THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:45

Cơ hội để lao động Việt Nam được công nhận về bằng cấp trong khu vực

 

Công tác đào tạo nghề ở các cấp trình độ của Việt Nam ngày càng được cải thiện.

 

Cụ thể, Khung trình độ quốc gia Việt Nam với cấu trúc gồm 8 bậc trình độ: Bậc 1- Sơ cấp I; Bậc 2 - Sơ cấp II; Bậc 3 - Sơ cấp III, Bậc 4 - Trung cấp; Bậc 5 - Cao đẳng; Bậc 6 - Đại học; Bậc 7 - Thạc sĩ; Bậc 8 - Tiến sĩ.

Theo Bộ GD&ĐT, hiện Việt Nam đã chia theo các cấp bậc trình độ, nhưng chưa rõ ràng, khó hiểu về mỗi bậc trình độ để có thể phân biệt cho nhà sử dụng lao động, cho người học cũng như cho xã hội nói chung. Vì thế, sự thay đổi lớn nhất khi áp dụng theo khung các trình độ quốc gia đang được xây dựng là mỗi bậc trình độ được mô tả rõ ràng, thống nhất, phù hợp với khung tham chiếu trình độ khu vực ASEAN (AQRF) và của châu Âu (EQF).

Nhiều năm nay, hệ thống giáo dục và đào tạo chưa gắn chặt giữa văn bằng cấp cho người học và giá trị năng lực thật tương ứng với văn bằng ấy: Mục tiêu đào tạo chung chung, việc đăng ký đào tạo, tổ chức thực hiện chương trình, thanh tra, kiểm tra ít khi đi cùng các điều kiện đảm bảo chất lượng, kiểm định cũng như quy trình cấp văn bằng chứng chỉ. Khi các trình độ không rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến việc học liên thông, học suốt đời cũng như khó khăn cho việc tuyển dụng.

 

Lao động Việt Nam ngày càng giành được giải cao tại các kỳ thi trong khu vực và quốc tế (P.Tuân).

 

Được biết, từ ngày 31/12/2015, các nước trong Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ công nhận tương đương trình độ kỹ năng đào tạo giữa các nước. Do đó, khi được đánh giá, phân loại theo khung, lao động Việt Nam sẽ có cơ hội được công nhận về bằng cấp, trình độ đào tạo trong toàn khu vực và vì thế tránh bị thiệt thòi trong cơ hội việc làm và đãi ngộ.

Nếu nhìn vào các quốc gia phát triển thì cơ cấu nhân lực có hình trống, tức là phần ở giữa (trung cấp) phình ra chiếm khoảng 48 đến trên 50. Theo các chuyên gia đào tạo về nhân lực, hiện nay bức tranh cơ cấu nhân lực (đến quý 3/2015) có phần to nhất của hình chóp là trên 81% chưa được đào tạo kỹ năng. Tức là ta đang thiếu nhiều nhất lao động được đào tạo ở trình độ trung cấp và lao động có kỹ năng. Do đó trong thời gian tới, chúng ta phải đẩy mạnh đào tạo nhân lực bậc trung. Đồng thời, tăng tốc đào tạo kỹ năng nghề cho lực lượng lao động chưa có chuyên môn kỹ thuật đang chiếm tới trên 81% này. Người lao động trẻ cũng cần thực tế hơn khi lựa chọn bậc đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động.

Theo thỏa thuận với các quốc gia ASEAN, yêu cầu lao động phải được đào tạo chuyên nghiệp và nếu thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, sẽ được di chuyển tự do hơn và nhiều cơ hội hơn. Quy định này dành cho lao động tất cả các quốc gia.

Bên cạnh những thuận lợi, lao động Việt Nam cũng sẽ gặp khó khăn về tính tiêu chuẩn của trình độ giáo dục, giấy phép hành nghề, minh chứng được năng lực và kinh nghiệm - bốn yêu cầu cơ bản của mỗi thỏa thuận công nhận. Trên thực tế, mặt bằng chung trình độ tiếng Anh của lao động Việt Nam còn rất thấp. Rất ít lao động trẻ Việt Nam chú ý học thêm một ngoại ngữ khác là ngôn ngữ của các quốc gia trong ASEAN.

Theo các chuyên gia về giáo dục, những lĩnh vực đang là thế mạnh của lao động Việt Nam có thể kể đến: Công nghệ thông tin, xây dựng, dịch vụ nhà hàng khách sạn, nha khoa, điều dưỡng... Tuy nhiên, việc xác định ngành nghề nào là thế mạnh, trên thị trường mà lao động Việt Nam có thể thâm nhập, thì các cơ quan về quản lý việc làm của Việt Nam rất cần có nghiên cứu đánh giá, phân tích sâu về thị trường lao động.

THANH NGỌC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh