THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:07

Cơ hội để cảnh sát giao thông lấy lại uy lực thực thi pháp luật

 

Từ ngày 1/8, Nghị định 46 (thay thế Nghị định 171 và 107) của Chính phủ chính thức có hiệu lực, với điểm mới là 115 hành vi và nhóm hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ sẽ được tăng mức phạt cao và rất cao.

Lực lượng CSGT toàn quốc sẽ áp dụng mức phạt mới theo Nghị định 46 này và đây là cơ hội để CSGT lập lại trật tự giao thông đã rơi vào tình hỗn loạn thời gian qua; cũng như lấy lại uy tín, quyền uy mà pháp luật đã quy định, nhưng vốn bị “giỡn mặt” từ rất lâu.

Cũng từ hôm nay, tại Hà Nội, lãnh đạo Cảnh sát cơ động Hà Nội tuyên bố lực lượng cảnh sát cơ động sẽ đồng loạt ra quân tuần tra đến 24h, xử phạt những hành vi vi phạm luật giao thông, đặc biệt nhằm các đối tượng xăm trổ, ngổ ngáo cố tình vi phạm giao thông.

 

 Một trường hợp vi phạm giao thông nhưng không bị CSGT xử lý

Có một thực tế đau lòng mà ai cũng thấy rằng, giao thông khắp nơi trên cả nước, từ thành phố đến nông thôn, từ miền Nam ra miền Bắc, hầu hết đã rơi vào hỗn loạn, nếu không muốn nói là rơi vào tình trạng vô luật pháp.

Những hành vi xâm phạm, chà đạp lên luật giao thông (tôi muốn dùng từ “xâm phạm”, chứ không còn là “vi phạm” đơn thuần nữa) diễn ra hết sức phổ biến, hàng ngày, hàng giờ, ở mọi đối tượng (từ nông dân đến học sinh, sinh viên, công chức…), mọi lứa tuổi (từ già đến trẻ), không phân biệt nam nữ, người có học hay người ít chữ…

Sự xâm phạm này phổ biến đến mức, nếu có ai đó dừng chờ đèn đỏ đúng luật còn bị một số kẻ bóp còi inh ỏi, thậm chí chửi bới, để tránh ra cho họ vượt đèn. Họ cứ lao lên phía trước như chốn không người và vô pháp luật.

Nhiều lái xe sẵn sàng trở thành những con ác thú, bất chấp pháp luật, bất chấp hiểm nguy lấn làn vượt ẩu dù sau tay lái của hàng chục, thậm chí hàng trăm con người vô tội. Bất chấp đoàn tàu đang hú còi lao đến, đèn đỏ chói loà, nhiều kẻ vẫn lao cả chiếc xe tải băng cắt đường tàu rồi hậu quả thương tâm cứ ngày càng dày đặc. Biết rõ hiểm nguy cho mọi người, chúng vẫn cứ nhắm mắt làm. Vì thế, rõ ràng, chúng là những kẻ sát nhân cố ý.

Rõ ràng, luật pháp không nghiêm nếu không muốn nói gần như tê liệt trong lĩnh vực này.

Không nghiêm là ở chỗ, hành vi nhận mãi lộ của cảnh sát giao thông đã diễn ra thời gian dài và đến nay, hành vi đó vẫn đang diễn ra công khai ở nhiều nơi mà chưa được xử lý nghiêm.

Không nghiêm là ở chỗ, hiếm có đất nước nào mà người xâm phạm luật giao thông lại có thể ngang nhiên đôi co, cãi lộn, thậm chí lăng mạ, hành hung, rượt đuổi CSGT như ở ta. CSGT đang ngày trở nên yếu thế trước những kẻ vi phạm pháp luật.

Không nghiêm là ở chỗ, trong đa số trường hợp, dư luận sẵn sàng bênh vực kẻ vi phạm, trong khi những cảnh sát giao thông đang thực thi công vụ thì bị kỳ thị, lên án như “tội đồ”.

Không nghiêm là ở chỗ, có quan hệ, có quen biết là có thể xin xỏ được. Có thể bắt gặp không ít CSGT nói với người vi phạm: “Gọi điện cho người thân đi”. Thế là, họ đã mặc nhiên tư tưởng quen thân để xin xỏ, để bỏ qua cho nhau.

Không nghiêm là ở chỗ, nhiều xe công vụ (biển xanh, biển đỏ) vẫn ngang nhiên vượt đèn đỏ trước mặt bao người đi đường; ngang nhiên chạy quá tốc độ; ngang nhiên chạy sai làn; thậm chí, có lái xe công vụ còn vỗ ngực ta đây, nào ai oách bằng ta, nào ai dám xử lý ta…

Những hành vi xâm phạm ấy, tất yếu dẫn yếu dẫn đến sự hỗn loạn về giao thông. Mà sự hỗn loạn về giao thông ấy, sâu xa là sự hỗn loạn trong nhận thức, hỗn loạn trong nhân cách.

Sự hỗn loạn, vô luật pháp ấy là nguyên nhân chính dẫn đến những con số đau lòng: Trung bình mỗi ngày, cả nước có hơn 30 người chết vì tai nạn giao thông. Năm 2015 có gần 8.800 người chết. Sáu tháng đầu năm 2016 có gần 3.600 người chết. Thiệt hại về tài sản thì khủng khiếp.

Biết bao gia đình gánh chịu đau thương, cha mất con, anh mất em, vợ chồng đôi ngã âm dương, rồi hàng chục ngàn người bị thương từ những vụ tai nạn giao thông suốt đời mang thương tích trên người…

Đây thực ra là “Cuộc chiến giao thông giữa thời bình”.

Cuộc chiến đó bắt nguồn từ việc không tôn trọng và thực thi pháp luật của chúng ta. Mà, khi con người không còn tôn trọng luật pháp và không còn tôn trọng những người thực thi pháp luật thì đúng là đáng lo sợ, lo sợ cho cả một xã hội, một nền văn hóa, cho cả một dân tộc.

Hôm nay, Nghị định 46 có hiệu lực. Cảnh sát cơ động và cảnh sát giao thông Hà Nội “nổ phát súng” đầu tiên ra quân “trấn áp” hành vi vi phạm giao thông. Đây có lẽ là cơ hội để lực lượng bảo vệ pháp lấy lại quyền, uy lực, uy tín vốn có của mình.

Những kẻ cố tình chống đối lực lượng thực thi nhiệm vụ thì phải bị xử lý nghiêm, thậm chí cảnh sát phải mạnh dạn sử dụng các công cụ hỗ trợ đã được trang bị là súng, là dùi cui điện, là còng số tám… Phải mạnh mẽ trấn áp những kẻ cố tình chống đối, cố tình vi phạm, coi thường pháp luật, coi thường kỷ cương.

Nhưng bên cạnh đó, ngành công an nói chung và CSGT phải chấn chỉnh lại chính mình, mạnh dạn vứt bỏ những ‘khối u’ khuyết tật mang trên mình bấy lâu. Hãy mạnh dạn nói không với mãi lộ. Hãy thực thi thật nghiêm những quy định của pháp luật.

Chỉ khi xem “pháp luật là tối thượng” thì con người sẽ hành xử theo chuẩn mực và tôn trọng nhau. Giao thông chắc chắn sẽ đi vào khuôn khổ và những dòng xe cộ sẽ là những hình ảnh đẹp.

Thùy Linh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh