CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:08

Chuyện về hai mẹ con bán vé số đêm ở Sài Gòn

Chúng tôi gặp mẹ con chị lần đầu vào một buổi tối cận Tết năm 2011. Chị chậm chạp đẩy chiếc xe đạp đi khắp các con đường ở quận Bình Thạnh (TP.Hồ Chí Minh) vào mỗi đêm để bán số vé vừa nhận, mong kiếm được chút tiền. Trên xe của chị là đứa bé gái tầm 3 tuổi khá ốm yếu và nhỏ bé, được mặc đồ ấm rất kỹ. Cô bé ngủ ngon như một thiên thần dưới chiếc dù che mà mẹ cột sẵn trên xe để che sương cho mình, đứa bé ngoan ngoãn hợp tác trong khi mẹ vất vả đẩy xe và mời vé số.

Tuổi thơ của bé Duyên đã phải sống cùng những giấc ngủ tạm bợ như thế này.

Chúng tôi tặng chị một số tiền nhỏ nhưng chị không nhận. Với một giọng nói hơi khó nghe vì bị tật, chị bảo chị chỉ bán vé số thôi chứ không muốn xin tiền, rồi chìa xấp vé số cho “người mua” và gật gật đầu ý nói cám ơn nếu chịu mua giúp. Đó thật sự là một câu chuyện đẹp ám ảnh khi chúng ta đang sống giữa một xã hội đang dần hiếm những con người có lòng tự trọng như hai mẹ con chị bán vé số.

Duyên số lại cho chúng tôi gặp nhau vào một ngày cận Tết 2014. Đứa bé gái ngủ sau xe đạp của người mẹ bán vé số đã lớn và trông khỏe mạnh hơn ngày xưa rất nhiều. Duy chỉ có mẹ nó là ốm hơn và trông mệt nhọc hơn với việc đẩy chiếc xe đạp cũ kỹ có đứa con gái cưng đang ngủ trên đó. Chúng tôi quyết đi theo và tìm hiểu về gia cảnh nhà chị để có cơ hội lắng nghe nhiều hơn về một câu chuyện cảm động.

Chị tên là Nguyễn Thị Lời và cô bé hay ngủ trên xe đạp là con gái ruột của chị, bé Nguyễn Thị Mỹ Duyên đã 6 tuổi. Hai mẹ con hiện đang sinh sống trong căn phòng trọ nhỏ nằm ở khu “ổ chuột” trên đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh.

 

Phần cơm chiều của đứa bé đang ở tuổi cần được bồi bổ này là một chén cơm trắng ăn cùng cháo. Không hề có rau cải hay thịt cá – hình ảnh được ghi lại trong một lần chúng tôi bất chợt đến thăm gia đình chị.

Bằng giọng nói khó nhọc vì mang tật bẩm sinh, chị Lời cho biết: "Mình mồ côi cha mẹ từ nhỏ và mù chữ nên không biết được ngày tháng năm sinh của mình". Chị chỉ biết đếm tuổi qua từng năm khi Tết đến.

Vào Sài Gòn kiếm sống với nghề bán vé số dạo đã hơn 10 năm, chị không ít lần bị chủ số lừa đưa cho số xấu (khó bán) vì cái “tội” không biết chữ của mình. Sau này quen việc và biết hoàn cảnh, họ thương chị nên giao vé số đẹp hơn, giúp chị bán cũng được dễ hơn. Nhưng chị bảo: “Vẫn sợ lắm. Đi bán mấy người thanh niên hay kêu lại gần rồi cướp vé số bỏ chạy làm cho người bán vé số nghèo như tôi phải mang nợ chủ số nên tôi đi bán thấy lo sợ bị cướp nhiều hơn là cực khổ”.

Căn phòng gọn gàng với toàn bộ đồ dùng là hàng thu gom (được cho).

Vật giá trị nhất của gia đình là chiếc nồi cơm điện và cây quạt đã cũ.

Khi được hỏi về lý do phải vất vả đi bán vé số đêm, chị cho biết: “Vì ban ngày người ta bán nhiều mà ban đêm thì lại ít người bán nên tôi muốn tranh thủ bán thêm kiếm tiền. Sáng, tôi đứa cháu nó đến trường (bé Duyên đang học bán trú ở trường tiểu học Lê Đình Chinh với mức học phí 1,4 triệu đồng/tháng) rồi bắt đầu đạp xe đi dọc ra Sài Gòn bán. Bán đến chiều khoảng 4h hơn là đạp xe về đón cháu. Sau khi cho con tắm rửa, ăn cơm và tự học bài (chị Lời không biết chữ nên mọi việc học hành đều do bé Duyên tự thân vận động) thì hai mẹ con lên xe đi bán buổi đêm. Giờ giấc thì không cố định. Có khi nó học xong sớm thì đi bán sớm, khi học xong trễ thì hai mẹ con đi trễ. Phải để con bé ăn uống, học hành xong thì tôi mới yên tâm đem nó đi bán cùng. Và cũng phải có nó bên cạnh, tôi mới thấy yên tâm. Nhiều lúc con bệnh nhưng không thể nghỉ bán vì tiền nhà trọ, tiền học, tiền ăn, tiền gửi về quê cho anh nó cứ ám ảnh mình. Đem con theo thì sợ sương lạnh, con bệnh nặng. Để ở nhà một mình thì sợ người ta làm chuyện xấu với nó. Vậy là tủi thân, hai mẹ con lại ôm nhau khóc vì thấy ông trời ổng bắt mình khổ quá…”.

Mẹ không biết chữ nhưng bé Duyên rất cố gắng và chăm chỉ học bài.

Về cuộc đời mình, chị thật thà chia sẻ: “Ba của hai đứa nhỏ (Duyên có người anh trai bị bệnh tâm thần) cũng là người bán vé số ở Sài Gòn này. Tôi và ổng sống với nhau nhưng không thấy hợp nên chia tay. Ổng bị tật hai chân nên tôi xin nhận nuôi hai đứa con cho yên tâm. Thằng con trai lớn bị bệnh nên hơi lơ ngơ, khù khờ lắm.

Nhờ nó đi bán tờ vé số nó cũng không nói được, mà trong xóm trọ lại nhiều người nghiện nên tôi lo sợ con mình bị bọn nó lừa rồi lại nghiện ngập, làm chuyện xấu, có lỗi với người ta. Mà đi bán xa bằng xe đạp như thế này, đâu thể xách theo cùng lúc 2 đứa được. Bỏ ở nhà cũng không yên tâm. Vậy nên Tết vừa rồi tôi gửi nó về quê (Quảng Ngãi) nhờ gia đình anh họ nuôi giúp, mỗi tháng tích góp được 1 – 2 triệu đồng là tôi gửi về cho con nó ăn uống. Nhớ lắm, tội nó nhưng chẳng biết làm sao. Ở quê thoải mái hơn, mong là nó bớt bệnh chứ cứ để nó ở Sài Gòn ngày nào là tôi lo lắng nó bị dụ dỗ ngày đó…”.

Được hỏi về mong ước của mình, người mẹ đáng thương này cho biết: “Chẳng mong gì ngoài sức khỏe để có thể đi bán kiếm tiền nuôi con ăn học. Sau này con Duyên lớn, có học hành tử tế sẽ tìm được việc đàng hoàng và có thể chăm sóc cho anh trai bị bệnh của mình thay mẹ. Hoàn thành trách nhiệm với hai con như vậy là tôi an tâm rồi”.

Lặng đi một chút, chị lại nói: “À, mong buôn bán có tiền gửi về cho thằng cu sắm bộ quần áo mới ăn Tết nữa. Nó bệnh lại phải xa mẹ, xa em chắc Tết nó tủi thân lắm…”- chị lấy tay gạt vội giọt nước mắt đang trực lăn dài xuống má.

Trao đổi với bà Tám (chủ nhà trọ nơi hai mẹ con chị Lời sinh sống), bà cho biết: “Hai mẹ con nó thuê ở đây được hơn một năm rồi, giá nhà là 900.000 đồng/tháng. Tui không tính tiền điện nước vì hai mẹ con đi cả ngày, tối về tắm và xài có một cây đèn, một cái quạt thôi. Ngày xưa nghe nói là còn sống ngoài lề đường tội hơn nữa nhưng sau này con gái nó (bé Duyên) lớn nên nó thuê nhà cho con gái ở đàng hoàng.

Hai mẹ con thì hiền lành. Con bé nhỏ cũng ngoan, đi học rồi về đi bán với mẹ thôi. Mẹ nó thì buôn bán cả ngày kiếm tiền nuôi nó ăn học và gửi về quê nuôi anh trai nó bị tâm thần. Hai mẹ con ăn cơm từ thiện ở mấy cái chùa là chính. Tôi không nghe nó nói buôn bán lời lỗ thế nào nhưng biết tiền bán được nó đều lo cho hai con.

Con Lời nó là người tốt. Có lần nó bị xe đụng vì đi bán đêm, hai mẹ con văng khỏi xe, người bầm dập. Nó sợ thằng thanh niên đụng nó bị người dân đánh nên nó phải nói dối là không sao, chỉ xin cho con nó đi khám. Đến khi về thì nó đau đủ chỗ, không đi nổi. Không tiền đi khám, nó lại lấy thuốc giảm đau của con gái nó uống. May là lần đó không sao”.

Phía dưới là chỗ tắm, giặt chung của cả khu nhà.

Căn phòng trọ 900.000 đồng/tháng bọc tôn cũ của hai mẹ con nhìn từ dưới nhà.

Rời nơi trọ của chị Lời và bé Duyên, chúng tôi mang trong lòng một tâm trạng khó tả. Phải khó khăn lắm mới thuyết phục được chị nhận số tiền lì xì ít ỏi mà chúng tôi muốn tặng cho cháu Duyên. Những giọt nước mắt của chị khi nói lời cảm ơn một cách rụt rè một lần nữa khiến cho những ai chứng kiến chẳng thể nào quên. Mong rằng sẽ có nhiều hơn nữa những tấm lòng hảo tâm đến với gia đình chị để người mẹ tuyệt vời này có đủ sức mạnh tiếp tục con đường dài vất vả của mình.

Một mùa xuân nữa lại về, chúc cho mẹ con chị gặp nhiều niềm vui hơn trong cuộc sống.

Hoa Hạ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh