THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 03:08

Cơ khí chế tạo – hơn 85% học sinh sinh viên ra trường có việc làm ngay

 

Hướng dẫn thực hành Nghề Tiện trên máy CNC

Đào tạo gắn với sản xuất

Cơ khí chế tạo máy được hiểu đơn giản như chính cái tên của nó - là ngành chế tạo ra các loại máy móc và thiết bị sản xuất. Kỹ sư Cơ khí có thể đảm nhận việc thiết kế, lên bản vẽ, lắp đặt hoặc gia công máy móc, thiết bị tại các nhà máy, công trình, công ty cơ khí; chuyên viên tư vấn, thiết kế, vận hành, sửa chữa máy móc, thiết bị cơ khí; lập trình gia công máy CNC; hay cán bộ quản lý, điều hành kỹ thuật tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về cơ khí phục vụ an ninh, quốc phòng, ô tô, tàu thủy, hàng không,… Trong lĩnh vực xây dựng công trình công nghiệp nghề Cơ khí là các kỹ sư trực tiếp tổ chức quản lí thi công đường ống, kết cấu, thiết bị, hàn, chống ăn mòn, giàn giáo, nâng hạ, thử áp lực, đấu nối, chạy thử đến các kỹ sư quản lí chất lượng (QC), điều phối dự án, quản lí tiến độ dự án… Trong đó mỗi nghề cụ thể lại cần một hiểu biết chuyên sâu, bằng cấp chứng chỉ nhất định theo chuẩn quốc tế, đa số các vị trí công việc đều đòi hỏi khả năng làm việc độc lập cũng như làm việc nhóm, tinh thần hợp tác, khả năng tiếng Anh…

Về đào tạo, để học sinh sinh viên sau tốt nghiệp có thể đảm nhận tốt công việc của một kỹ sư Cơ khí, hiện nay, các cơ sở đào tạo ngành Cơ khí có uy tín đều đặc biệt chú trọng tạo điều kiện để học sinh sinh viên thực hành, thực tập bên cạnh chương trình lý thuyết. Ví dụ như, trường ĐH Công nghệ TP HCM đã thành lập CLB Cơ khí trẻ, CLB Robot; phối hợp cùng các doanh nghiệp tổ chức các hội thảo chuyên đề, kỳ thực tập Doanh nghiệp và ký kết thỏa thuận hợp tác tuyển dụng, thực tập với với đa dạng các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước,... Với quá trình đào tạo gắn liền với thực tế sản xuất, các kỹ sư Cơ khí trong tương lai hoàn toàn có đủ khả năng bắt tay ngay vào công tác chuyên môn, làm chủ công nghệ Cơ khí trong thời đại mới.

Dễ học dễ có việc làm

Theo đại diện tuyển sinh trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, Cơ khí chế tạo là một ngành đang có nhu cầu nhân lực cao, đặc biệt trong xu thế phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam vẫn đang thiếu hụt nguồn nhân lực có tay nghề có trình độ kỹ thuật trong thực tế sản xuất. Chính vì vậy, học sinh sinh viên ngành Cơ khí chế tạo có trình độ Cao đẳng, Trung cấp đều có nhiều cơ hội việc làm ngay sau tốt nghiệp, 100% học sinh sinh viên được giới thiệu việc làm với các doanh nghiệp, tỷ lệ học sinh sinh viên đạt chuẩn đào tạo có việc làm ngay sau tốt nghiệp đều đạt tỷ lệ từ 85% trở lên.

Hiện nay ngành Cơ khí chế tạo được đào tạo tại các trường Đại học, Cao đẳng, trung cấp, trường nghề. Các khoa, được phân chia theo ngành: Cơ khí, cơ khí chế tạo, cơ khí động lực, máy tàu, đóng tàu, với các chuyên ngành: Cơ khí chế tạo, cơ điện tử, công nghệ tự động, kỹ thuật công nghiệp, động cơ diesel và máy phụ, khung gầm, điện ôtô, cơ khí hóa, cơ khí ô tô, kỹ thuật nhiệt lạnh, máy xây dựng, máy xếp dỡ, khai thác máy tàu biển, cơ học… Muốn học nghề cơ khí, người học chỉ cần tốt nghiệp THCS hoặc THPT và tham gia xét tuyển vào các trường Cao đẳng, Trung cấp nghề. Tuy nhiên, theo ý kiến chuyên gia, chọn lĩnh vực Cơ khí chế tạo máy đòi hỏi người học phải thực sự yêu nghề, có tư duy logic và sức khỏe tốt.

Qua khảo sát mức lương phổ biến cho các ngành kỹ thuật - công nghệ bao gồm nhóm ngành Cơ khí - Điện - Điện tử được các doanh nghiệp đưa ra khi tuyển dụng trung bình từ 6 - 10 triệu đồng/tháng trở lên. Kỹ sư ngành Cơ khí cũng được các doanh nghiệp chú trọng tạo cơ hội nâng cao trình độ lên thạc sỹ, tiến sỹ trong và ngoài nước.

PHƯƠNG MINH - ANH QUANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh