn cỗ trong mấy ngày. Lại có những người, bố mẹ ốm cũng phải thông báo toàn cơ quan, nhân viên đến thăm còn chưa đủ, có kẻ cơ hội còn đứng ra lo liệu hết mọi việc từ đầu tới cuối… Rồi lại cả chuyện mừng thọ bố, mừng thọ mẹ cũng tổ chức rềnh rang, bắc rạp mấy ngày để ăn uống, tiệc tùng. Cứ tưởng là chuyện giả tưởng thế nhưng lại đang là sự thật trong thời đại ngày nay", ông Hồng nói tiếp.

Ai cũng thấy nhưng không xử được

Thế đấy, tham nhũng có ở khắp nơi nhưng trong các báo cáo của bộ ngành từ trung ương tới địa phương thì tất cả đều trống trơn, sạch sẽ. Bàn về chuyện này, vị luật sư nói rằng, người làm báo cáo cũng bị chi phối lợi ích, người duyệt báo cáo cũng có tí lợi ích... mỗi người đều vì một tí lợi ích của mình nên mới ra cái báo cáo như vậy.

Ông lấy ví dụ từ vụ việc của ông Trần Văn Truyền, một vụ việc rõ như ban ngày, nhưng cũng phải đợi đến khi báo chí vào cuộc thì mới đòi được nhà, được đất cho nhà nước. Ấy vậy mà còn đòi mãi chưa hết. Lúc phải đòi cái nhà ở TP.Hồ Chí Minh, khi lại đòi cái nhà ở Bến Tre.

Nhưng điều ông Hồng băn khoăn là: Ai đã bao che, dung túng cho vụ việc sai trái tồn tại kéo dài cả nhiều năm nay mà không bị xử lý? Chiếm dụng tài sản của nhà nước, của dân thì phải xử lý thế nào? Là một quan chức cấp cao mà có hành vi như vậy thì phải nhìn nhận ra sao...?

Ông hỏi tiếp: "Đó là sự vô trách nhiệm của lãnh đạo quản lý hay là sự vô tâm, vô cảm với tài sản của nhà nước, với người nghèo?".

Bỏ lửng câu trả lời, ông kể tiếp những sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực. Một tòa nhà sừng sững giữa trung tâm thành phố, ngay sát khu chính trị Ba Đình, vậy mà không ai biết? Thế thì phải hiểu thế nào?

Vì thế, vị chuyên gia cho rằng cũng không nên ngạc nhiên nếu thấy một báo cáo nào đó nói rằng không phát hiện tham nhũng, không có trường hợp nào nhận quà sai quy định. Đến đám hiếu, đám hỉ còn thành công cụ để kiếm phong bì thì lễ, Tết có gì không dám làm. Xưa có câu: “tâm sinh trí, trí sinh tiền bạc. Tiền bạc nuôi tâm, nuôi trí thì lên người”, còn thời nay thì ngược lại “lấy tiền bạc đi mua tâm, mua trí để làm người”. Câu chuyện ở đây chính là cái tâm, cái đức của người được nhận và người đem tặng.

Ông cho biết, bản thân ông cũng chứng kiến một vài trường hợp không nhận quà. Người mang quà tới còn bị đuổi về. Chuyện vẫn có nhưng càng ngày càng hiếm với thời đại ngày nay. Ông Hồng cho rằng, việc từ chối hay nhận quà thực ra không khó, cái khó là ở chỗ người đó có tự vượt qua được bản thân mình hay không. Có chiến thắng được lòng tham hay không.

 Vì có những món quà mà ông biết, nó không phải chỉ là chai rượu, tút thuốc nó còn là phong bì dày cả nghìn đô, thậm chí ở vị trí cao hơn còn lên tới cả triệu đô nữa. Từ chối là từ chối một khoản tiền rất lớn mà nếu chỉ làm công chức, hưởng lương biên chế thì phải mất tới cả vài chục năm tích lũy mới có được. Như vậy thì phải dũng cảm lắm mới làm được, ông nói.

Vì thế, ông nói rằng chống được nạn tham ô, hối lộ thì phải chống được các mánh khóe kiếm tiền. Mà nếu muốn chống được thì phải cấm hết.

Đầu tiên là cấm quan chức không tổ chức đám hiếu, đảm hỉ, lệ lạt phô trương, hoành tráng. Không được nhận phong bì.

Biện pháp thứ hai là, sàng lọc, loại bỏ những cán bộ công chức không đủ tâm, đủ tài, đủ đức ra khỏi bộ máy quản lý. Ngăn chặn mầm mống tham nhũng ngay từ đầu.

Biện pháp thứ ba là, tuyển chọn cán bộ phải tổ chức thi tuyển công khai, minh bạch.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh