CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:21

Cơ hội thoát nghèo bền vững

 

 

Theo điều tra Mức sống gia đình 2010, chương trình trợ giúp xã hội hiện hành có độ bao phủ đối tượng nghèo hạn chế và có sự rò rỉ đáng kể tới nhóm không nghèo. Những chính sách trợ cấp về giáo dục chủ yếu tập trung vào nhóm đối tượng trong độ tuổi giáo dục phổ thông, chưa có một chính sách nào dành cho trẻ em trong độ tuổi giáo dục mầm non (0 đến dưới 36 tháng tuổi)-lứa tuổi được đánh giá là nằm trong giai đoạn phát triển “vàng”. Việc thiếu hụt trong chính sách trợ giúp xã hội khiến nhóm đối tượng trẻ em từ 0 đến 36 tháng sinh ra trong gia đình nghèo khó có điều kiện được chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng và dịch vụ y tế. Bên cạnh đó, việc chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai, đặc biệt là phụ nữ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số cũng chưa có một chính sách trợ giúp cụ thể và trực tiếp giúp người dân nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản cũng như đảm bảo quyền lợi cho trẻ em từ những năm tháng đầu đời. Chính sự bao phủ đối tượng nghèo hạn chế gây ra nhiều khó khăn cho ngành LĐ-TB&XH trong công tác xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ tái nghèo, nghèo bền vững không còn phổ biến mà tập trung chủ yếu ở nhóm đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm 2014, Dự án Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam (SASSP) do Bộ LĐ-TB&XH triển khai, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc đã được triển khai thí điểm tại 4 tỉnh: Hà Giang, Quảng Nam, Lâm Đồng và Trà Vinh.

Ngoài xây dựng hệ thống thông tin quản lý, dự án còn tập trung vào triển khai các chương trình trợ giúp xã hội khác nhau. Dự án tích hợp các chính sách trợ giúp xã hội hiện hành như Nghị định 49/2010/NĐ-CP về miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo theo Quyết định 268/QĐ-TTg…. do nhiều cơ quan phụ trách, dự án mở rộng đối tượng hưởng lợi đối với trẻ em từ 0 đến dưới 3 tuổi thuộc hộ nghèo, trẻ em từ 3 đến dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo không đi học và phụ nữ mang thai thuộc hộ nghèo và hợp nhất thành một gói trợ cấp gia đình do một cơ quan quản lý duy nhất và được chi trả trực tiếp tới người dân thông qua đơn vị chi trả độc lập. Gọi tắt là chương trình “Tạo cơ hội”.

 

Dự án mở rộng đến đối tượng hưởng lợi là trẻ em từ 0 đến 3 tuổi thuộc hộ nghèo.

 

Bên cạnh đó, dự án còn chú trọng thiết kế chiến lược truyền thông hiệu quả tới từng nhóm đối tượng khác nhau, vận động các cơ quan, ban, ngành góp phần vào việc cải cách nền hành chính. Đối với những đối tượng hưởng trợ cấp xã hội, hướng dẫn họ sử dụng tiền trợ cấp đúng mục đích, tập trung đầu tư cho dinh dưỡng và giáo dục cho trẻ em để thoát nghèo bền vững trong tương lai.

Sau 3 năm triển khai chương trình “Tạo cơ hội” (từ tháng 7/2015 đến tháng 6/2018) , đã có hơn 420.000 gia đình tại 4 tỉnh thí điểm được hưởng lợi từ dự án. Đặc biệt, có khoảng hơn 20.000 đối tượng hưởng lợi thuộc nhóm 3 đối tượng tăng thêm đang nhận hỗ trợ từ dự án.

Đánh giá độc lập của các chuyên gia được UNICEF thuê thực hiện trong quý I và quý II/ 2017 cho thấy, việc thực hiện các hỗ trợ này đã góp phần “bù đắp” các khoảng trống trong hệ thống chính sách trợ giúp xã hội hiện hành, đặc biệt là việc “đầu tư” ngay từ giai đoạn đầu đời (thông qua phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ) để cải thiện tốt hơn về thể trạng và trí tuệ cho các thế hệ tương lai. Xuất phát từ yêu cầu thực tế và những kết quả khả quan mà dự án đã làm được, ngày 14/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 488/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030” “100% đối tượng gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thời; nâng mức trợ cấp xã hội hàng tháng; tiếp tục mở rộng diện người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội được hưởng trợ cấp xã hội. 70% người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp với nhu cầu, trong đó tối thiểu 30% đối tượng được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội toàn diện”. Đặc biệt, quan trọng trong giai đoạn này là đã đề cập tới chính sách trợ giúp đối với trẻ em dưới 36 tháng tuổi, phụ nữ mang thai thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn sống ở vùng núi, vùng hải đảo, vùng dân tộc thiểu số. Đây được đánh giá là bước chuyển biến tích cực trong công tác tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam.

KIM CHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh