THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:32

Chuyện “Vua đào” bắt “Hoa hậu đào” nở đúng Tết

Đẹp nhưng khó chiều

Ðào Thất thốn được biết đến là loài hoa cổ ở làng đào Nhật Tân,với những vẻ đẹp làm say đắm lòng người. Nhưng loại đào này lại bung hoa vào giữa tháng Giêng khiến người dân trồng đào Nhật Tân, xúyt xoa, tiếc nuối do không kinh doanh được. Rất nhiều nghệ nhân làng đào đã tốn không biết bao công sức, tiền bạc dùng mọi cách nhưng đều vô tác dụng, không ép được loại đào quý này nở hoa vào những ngày Tết.

Cụ Minh, 75 tuổi, một nghệ nhân trồng đào nổi tiếng ở Nhật Tân, cho biết: “ Trước kia tôi mất hơn 10 năm nghiên cứu, thử nghiệm, làm đủ mọi cách nhưng đều không thành công nên đành từ bỏ. Loại đào này đẹp nhưng rất khó chăm sóc, khó chiều và đặc biệt chỉ nở hoa vào giữa tháng Giêng”.

Được biết, vì nhiều nghệ nhân chinh phục không được nên đào Thất thốn dần bị lãng quên. Người trồng đào Nhật Tân cũng không mặn mà với nó vì không mang lại giá trị về kinh tế như những loại đào khác.

Để hiểu hơn tại sao đào giống đào quý Thất thốn được ví là “Hoa hậu đào” và mang tiếng “Khó chiều”. Chúng tôi tìm gặp ông Lê Minh Hàm, người đâu tiên và duy nhất ở làng đào Nhật Tân, đã nghiên cứu thành công và hiện tại sở hữu gần trăm gốc đào Thất thốn.

Ông Lê Minh Hàm, người đâu tiên và duy nhất bắt đào Thất thốn bung hoa nhiều vào đúng Tết Nguyên đán, sau hơn 20 năm nghiên cứu.

Theo ông Hàm: Đào Thất thốn chỉ cao tầm 7 tấc, vỏ khắp thân cây xù xì, nhiều rêu mốc. Cứ cách đều đặn 7 thốn, thân hay cành cây lại phân nhánh. Búp Thất thốn mầm nâu xanh, sắc nhọn và cứng cáp như lưỡi kiếm, tràn đầy sức sống. Lá to, dài xanh đậm, hoa của nó thắm dịu, tùy độ tuổi mỗi gốc đào mà hoa có từ 20 – 40 cánh, loại đào bình thường chỉ có 20 cánh. Mỗi thốn cành cây (Tức độ dài bằng đốt ngón tay), có thể trổ tới 7 bông hoa, nên gọi là đào Thất thốn. Thịt quả đào có màu đỏ như mận hậu, xung quanh có những chiếc lá màu nâu xanh nhỏ sắc nhọn, mạnh mẽm nhìn tràn đầy sức sống.

“Trong khi các loại đào khác chỉ đơm hoa ở cành, thì đào Thất thốn có thể bất chợt đơm hoa từ những trụ gốc khô khốc, ở những nơi không tưởng nhất, khiến người ta liên tưởng đến vẻ đẹp bước ra từ bức tranh thủy mặc. Từng có gốc đào thất thốn với 3 bông hoa với giá 30 triệu đồng” ông Hàm cho biết.

Ông Hàm cũng cho hay: “Chính vì vẻ đẹp của đào Thất thốn và vì nhiều nghệ nhân dày dặn kinh nghiệm không chinh phục được. Người chơi đào không tím được loại đào quý để chơi dịp Tết mà vui tính ví nó là “Hoa hậu đào”, “Vương phi”. Phải công nhận là đào Thất thốn đẹp toàn diện, nhưng rất khó chăm sóc, rất khó chiều”.

 Người đầu tiên chinh phục giống đào quý

Trong khi rất nhiều bậc cha chú đi trước phải bó tay và chán với giống đào Thất thốn. Và mọi nhà ở làng đào Nhật Tân trồng các loại đào bình thường để kinh doanh, thì ông Lê Minh Hàm, lại chơi trội một mình một kiểu quyết trồng và nghiên cứu giống đào quý này.

Ông Hàm cho biết,  ông mất 25 năm nghiên cứu, từ năm 1989, mới có được thành công. Ông kể: “Tôi biết, trước tôi rất nhiều người trong làng có rất nhiều kinh nghiệm nhưng không chinh phục được Thất thốn. Tôi cũng lường trước được những khó khăn, nhưng vì sinh ra và lớn lên ở làng nổi tiếng với nghề trồng đào, lại say mê nên tôi quyết định nghiên cứu. Ngày đó, tôi đi khắp làng và những nơi nổi tiếng trồng đào khác để học hỏi kinh nghiệm. Tôi được cái rất say mê, ham học hỏi và biết nghe lời người khác”.

Dựng phòng kín bằng tôn cách điện, điều hòa... để chăm sóc, chiều lòng "Hoa hậu đào" khó tính.

Theo lời ông, khi ông bắt tay vào nghiên cứu rồi liên tiếp nhận thấp bại trong nhiều năm. Nhiều người trong làng, gia đình khuyên ông từ bỏ và chính bản thân ông cũng từng có ý định bỏ. Nhưng vì sự đam mê và yêu Thất thốn đến say đăm ông lại cố gắng. 

Ông Hàm cười tươi chia sẻ: “Năm 2007, sau khi dùng mọi cách tôi cũng bắt được vài cây đào Thất thốn nở hoa vào dịp Tết, nhưng nó lại nở rất ít hoa. Lúc đó tôi rất vui, là bước ngoặt đánh dấu thành công ban đầu sau bao năm cố gắng. Thành công tuy nhỏ nhưng nó như tiếp thêm cho tôi một nguồn sức mạnh để tiếp tục cố gắng nghiên cứu với hy vọng sẽ sớm thành công hơn”.

Sau thành công ban đầu ông Hàm có trong tay không ít kinh nghiệm về loài đào quý này. Ông tiếp tục say mê nghiên cứu với niềm tin năm sau sẽ thành công hơn năm trước. Nhưng loại đào Thất thốn không dễ bị “Chinh phục” dễ dàng. Phải mất 3 năm sau ông Hàm mới đúc rút những kinh nghiệm, kỹ thuật, bí quyết để bắt loại đào “Khó tính” này nghe lời mình.

Ông Hàm, cho hay: “Loại đào Thất thốn vồ cùng khó tính, nó đóng đảnh không khác gì tiểu thư. Sống có phong cách, thanh bạch và cầu kỳ. Bón nhiều chất dinh dưỡng cây dễ chết. Đặc biệt, chỉ ưa nước sạch, đất càng cằn hoa càng đẹp và thắm sắc. Chăm sóc giống đào này rất cầu kỳ, nếu không yêu và say mê nó chỉ có vứt bỏ. Giống đào phải mất 10 năm mới thành phẩm, trong khi các loại đào khác chỉ một vài năm. Đặc biệt sâu, bọ xít... rất thích cắn phá giống đào này, nhưng nó có sức sống rất khỏe. Khó chăm sóc, khó sống nhưng khi đã sống thì rất mãnh liệt. Người chơi đào phải chiêm ngưỡng tận mắt mới cảm nhận được vẻ đẹp mê đắm của nó và khi đã cảm nhận được thì chơi mới thấy sướng.”

Theo lời ông, đào Thất thốn cũng có nhiều loại: Đỏ, hồng, phai, 5 cánh đơn và 5 cánh kép. Trong đó, Thất thốn đỏ là quý và đẹp nhất. Một gốc đào thất thốn thấp nhất cũng có giá chục triệu đồng.

Tiếp tục trò chuyện được biết, để đào Thất thốn nở nhiều hoa và đúng vào dịp Tết, ông Hàm phải dựng 2 phòng bằng tôn cách nhiệt, lắp điều hòa, bóng điện để đảm bảo nhiệt độ, ánh sáng và mọi thứ tốt nhất. Mỗi phòng rộng khoảng 15 m2, chứa 30- 40 cây đào. Chi phí mỗi phòng khoảng 20 triệu đồng. Phòng tôn cách nhiệt được ông thiết kế cẩn thận để thuận tiện cho việc điều tiết nhiệt độ bên trong.

 

Cận cảnh đào Thất thốn trong phòng " đặc biệt" của ông Hàm

Dẫn tôi đi xem phòng “ngự trị” loại đào “ương bướng, khó chiều”, theo quan sát của phóng viên Báo Dân Sinh, 2 căn phòng được ông Hàm dựng bằng mái tôn màu xanh, kin mít. Những kẽ hở giữa phần mái với phần tường (bằng tôn ) và phần cửa được ông bịt kín bằng sốp và bọt biển để tránh không khí ở trong lọt ra, bên ngoài lọt vào. Mặc dù đã dùng tôn cách nhiệt, nhưng phần mái ông Hàm vẫn dùng thêm bạt để che kín toàn bộ. Xung quanh phần chân căn phòng được phủ kín bằng lớp đất nhỏ mịn dày khoảng 10cm. Đặc biệt, những chiếc điều hòa luôn hoạt động hết công suất.

 

Điều hòa hoạt động 24/24 để phục vụ "Hoa hậu đào".

Ông Hàm cho biết: "Không có một nhiệt độ nào cụ thể, mà phải dựa và thay đổi theo thời tiết bên ngoài. Nếu nhiệt độ ngoài trời thấp quá như đợt rét vừa qua thì mình phải cho điều chỉnh nhiệt lên cao và ngược lại. Ngoài ra còn phải thường xuyên quan sát xem tốc độ bung nụ, bung lá của đào như thế nào để điều chỉnh nhiệt cho hài hòa, hợp lý nữa. Mỗi giai đoạn phát triển khác nhau, quan trọng là phải yêu và quan tâm nó, để xem nó thiếu, thừa và cần cái gì để cân đối phù hợp".

Cận cảnh một bông hoa của đào Thất thốn trong phòng máy lạnh.

Ông Hàm tiết lộ, gần một trăm cây đào Thất thốn được ông cho vào 2 căn phòng ngự trị chăm sóc đến nay đã hơn 20 ngày. Và vào khoảng 25- 27 Tết “Hoa hậu đào” mới được ra ngoài.

Những kinh nghiệm chơi đào thất thốn

Sau 25 năm nghiên cứu về loại đào Thất thốn, giờ đây ông Hàm tự tin mình có thế bắt đào nở nhiều hoa đúng vào những ngày Tết Nguyên đán.

Chia sẻ những kinh nghiệm giúp người chơi loại đào “Khó tính” này được đẹp và bền, ông Hàm cho biết: “ Sau khi người chơi thuê, mua đào thất thốn về không phải bón thêm bất cứ thứ gì. Vì tôi đã đảm bảo toàn bộ chất dinh dưỡng cho cây. Đặc biệt, không được bón phân vô cơ. Loại đào này chỉ dùng phân hữu cơ. Khi nào thấy đất khô quá thì mới cần tưới nước. Nếu muốn chơi đào lâu mà màu sắc của hoa vẫn tươi, đẹp thì phải mang đao ra phơi ánh sáng.

Đỗ Đức

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh