THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:55

2 lần giết người và thoát tội nhờ bệnh án tâm thần vẫn thi đậu bằng lái xe B2

Dù bị kết luận tâm thần nhưng Lộc vẫn nộp hồ sơ và được dự bằng lái xe B2 tại Đắk Nông. Nguồn: Lao Động

Theo báo Lao Động, hàng loạt tình tiết bất thường trong vụ án Nguyễn Xuân Lộc (SN 1992, trú xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, Đắk Nông) sau 2 lần ra tay giết người rồi thoát tội nhờ bệnh án tâm thần, đến nay chưa được làm rõ.

Một trong tình tiết vô lý là dù Lộc được kết luận tâm thần nhưng sau đó lọt qua nhiều khâu kiểm tra để đi học và đậu bằng lái xe B2. Về việc này, Sở GTVT tỉnh Đắk Nông khẳng định việc cấp bằng lái xe B2 cho Lộc năm 2014 được thực hiện đúng quy trình.

Theo điều tra của báo Lao Động thì những việc trên tồn tại sự mâu thuẫn. Bởi, vào năm 19 tuổi, Nguyễn Xuân Lộc là chủ mưu vụ sát hại anh Y Nhôih (SN 1976, huyện Cư Jut, Đắk Nông), người chỉ tình cờ gặp sau khi Lộc cùng đồng bọn nhậu xỉn. Năm năm sau, Lộc xuống TPHCM mua súng K59 rồi sau đó về Đắk Lắk lái ôtô nổ súng bắn chết thêm người khác. Tội ác liên tục của Lộc đã rõ, nhưng cả hai lần phạm tội, Lộc đều thoát án nhờ bệnh án tâm thần.

Vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây hoang mang dư luận nên TAND Cấp cao tại Đà Nẵng từng nhận định, quá trình nổ súng bắn chết người, Lộc rất tỉnh táo, ngay cả khi khai báo về diễn biến hành vi phạm tội của mình. Dù vậy nhưng cơ quan điều tra tỉnh Đắk Lắk giữ quan điểm căn cứ vào bệnh án tâm thần để tuyên án bắt buộc đi chữa bệnh đối với Nguyễn Xuân Lộc.

Trước những phản ánh của Báo Lao Động về việc có hay không việc Lộc sử dụng bệnh án tâm thần làm “kim bài miễn tử” sau 2 lần giết người, thượng tá Phạm Thanh Bình - Trưởng phòng Tham mưu kiêm người phát ngôn Công an tỉnh Đắk Nông - nói: “Hồ sơ vụ án chúng tôi vẫn chưa có điều kiện để tiếp cận”.

Trước câu hỏi của PV về việc kết quả tâm thần của Lộc sau 3 tháng gây án liệu có khách quan, ông Bình lý giải: Không phải 3 tháng sau khi gây án Lộc có bệnh án tâm thần mà sau 3 tháng, kết quả giám định tâm thần mới được Trung ương phân viện phía Nam TP.Biên Hòa công bố.  Dựa trên quy định của pháp luật, người bị tâm thần gây án thì cũng phải đình chỉ điều tra” - ông Bình nói.

Tuy nhiên, vào năm 2013 - tức trong thời gian được cho đi chữa bệnh tâm thần, Nguyễn Xuân Lộc lại có trong danh sách 60 học viên tham dự lớp học lái xe hạng B2 do Trung tâm dạy nghề tư thục Đại Lợi (trụ sở tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) mở. Lớp học này khai giảng vào ngày 15/10/2013 và đến ngày 15/1/2014, khóa học bế giảng.

Trả lời câu hỏi tại sao một người tâm thần như Lộc lại có thể nộp hồ sơ và thi bằng lái xe B2, ông Phạm Văn Mạnh - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Nông - cho rằng, Sở GTVT đã thực hiện theo quy định của Bộ GTVT về việc cấp bằng lái xe.

“Người học lái xe phải có hồ sơ gồm đơn đề nghị được học, bản sao chứng minh nhân dân, giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp. Quy định cũng chỉ rõ, toàn bộ hồ sơ học bằng lái xe này sau khi thi xong đều giao cho người học quản lý” - ông Mạnh nói và cho biết thêm, sức khỏe của người lái xe như thế nào thì phải do trung tâm y tế kiểm tra chứ Sở GTVT không nắm được. “Còn muốn hỏi cụ thể thì cần phải tìm đến người học bằng lái xe chứ Sở GTVT không giữ hồ sơ” - ông Mạnh thông tin.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông - cho biết, sau khi nắm thông tin Báo Lao Động phản ánh liên quan đến nhiều dấu hiệu bất thường trong vụ án Nguyễn Xuân Lộc nhiều lần giết người rồi đổ bệnh tâm thần, tỉnh sẽ chỉ đạo ngành y tế, cơ quan pháp y kiểm tra, rà soát lại hồ sơ thi bằng lái xe của đối tượng Nguyễn Xuân Lộc. “Nếu có phát hiện vấn đề gì thì chúng tôi sẽ giao cho ngành công an để điều tra”.

CAO TIẾN (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh