CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:19

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Phượng: Hạnh phúc khi trò nói “Sao nhanh hết giờ thế!”

Cô Nguyễn Hồng Phượng và các em học sinh Trường THCS Song Phương trong một giờ học.

Cô Nguyễn Hồng Phượng và các em học sinh Trường THCS Song Phương trong một giờ học.

Chuyển công tác từ Trường THCS Vân Côn, tháng 9/2003 đến nay, cô Nguyễn Hồng Phượng tham gia giảng dạy tại Trường THCS Song Phương, huyện Hoài Đức (Thành phố Hà Nội) ở bộ môn Hóa, Sinh và Khoa học tự nhiên.

Ngay từ những ngày đầu, bên cạnh công việc chuyên môn, cô Phượng được Ban Giám hiệu nhà trường phân công là giáo viên Tổng phụ trách Đội; tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi Hóa của trường, huyện đi thi cấp thành phố. Từ năm 2017 đến nay, cô Phượng còn là Chủ tịch Công đoàn.

Suốt 25 năm trong nghề, điều khiến cô luôn thấy vui là các thế hệ học sinh trong đội tuyển môn Hóa học được cô bồi dưỡng thi học sinh giỏi có nhiều học sinh đạt giải cấp huyện, cấp thành phố. Không dừng ở đó, để tăng cơ hội đạt giải cho các em, ngoài lịch bồi dưỡng của nhà trường 1 buổi/tuần, cô Phượng còn bồi dưỡng miễn phí thêm 3 buổi nữa/tuần.

Cô Phượng thấy hạnh phúc khi trò nói “Sao nhanh hết giờ thế!”.

Cô Phượng thấy hạnh phúc khi trò nói “Sao nhanh hết giờ thế!”.

Từ tháng 3 năm 2020, do tình hình dịch Covid-19 nghiêm trọng, học sinh cả nước phải nghỉ học. “Khi ấy nhờ có người quen trong trường đại học, tôi có được phần mềm dạy học online. Tôi đã xin phép lãnh đạo nhà trường dạy học online miễn phí cho học sinh trong thời gian nghỉ dịch. Sau đó, tôi đăng thông tin về lớp học, giờ học lên Zalo, Facebook để không chỉ riêng học sinh trong trường mà cả ngoài trường cũng có thể tham gia học online. Thật bất ngờ, không chỉ có học sinh trong lớp mà cả các lớp khác trong huyện cũng tham gia rất đông, có buổi lên tới hơn 100 em. Tôi đã phải chia ra nhiều lớp với các khung giờ khác nhau để dạy và lớp cuối cùng trong ngày thường thường kết thúc lúc 21 giờ. Để việc dạy và tiếp thu kiến thức của học sinh hiệu quả, tôi đã sắp xếp lớp học theo trình độ của học sinh, học sinh khá giỏi và trung bình vào một lớp, học sinh yếu cùng một lớp”, cô Phượng cho hay.

Cô Nguyễn Hồng Phượng (ngoài cùng bên trái) trong buổi lễ tặng danh hiệu “Người tốt -  việc tốt” năm 2022.

Cô Nguyễn Hồng Phượng (ngoài cùng bên trái) trong buổi lễ tặng danh hiệu “Người tốt - việc tốt” năm 2022.

“Việc thiết kế nội dung bài giảng sinh động, hấp dẫn của giáo viên sẽ tạo được sự hứng thú cho học sinh. Thiết kế các trò chơi để củng cố luyện tập kiến thức, các em vừa được chơi vừa được học khiến cho giờ học không còn khô khan, cứng nhắc chỉ xoay quanh việc truyền tải kiến thức, học sinh rất háo hức thích tham gia kể cả những học sinh học yếu kém, nhút nhát, ít tương tác trong giờ học trực tuyến cũng trở nên tự tin hơn và mạnh dạn hơn, tương tác với cô giáo nhiều hơn”.

cô Nguyễn Hồng Phượng

Để đổi mới phương pháp giảng dạy từ trực tiếp sang online làm sao cho học sinh hứng thú tiếp thu kiến thức một cách chủ động, cô Phượng luôn trăn trở, tìm tòi, chủ động đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm như: Thu âm bài giảng rồi đăng lên YouTube, sau đó gửi link cho học sinh nghe trước bài giảng để hôm sau cô và trò dễ tương tác hơn. Phương pháp này sẽ giúp học sinh hiểu bài hơn, nếu em nào nghỉ học thì cũng nghe được bài giảng trên YouTube rồi sau đó tương tác với cô. Lượng học sinh truy cập vào bài giảng của cô rất nhiều, có video lên đến vài nghìn lượt truy cập.

Cô Phượng và học trò trong một buổi học. (Bức ảnh đạt giải Nhất do khán giả bình chọn cuộc thi “Dấu ấn hoạt động công đoàn.

Cô Phượng và học trò trong một buổi học. (Bức ảnh đạt giải Nhất do khán giả bình chọn cuộc thi “Dấu ấn hoạt động công đoàn".

Để tạo không khí sôi nổi trong giờ học và học trò tích cực tương tác với giáo viên, hoạt động khởi động ở đầu mỗi tiết học chiếm vị trí rất quan trọng. Để kiểm tra bài cũ nhưng lại liên quan đến bài học mới, cô Phượng đã thông qua các trò chơi như: Đoán ô chữ, bức tranh bí ẩn, quizi, bocket... nhằm tạo cho học sinh có hứng thú ngay từ đầu tiết học; đồng thời cũng giúp các em thêm sôi nổi, tích cực tương tác với giáo viên giúp giờ dạy trực tuyến đạt hiệu quả tốt hơn.

Sau mỗi buổi học, cô thường xuyên giao nhiệm vụ về nhà cho mỗi nhóm học sinh nghiên cứu trước nội dung bài mới ở sách giáo khoa, internet, link video, clip bài giảng mà cô tự thiết kế và xuất bản trên YouTube. Sau đó, cô gửi link vào nhóm lớp rồi thông báo với phụ huynh nhắc nhở con vào học và tự nghiên cứu trước.

Video môn Hóa học, học sinh làm và chia sẻ trong giờ học:

“Các nhóm theo tổ trong lớp tự thảo luận qua zalo. Sau đó, nhóm trưởng sẽ phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, yêu cầu các bạn nghiên cứu và gửi sản phẩm bài làm của mình cho nhóm trưởng. Nhóm trưởng sẽ tổng hợp thành video ở ứng dụng phần mềm Canva, Capcut… rồi tự chia sẻ nội dung video của nhóm mình trong giờ học trực tuyến. Qua đó, các nhóm khác nhận xét bổ sung, cuối cùng giáo viên giảng giải và chốt lại kiến thức…”, cô Phượng chia sẻ.

25 năm gắn bó với bục giảng, cô Phượng luôn tự học hỏi và đổi mới phương pháp dạy học để giúp học trò tiếp thu bài nhanh hơn.

25 năm gắn bó với bục giảng, cô Phượng luôn tự học hỏi và đổi mới phương pháp dạy học để giúp học trò tiếp thu bài nhanh hơn.

Những video do các em làm được cô Phượng đăng lên nhóm giáo viên Hóa học, Sinh học THCS cả nước và được nhiều đồng nghiệp tương tác với cô, tham khảo về phương pháp dạy cũng như việc hướng dẫn để học sinh làm tốt được video.

25 năm gắn bó với bục giảng, cùng sự nỗ lực của bản thân và những thành tích đã được ghi nhận, cô Phượng vinh dự nhận được các giải thưởng cao quí của các cấp trong sự nghiệp trồng người.

Video môn Sinh học, học sinh làm và chia sẻ trong giờ học:

Từ năm 2004 đến nay, cô Phượng đã có 7 sáng kiến kinh nghiệm môn Hóa học cấp thành phố và nhiều sáng kiến ở cấp huyện, nhiều năm liền cô đạt danh hiệu Giáo viên giỏi, Chiến sĩ thi đua, đặc biệt giai đoạn 2010 - 2015 và 2015 – 2020 là giáo viên tiêu biểu - gương điển hình tiên tiến. Năm học 2018 - 2019, 2019 - 2020 cô được Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội tặng Bằng khen “Có nhiều thành tích xuất sắc trong hoạt động công đoàn”.

Cô Phượng chia sẻ chuyên đề về ứng dụng kỹ thuật dạy học trong một số bài giảng Hóa học 8.

Cô Phượng chia sẻ chuyên đề về ứng dụng kỹ thuật dạy học trong một số bài giảng Hóa học 8.

Năm học 2020 - 2021 và 2021- 2022 cô Phượng được Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt -  việc tốt”. Năm học 2020 - 2021, Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “đổi mới sáng tạo trong  quản lý, giảng dạy và học tập”.

Cô và trò trong giờ học.

Cô và trò trong giờ học.

Với tấm lòng tương thân tương ái vì cộng đồng, cô Phượng luôn quan tâm, giúp đỡ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Qua thông tin từ báo, đài và mạng xã hội, cô đã biết được những hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Cô Phượng đã viết bài đăng trên mạng xã hội, tự ủng hộ rồi mới vận động người thân, đồng nghiệp và bạn bè tham gia.

CÙ HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh