Cô đỡ thôn bản: Góp phần giảm tỷ lệ tử vong do sinh đẻ vùng đồng bào dân tộc
- Sức khỏe
- 14:05 - 02/03/2018
Tỷ lệ tử vong mẹ giảm 4 lần
Tại hội nghị biểu dương cô đỡ thôn, bản tiêu biểu năm 2018 và tổng kết 25 năm hình thành phát triển mạng lưới cô đỡ thôn, bản ở Việt Nam vừa được Bộ Y tế tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, trong đó có các mục tiêu về chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em. Tỷ suất tử vong mẹ tại Việt Nam đã giảm mạnh từ mức 233/100.000 trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn 69/100.000 trẻ đẻ sống năm 2009 và chỉ còn khoảng 58/100.000 theo con số ước tính của Tổng cục Thống kê năm 2015. Tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi giảm từ 58 phần nghìn năm 1990 xuống còn 21,8 phần nghìn năm 2016; tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi cũng giảm từ 44,4 phần nghìn xuống còn 14,5 phần nghìn. Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, thành công này có đóng góp không nhỏ của cô đỡ thôn bản trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng đặc biệt khó khăn.
Với chủ trương của Bộ Y tế và sự hỗ trợ Liên minh Châu Âu (EU), sự ra đời của chương trình đào tạo cô đỡ thôn, bản - người dân tộc thiểu số đã tạo bước ngoặt lớn trong giảm tỷ lệ tử vong mẹ tại vùng núi, đồng bào khó khăn. Các cô đỡ thôn bản đã tích cực trong công tác quản lý thai nghén, truyền thông, tư vấn, giáo dục sức khỏe cho người dân, vận động thai phụ đi khám thai và sinh con tại trạm y tế xã. Phát hiện thai có nguy cơ và chuyển tuyến kịp thời, chăm sóc sau đẻ cho cả mẹ và con. Sự đóng góp của các cô đỡ thôn, bản được cộng đồng đánh giá cao và chấp nhận do sự thuận tiện, gần gũi, đáp ứng đúng yếu tố văn hóa của đồng bào. Những thôn bản có cô đỡ, kiến thức và thực hành của phụ nữ dân tộc trong chăm sóc thai nghén, mang thai, sinh con...đã tăng lên rõ rệt. Sau nhiều năm triển khai, hoạt động của các cô đỡ thôn bản đã giúp chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; sử dụng dịch vụ chăm sóc thai nghén cao hơn; các thai phụ có nguy cơ được phát hiện sớm và chuyển tuyến kịp thời tránh được các tử vong không đáng có.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến tặng bằng khen cho các cô đỡ thôn bản
Theo các chuyên gia, cô đỡ thôn bản có cùng văn hóa, phong tục tập quán nên dễ dàng tiếp cận và sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình để tuyên truyền, vận động, cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn ngay tại thôn bản... Vì vậy, đây được coi như một giải pháp tạm thời nhưng rất hiệu quả trong giai đoạn hiện nay, nhằm giúp gỡ bỏ những rào cản về địa lý, văn hóa và tài chính làm cho người phụ nữ dân tộc thiểu số không thể tiếp cận được các dịch vụ làm mẹ an toàn.
Đến nay, sau 25 năm thực hiện chương trình cô đỡ thôn, bản tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm 4 lần, khoảng 58/100.000 trẻ đẻ sống. Hiện có hơn 2.600 cô đỡ thôn, bản hoạt động trong tổng số 8.165 thôn bản khó khăn. Việc tiếp tục duy trì và phát triển mạng lưới cô đỡ thôn, bản góp phần duy trì kết quả thực hiện các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ số 4, 5, hướng tới thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững về sức khỏe bà mẹ, trẻ em vào năm 2030 của Việt Nam.
Thực hiện tốt chế độ đãi ngộ đối với cô đỡ thôn bản
Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, bên cạnh những thành tựu đạt được về chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em, hiện Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức như: sự khác biệt đáng kể về tình trạng sức khoẻ, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền, các nhóm dân tộc; đặc biệt tử vong mẹ, tử vong trẻ em ở khu vực miền núi vẫn cao hơn từ 3 - 4 lần so với khu vực đồng bằng và thành thị.
Theo đại diện của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, cô đỡ thôn bản cần phải được khẳng định là một loại hình nhân viên y tế phù hợp với các vùng dân tộc, miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi người dân khó tiếp cận với hệ thống y tế tuyến xã do các khó khăn về địa lý và các phong tục tập quán. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có một số ít địa phương ban hành chính sách hỗ trợ đội ngũ cô đỡ thôn bản. Vì thế, chính sách duy trì và phát triển đội ngũ cô đỡ thôn bản cần được rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện để bảo đảm tính hiệu quả, khả thi, tạo động lực để đội ngũ này học tập, nâng cao kỹ năng, hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em đối với đồng bào người dân tộc thiểu số.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng quà lưu niệm cho các cô đỡ thôn bản
Tiếp Đoàn đại biểu cô đỡ thôn bản tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng, trên thực tế, việc đào tạo, sử dụng đội ngũ cô đỡ thôn bản còn một số tồn tại, hạn chế do những khó khăn trong công việc, địa hình di chuyển khiến mô hình thiếu tính bền vững. Phó Chủ tịch nước cho rằng, việc phát huy hiệu quả và nhân rộng mô hình cô đỡ thôn bản tới các bản làng mang ý nghĩa to lớn, cần sự chung tay của cả cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại các vùng dân tộc thiểu số.
Thời gian tới, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị, ngành y tế tiếp tục củng cố, hoàn thiện tổ chức, tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực hệ thống, xác định rõ y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng, y tế chuyên sâu đồng bộ và cân đối với y tế cộng đồng. Trong đó, ưu tiên phát triển mạng lưới cô đỡ thôn bản tại các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa; thực hiện tốt chế độ đãi ngộ để các cô đỡ thôn bản yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Những điều cần biết để bảo vệ sức khỏe khi tập luyện ngoài trời
Tập thể dục mùa hè nhưng cũng đừng quên bảo vệ mình khỏi nắng nóng nhé. Uống đủ nước, chọn thời điểm mát mẻ, mặc đồ thoáng mát, bôi kem chống nắng, lắng nghe cơ thể và điều...
5 tháng trước
Tin nên đọc