THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:53

Có oan khi bị khởi tố về tội "đốt đô la giả giải xui"?

.

Về hành vi phạm tội của Lê Văn Lượng xin chưa bàn đến. Trước tiên, bài viết xin dẫn ra câu chuyện liên quan đến "tục" "đốt vía", "đốt phong long". Theo sát một vụ tai nạn giao thông, người viết được chứng kiến cảnh một điều tra viên tham gia khám nghiệm hiện trường. Khám nghiệm xong, về đến trụ sở, anh công an này đã lấy tờ báo, đốt trước cửa phòng rồi bước đi bước lại mấy lần sau đó mới dập lửa và bước vào phòng. Còn những người đi qua hiện trường đều chủ động móc ví, đều rút tiền lẻ thả xuống đất.... ; Câu chuyện thứ hai là việc, bất cứ ai từng đến chợ, đến các cửa hàng bán lẻ từ nông thôn đến thành thị cũng từng thấy cảnh các bà hàng xén "đốt vía”, "đốt phong long”, và thậm chí vừa đốt vừa lẩm bẩm cầu khấn và chửi đổng... Giờ thì hẳn ai cũng rõ cái “tục” "đốt vía", "đốt phong long" ra sao, nó ăn sâu trong tiềm thức con người như thế nào. Đó là tâm niệm người chết có "hơi lạnh”, "bóng vía", "nặng vía", "vía độc" và đó là tâm niệm về một cõi âm hoặc một thế lực siêu nhiên nào đó mà tất cả con người chúng ta đều phải nể phục, sùng bái, cẩn trọng.

Có oan khi bị khởi tố về tội "đốt đô la giả giải xui"?

Vậy mục đích của những người "đốt vía", "đốt phong long" là để làm gì? Câu trả lời theo tâm niệm là, giúp "người cõi âm" an lòng, không làm phiền và phù hộ cho "người cõi dương" làm ăn thuận lợi. Nói ngắn gọn hơn là “đốt để giải xui”, "đốt để xua đuổi tà ma". Vậy đốt bằng cái gì? Câu trả lời là: “Đốt bằng rơm rạ, giấy báo, hoặc hàng mã như: Nhà, xe, vàng, tiền (có cả tiền đô la Mỹ, tiền Việt,...). 

Trở lại vụ anh Lê Văn Lượng bị Viện KSND tỉnh Đồng Tháp ra quyết định khởi tố. Tại cơ quan điều tra, Lượng khai rằng "hàng ngày đi bán dạo vé số, có ngày bán được có ngày ế, mỗi khi ế Lượng thường dùng USD giả để đốt xả xui, những lần đầu đốt thấy có “hiệu nghiệm” nên Lượng mua về để mang theo dùng nếu gặp xui... ". Như vậy, ta đã có câu trả lời: Anh Lượng cũng là một người đi buôn, mà cụ thể là buôn vé số, tức có nằm trên bàn cân may rủi, may sẽ bán được nhiều, rủi sẽ tay trắng, và dĩ nhiên tâm lý lúc nào anh Lượng cũng mong mình là người may mắn. Khi không gặp may, Lượng đã tìm đến thế lực nào để trợ giúp? Lúc này, cái "tục" ăn sâu trong tiềm thức anh ta cũng như hàng nghìn người Việt (thậm chí là nhiều người phương Đông như Trung Quốc, Hàn Quốc,...) đều có, đó là "đốt vía", "đốt phong long". Việc anh mang theo mấy tờ đô la giả chỉ là phòng thân, "hên" thì cất đi, "xui" sẽ đốt. Ở đây ta có thể nhìn rất rõ, mục đích đốt nêu trên của anh Lượng chỉ là "giải xui" khi "vận đen" đeo bám. Như đã nói, trong số những loại dùng để "đốt giải xui" bao gồm cả đô la giả. Chỉ cần bỏ ra 10.000 VNĐ là có thể mua cả tệp tiền đô la giả - tức tiền âm phủ, dùng cho cõi âm (nếu tiền đô la giả mà có giá cao hơn chắc anh Lượng chẳng mua để đốt, bởi vì bán vé số chẳng được bao nhiêu, mua tiền giả để đốt đã là một điều khiêng cưỡng rồi), ở đây anh chỉ có 34 tờ đô la giả, mệnh giá 100 USD, số tiền anh Lượng dùng để đốt là "tiền âm phủ" hay là "tiền giả" cũng cần phải xem xét! 

Như vậy có thể thấy, mục đích "lưu hành và tàng trữ đô la giả" của Lượng không phải là hành vi xấu, cũng không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, an toàn xã hội, cũng không cần dùng biện pháp mạnh để ngăn chặn. Hơn nữa, khi bắt Lượng, cơ quan tiến hành bắt giữ cũng phải xét đến đối tượng này là đối tượng như thế nào. Có thể nói anh ta rất nghèo và không có nghề nghiệp (vì không có nên mới đi bán vé số hằng mong kiếm miếng cơm sống qua ngày, đấy là chưa tính chuyện anh phải nuôi gia đình). Nếu như bắt và giam anh như vậy thì hệ quả như thế nào sẽ xảy ra? Vẫn còn đó hàng nghìn người "đốt vía", "đốt phong long" không bị bắt, thậm chí còn không bị nhắc nhỡ. Bắt rồi, xử phạt rồi, song Nhà nước cũng như xã hội có ngăn chặn được “tục” "đốt vía“, "đốt phong long” hay không? Chắc chắn là không, bởi cái "tục" này đã ăn sâu vào tiềm thức văn hoá con người rồi, ngược lại nếu làm căng, người ta còn có cách nhìn không tốt đến cơ quan tiến hành tố tụng. Vậy bắt để được gì khi phải mất thời gian lập hồ sơ vụ án rồi tiến hành tố tụng theo quy trình như một vụ án thông thường, cơ quan tố tụng rảnh đến mức đó sao, hay thấy người ta làm vậy rồi "ngứa mắt" hoặc vì một lý do nào khác?

Thiết nghĩ, Đồng Tháp này hiện không thiếu các vụ án quan trọng khác đang cần giải quyết thay vì dành thời giản giải quyết những vụ án được cho là "không có tội" như vụ án này. Các cấp có thẩm quyền cũng cần xem xét việc ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam đối với anh Lê Văn Lượng với hành vi nêu trên của Viện KSND tỉnh Đồng Tháp.

 Điều 180 Bộ luật Hình sự đã sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả như sau:
1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm.
 2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.
 3. Phạm tội trong trường hợp rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm, tù chung thân.
 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản".

-  Đồng thời, theo điểm 3.2 mục 3 phần I Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND TC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự, về việc xác định trị giá tiền giả để buộc người lưu hành tiền giả phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 180 Bộ luật Hình sự, cụ thể là:

1. Nếu tiền giả có trị giá tương ứng dưới 10 triệu đồng tiền Việt Nam thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 180 Bộ luật Hình sự.

 2. Nếu tiền giả có trị giá tương ứng từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng tiền Việt Nam thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 180 Bộ luật Hình sự;

3. Nếu tiền giả có trị giá tương ứng từ 100 triệu đồng tiền Việt Nam trở lên thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 180 Bộ luật Hình sự.

Văn Nghĩa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh