"Cò đò" đua nhau chặt chém du khách ở chùa Hương
- Văn hóa - Giải trí
- 06:24 - 08/03/2018
Chùa Hương luôn là điểm du lịch tâm linh hàng đầu mỗi dịp đầu năm
Đò là phương tiện duy nhất để đưa tăng ni, phật tử, khách du lịch gần xa đến với quần thể chùa
Để có thể di chuyển đến quần thể chùa Hương, du khách cần đi qua suối Yến, do vậy đò là phương tiện duy nhất được sử dụng. Chỉ cần đi đến đất Hương Sơn, du khách sẽ gặp ngay các “cò đò” chào mời, lôi kéo đến với nhà đò. Những người này sẵn sàng đi theo khách du lịch cả chục km chỉ để “ép” khách đặt đò. Từ việc mời chào nhẹ nhàng cho đến lôi kéo hay doạ dẫm.
Trong vai khách du lịch đến chùa tham quan, nhóm phóng viên được một “cò đò” mời chào. Khi được hỏi về giá đò, chị đon đả “130nghìn đồng/người/chiều” và không quên thanh minh “Đây là giá hữu nghị, nhà chị là rẻ nhất rồi chứ giá Nhà nước theo quy định là 150 nghìn đồng/người”. Tuy nhiên, không khó để thấy những tấm biển to do Ban tổ chức lễ hội cắm dọc suối Yến ghi rõ giá vé tham quan và giá đò chỉ từ 50 nghìn đồng/người/chiều. Nhiều du khách sau khi lên đò mới nhận ra nhưng cũng đành ngậm ngùi vì “trót ngồi trên đò rồi”.
Giá xuồng đò được quy định
Chị Nguyễn Thu Hà (Hà Nội) lần đầu tiên chị đi lễ chùa Hương bị một nhóm người đeo bám mời chào, không còn cách nào khách chị đành theo một "cò đò" với giá "hữu nghị" làb130.000 đồng/người đi ghép cùng với chúng tôi. Lên đò rồi nhìn thấy giá trên biển, thắc mắc lại thì chị Hà bị lái đò gắt lên. "Thôi thì đi một lần cho biết”-chị Hà ngậm ngùi.
Cũng giống như chị Hà, Anh Trần Văn Tuyên một du khách đến từ TP. HCM cho biết, anh đón tết ở miền Bắc và đi tham quan chùa Hương, tuy nhiên anh cũng bị chặt chém giá đò và cảm thấy hơi khó chịu với dịch vụ đò ở đây.
Theo ghi nhận của phóng viên, do là dịp lễ hội nên dịch vụ đò có thể phục vụ qua đêm, giá đò đêm cũng được tính cao hơn so với ban ngày, khoảng từ 180k/người/chiều.
Không chỉ dịch vụ thuyền đò, dịch vụ vé dù cũng được chào mời với giá gấp đôi so với giá của Ban tổ chức đưa ra. Bên cạnh đó, các quầy hàng bày bán đồ ăn, hàng mã, quầy đồ lưu niệm, dịch vụ xung quanh khu vực chùa Hương cũng tăng giá cả lên rất nhiều so với giá ngoài thị trường.
Với tâm lý chung là “lạ nước lạ cái” nên du khách khi nghe đội quân "cò đò" mời chào sẽ tin và nghe theo các tay mối để có thể nhanh chóng đến được chùa. Ngoài ra, luôn đánh vào tâm lý “tâm linh” của du khách, đến với chốn chùa cần cái tâm, không được kì kèo mặc cả nên nhiều khách du lịch đã bị “chặt chém” không thương tiếc.
Trao đổi với phóng viên, sư thầy M.K thuộc Ban tổ chức lễ hội chùa Hương cho biết, tình trạng chặt chém khách du lịch đều diễn ra khi mùa lễ hội đến và dàn trải suốt từ bên ngoài suối Yến cho đến trung tâm quần thể. Dù công tác quản lý đã được thắt chặt xong một số nhà đò, hộ kinh doanh quanh khu vực vẫn lợi dụng sơ hở để chặt chém, câu khách. Sư thầy M.K cũng khuyến cáo khách du lịch khi đến với chùa nên chuẩn bị sẵn những vật dụng cần thiết, nắm những thông tin cơ bản để biết rõ hơn khi tham quan chùa, nếu có thể hãy liên hệ trước với các nhà đò uy tín để nắm được giá cả hoặc hỏi kinh nghiệm của những người đã từng đi.