THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:50

Bác sỹ về vùng sâu, vùng xa: Giải pháp nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở

 

Sẽ đưa 300 - 500 bác sỹ trẻ về công tác tại vùng sâu vùng xa

 Những bác sỹ đầu tiên của dự án gồm: 1 bác sỹ chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh, 1 bác sỹ chuyên ngành ngoại khoa và 5 bác sỹ nhi khoa. Trước đó, những bác sỹ này tôt nghiệp Đại học y loại khá, giỏi và được đào tạo thêm 2 năm, theo phương thức “cầm tay chỉ việc” tại các bệnh viện đầu ngành tuyến trung ương.

Hiện nay, người dân ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn nhiều vất vả trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe do hệ thống y tế còn một số bất cập. Một trong những nguyên nhân là do thiếu nguồn nhân lực y tế nhất là đội ngũ bác sỹ có trình độ chuyên môn chuyên sâu. Dự án đưa bác sỹ trẻ về vùng khó khăn được Bộ Y tế triển khai thực hiện từ tháng 2/2013 với mục tiêu đảm báo tính bền vững nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, theo đó tới năm 2020 sẽ đưa khoảng 300 đến 500 bác sỹ trẻ về công tác tại các địa bàn nêu trên.

Hiện dự án đang đào tạo chuyên khoa I cho 78 bác sỹ thuộc 10 chuyên ngành (nội, ngoại, sản, nhi, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm và y học cổ truyền) trong thời gian 24 tháng.  78 bác sỹ được tuyển dụng là viên chức của các đơn vị y tế, tình nguyện công tác tại 37 huyện nghèo thuộc 13 tỉnh. Trong số trên có 25 bác sỹ tuyển dụng vào 12 bệnh viện trực thuộc Bộ, tình nguyện công tác tại 19 huyện thuộc 10 tỉnh và 53 bác sỹ được tuyển dụng tại 30 huyện nghèo của 12 tỉnh được tiếp nhận và đào tạo chuyên khoa I theo hướng “cầm tay chỉ việc,” được ưu tiên cấp chứng chỉ hành nghề, sau đó sẽ công tác lâu dài tại các huyện nghèo - nơi tuyển dụng và cử đi đào tạo.

Các bác sỹ tốt nghiệp sẽ công tác 3 năm (đối với nam) và 2 năm (đối với nữ) tại các huyện nghèo như đã đăng ký tình nguyện. Sau thời hạn trên, họ sẽ tiếp tục làm việc tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, nơi họ đã được xét tuyển đặc cách vào làm việc trước khi đi công tác tại các vùng khó khăn.

Thời gian tới, dự án tiếp tục làm việc với các bệnh viện trực thuộc Bộ, Sở Y tế để tiếp nhận, tuyển dụng các bác sỹ trẻ tình nguyện đủ tiêu chuẩn tham gia dự án; đồng thời rà soát, khảo sát thực trạng, nhu cầu bác sỹ, nhu cầu đào tạo chuyên khoa I tại các huyện nghèo.Dự án sẽ tiếp tục đào tạo chuyên khoa I cho ít nhất 300 bác sỹ tham gia dự án; theo dõi, giúp đỡ, hỗ trợ bác sỹ trẻ đến công tác tại các huyện nghèo; kiểm tra, giám sát các hoạt động, nối mạng thông tin, thường xuyên giao lưu, cập nhật thông tin giữa bác sỹ trẻ tình nguyện, bệnh viện tuyển dụng, cơ sở đào tạo, bệnh viện/trung tâm y tế tại huyện nghèo...

 

Ngày càng nhiều bác sĩ trẻ xung phong về công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn 


Khuyến khích, đãi ngộ, nhưng cũng cần coi là nghĩa vụ

Hiện cả nước có khoảng 12.000 Trạm Y tế phường, xã, tuy nhiên các trạm y tế này hoạt động không hiệu quả, chưa phát huy hết vai trò và công năng của mình. Bởi thực tế người dân không có niềm tin, thường bỏ qua tuyến y tế cơ sở để lên thẳng tuyến trên khi có nhu cầu khám chữa bệnh.

Thời gian qua, ngành y tế  đã cố gắng giải quyết nhiều vấn đề: tình trạng quá tải, thái độ của nhân viên y tế với người dân, hiện trạng kỹ thuật trình độ... Nhưng vấn đề khó khăn nhất còn tồn tại, là nguồn nhân lực

Tình hình đặc biệt khó khăn ở tuyến xã và huyện. Chính phủ đã có những chính sách tăng đãi ngộ, phụ cấp lên đến 70%, nhưng vẫn không thu hút được bác sĩ giỏi về bệnh viện huyện.

Trong khi đó, y tế cơ sở chính là người gác cổng chăm sóc sức khỏe gần dân nhất. Nếu không xây dựng hệ thống y tế xã và huyện, chúng ta sẽ không phòng được các bệnh không lây nhiễm, như tim mạch, ung thư, tiểu đường... Tuổi thọ của người dân, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em tại các vùng sâu vùng xa, thậm chí ngay cả đồng bằng, và tầm vóc của người Việt Nam sẽ không phát triển, nếu không có chăm sóc sức khỏe ban đầu, không có y tế dự phòng.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế đã thiết kế chính sách để tạo ra nhiều quyền lợi cho các bác sĩ tình nguyện về huyện nghèo. Những sinh viên trường Y tốt nghiệp loại khá giỏi, có tinh thần xung phong, sẽ được cho đi học ngay chuyên khoa 1 với kinh phí của nhà nước, sẽ được nhận vào biên chế các bệnh viện trung ương hoặc tỉnh, trước khi thực hiện sứ mệnh tại vùng khó khăn. Ở đó, nam bác sĩ cam kết gắn bó với địa phương 3 năm, nữ bác sĩ sẽ công tác 2 năm, trước khi được trả về tuyến trên.

“Tham vọng của chúng tôi không chỉ dừng lại ở các bác sĩ trẻ. Để tăng cường y tế cơ sở, tôi nghĩ tới việc các bác sĩ tuyến trên phải về các vùng khó khăn, không chỉ vài tháng mà cả năm, luân phiên nhau. Các bác sĩ nếu cả đời làm tuyến xã không thể giỏi được, họ phải được lên tuyến trên để học. Ngược lại, các bác sĩ tuyến trên cũng phải luân phiên để trạm y tế xã lúc nào cũng có bác sĩ giỏi xuống làm việc.Chúng ta sẽ chỉ có các bác sĩ về vùng khó khăn, nếu kết hợp đủ cả 3 yếu tố: sự đãi ngộ, khuyến khích tinh thần cống hiến, và cuối cùng, là đòi hỏi về nghĩa vụ. Việc này nên phải được thực hiện như một nghĩa vụ của các bác sĩ - ngay cả những người đã nhiều tuổi, đã có vị thế tại các bệnh viện tuyến trên.  Đây là nghĩa vụ mà đất nước, chứ không phải Bộ Y tế, đặt lên vai những người thầy thuốc. Các bệnh viện tuyến trên sẽ luôn quá tải nếu người dân không tin tưởng vào y tế xã. Sức khỏe của 100 triệu người sẽ không thể được cải thiện nếu không tăng cường y tế cơ sở. Đó tất nhiên là một tham vọng, sẽ cần thêm thời gian để thiết kế cả chương trình để áp dụng hiệu quả”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết. 

DUY ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh