THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 07:48

CMCN 4.0: Nguồn lao động giá rẻ không còn là lợi thế

 

Đóng góp nâng cao tay nghề, chất lượng lao động cũng như thu hút số lượng lao động lớn.

 

Trong bối cảnh này, những gì từng được coi là lợi thế của Việt Nam sẽ biến thành trở lực. Trước đây, Việt Nam là quốc gia có nguồn lao động rẻ, có thể cạnh tranh với nhiều nước khác. Tuy nhiên, việc phát triển lực lượng lao động lại không có tác động tích cực tới nền kinh tế, không mang lại sức tăng trưởng mạnh mẽ. "Để nắm bắt những cơ hội của cuộc CMCN 4.0, Chính phủ Việt Nam sẽ phải tập trung đầu tư vào các hoạt động như giáo dục, nâng cao chất lượng lao động và áp dụng những đổi mới công nghệ vào phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng", ông Justin Wood, Giám đốc Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) khu vực Châu Á khuyến nghị.

CMCN 4.0 đang diễn ra rất mạnh mẽ, bên cạnh những thách thức là nguy cơ mất việc làm. Bởi lẽ đặc trưng nổi bật của CMCN 4.0 là nhiều công đoạn sản xuất sẽ được thay thế bằng máy móc, sẽ là mối đe dọa với lực lượng lao động trình độ thấp đang làm việc trong các nhà máy. Chị Phan Thị Ngân (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), hiện đang làm công nhân tại một nhà máy ở Khu công nghiệp Vsip II (Bình Dương) cho biết, đã làm việc ở đây được 3 năm, với mức thu nhập khoảng 5,5 triệu đồng/tháng. Công việc hàng ngày khá giản đơn, kiểm tra và dán nhãn các sản phẩm nên khi được nhận vào Cty, chỉ sau vài buổi hướng dẫn và phổ biến nội quy Cty, chị đã bắt tay vào làm việc không cần trải qua khóa đào tạo nghề nào.

Công việc đơn giản, đồng nghĩa với việc khi áp dụng công nghệ máy móc có thể thay thế được công việc của chị Ngân rất cao. Tuy nhiên, khi được hỏi về khái niệm CMCN 4.0 và khả năng máy móc sẽ dần thay thế công việc của mình đang làm, chị Ngân cho hay ngày đó chắc còn lâu...

Không chỉ chị Ngân, nhiều nam, nữ công nhân khác tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh cũng rất lơ mơ về cuộc CMCN 4.0. Với nhiều DN, cuộc cách mạng này chỉ diễn ra ở các nước phát triển hiện đại, không ảnh hưởng đến Việt Nam và không ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập của người lao động, nên chưa có ý thức đào tạo, học tập để thích ứng với thời cuộc. Hiện tại các khu công nghiệp, một vòng luẩn quẩn đang diễn ra phổ biến với đa số công nhân, theo kiểu “tăng ca - ngủ - tăng ca”.

Nói về việc người lao động có nguy cơ mất việc do tự động hóa, một số chuyên gia cho rằng nên nhìn cuộc CMCN 4.0 một cách tích cực, đó là tự động hóa nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất, không nhằm mục đích thay thế con người. Tự động hóa sẽ thay thế con người ở những công việc đơn giản, ngược lại các Cty sẽ tăng thêm đội ngũ nhân lực có tay nghề cao để có thể quản lý được máy móc. Khi tự động hóa, thị trường lao động sẽ phải chuyển đổi theo hướng tích cực hơn và chất lượng của đội ngũ nhân sự sẽ được nâng cao. Đóng góp nâng cao tay nghề, chất lượng lao động cũng như thu hút số lượng lao động lớn, các chuyên gia nhấn mạnh, không thể không nhắc đến khối doanh nghiệp FDI.

 “Khách quan mà nói, khu vực FDI đã góp phần thúc đẩy phát triển thị trường lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, cải thiện nguồn lao động có chất lượng cho Việt Nam, làm tăng năng suất lao động trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế”, ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhìn nhận. Tuy nhiên, cũng đã bộc lộ nhiều bất cập trong vấn đề sử dụng lao động của khối này. “Những năm gần đây, nguồn vốn FDI thực hiện chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư cả nước, đóng góp khoảng 20% GDP. Chỉ riêng năm 2017, các doanh nghiệp FDI đã đóng góp cho ngân sách nhà nước gần 8 tỷ USD (chiếm 14,4% tổng thu ngân sách) cũng như tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động trực tiếp và khoảng 5-6 triệu lao động gián tiếp”, ông Thắng nói.

Để chuẩn bị tốt lực lượng lao động trong thời đại CMCN 4.0, GS, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cũng cho rằng, Việt Nam cần xây dựng chiến lược thu hút FDI giai đoạn mới, phải nhìn rõ thực trạng chất lượng lao động hiện nay để có cách xử lý thấu đáo. Theo ông Mại, trong khi vẫn coi trọng các ngành nghề thu hút nhiều lao động ở những địa phương còn kém phát triển thì cần ưu tiên thu hút FDI một số ngành và sản phẩm công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn...

Để làm được việc này, ông Lê Văn Hùng, Viện Kinh tế Việt Nam đồng tình, phải chú trọng việc dự báo nhu cầu lao động cũng như thực hiện hướng nghiệp đối với học sinh ngay từ trường học. Đồng thời các trường học, trường nghề cần phải được quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn chất lượng đầu ra (hướng tới tiêu chuẩn quốc tế về phương pháp và giáo trình); liên kết chặt chẽ các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo. “Thực chất của giải pháp cũng là nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của lao động trong khu vực FDI, từ đó giải quyết tốt những bất an trong vấn đề an sinh xã hội”, ông Hùng nói.

Thanh Nhung - Hoa Hạ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh