THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:33

Chuyện về nữ Giáo sư trẻ nhất trong lịch sử Học viện nông nghiệp Việt Nam

 

Đến với ngành Thú y là cơ duyên định sẵn

Một ngày sau khi nhận giải thưởng cao quý Kovalevskaia, GS.TS Nguyễn Thị Lan đã bắt tay ngay với công việc hàng ngày, vừa tất bật với công tác quản lý, vừa chỉ đạo nghiên cứu khoa học, giảng dạy… Trong câu chuyện với chúng tôi, ánh mắt chị luôn lấp lánh niềm đam mê khoa học. Chị bảo nghiên cứu khoa học là sức sống của trường Đại học, giảng dạy bậc đại học nếu không gắn liền với nghiên cứu khoa học sẽ hạn chế rất nhiều đến chất lượng đào tạo. Chính vì vậy, chị luôn nuôi dưỡng khát vọng đổi mới, chấp nhận thách thức để chinh phục những kiến thức mới, đồng thời luôn chú trọng và tích cực tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học.

 

GS.TS Nguyễn Thị Lan

 

Cơ duyên đưa GS.TS Nguyễn Thị Lan đến với ngành Thú y như được định sẵn. Đó chính là niềm yêu thích cây cối, ruộng đồng từ nhỏ, rồi mong ước học trường gì ra trường có nghề gắn với nông nghiệp. Chị đã chọn thi vào trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Suốt thời sinh viên, chị say mê nghiên cứu khoa học, thường xuyên đề xuất các ý tưởng.

Tốt nghiệp đại học, chị được giữ lại trường làm giảng viên Khoa Thú y. Sau 7 năm làm giảng viên, chị được cử đi Nhật Bản học sau đại học, nghiên cứu sinh tại Đại học Miyazaki. Suốt 5 năm học tập trong môi trường nghiên cứu thực tế, tiếp cận với công nghệ cao ở nước bạn, niềm đam mê càng lớn dần trong chị.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ học tập, nghiên cứu, chị trở về Việt Nam với mong muốn áp dụng những kiến thức mình đã học được trong thời gian qua. Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Thị Lan cho biết, điều kiện cơ sở vật chất khoa Thú y lúc đó vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Vậy làm thế nào để vượt qua được?

Thời gian đó, chị cũng trăn trở lắm, sau nhiều ngày chị đã viết đề xuất nghiên cứu và rất may được Bộ Khoa học Công nghệ xét duyệt, từ đó mở hướng ra nhiều đề tài nghiên cứu, hình thành các nhóm nghiên cứu, thành lập Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ sinh học Thú y thuộc Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Ban đầu hoạt động rất khó khăn vì thiếu thốn nhiều về cơ sở vật chất, nhưng đến nay sau 10 năm hoạt động, phòng thí nghiệm đã đạt tiêu chuẩn ISO, có lẽ đây là một trong những phòng thí nghiệm có nhiều chỉ tiêu xét nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO nhất, gồm 51 chỉ tiêu phép thử, chẩn đoán được hầu hết các bệnh của động vật, áp dụng vào thực tiễn giúp người chăn nuôi, doanh nghiệp, địa phương.

Nhà khoa học của nhà nông

Khi nói về những công trình nghiên cứu, các sản phẩm đã được công nhận và chuyển giao, GS.TS. Nguyễn Thị Lan vui vẻ cho biết: Đó là năm 2009, khi dịch tai xanh ở lợn bắt đầu hoành hành, đây là chủng bệnh mới nên đã mạnh dạn đề xuất nghiên cứu và đề tài “Kít chẩn đoán nhanh hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản (PRRS) hay bệnh tai xanh ở lợn” đã thành công, có ý nghĩa thực tiễn vô cùng to lớn trong việc phát hiện sớm, tiến tới ngăn ngừa và khống chế dịch bệnh trong điều kiện diễn biến phức tạp.

Phương pháp phát hiện bệnh nhanh cho phép khoanh vùng dịch bệnh, giúp cho công tác kiểm dịch Thú ý, lưu thông gia súc và có biện pháp xử lý kịp thời hạn chế lây lan và thiệt hại… Ngoài ra còn có các công trình nghiên cứu như: Công nghệ chế tạo vắc-xin phòng bệnh tai xanh; “Công nghệ chế tạo kháng thể đơn dòng chẩn đoán đặc hiệu bệnh Care (bệnh sài sốt) ở chó”; “Công nghệ chế tạo vắc-xin phòng bệnh Care ở chó”; “Công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh vật (đệm lót sinh học) sử dụng trong chăn nuôi”; “Quy trình chẩn đoán bệnh viêm gan ruột truyền nhiễm (Histomonas) ở gà”…

Có thể nói, đây đều là sản phẩm từ những công trình nghiên cứu khoa học nổi bật mà chị và các đồng nghiệp đã dày công thực hiện tại phòng thí nghiệm trọng điểm. GS.TS Nguyễn Thị Lan cho biết, Phòng thí nghiệm trọng điểm hiện tại đã trở thành địa chỉ tin cậy với bà con nông dân và các doanh nghiệp.

Ngoài việc đào tạo đội ngũ, đây còn là nơi kết nối với các nhà khoa học để tư vấn được các giải pháp, phòng chữa bệnh một cách tốt nhất. Nhiều test thử khó các nơi chưa làm thì ở đây đã làm tốt như kỹ thuật hóa mô miễn dịch, sinh học hoạt tử, bệnh lở mồm long móng, các nghiên cứu về bệnh tai xanh, cúm gia cầm, PED, TGE, Parvo trên chó, bệnh gia cầm… Đây cũng là phòng thí nghiệm đầu tiên phát hiện ra và giải trình tự gen của virus dịch tả châu Phi xuất hiện tại Việt Nam thời gian gần đây.

Chị cho biết hiện đang hướng tới việc tập hợp lực lượng các nhà khoa học của khoa Thú y hợp tác với các nhà khoa học quốc tế để nghiên cứu sâu về dịch tễ học, kít chẩn đoán nhanh và tìm hiểu về tính miễn dịch của virus gây bệnh dịch tả Châu Phi và nhiều bệnh động vật khác nói chung.

 

GS.TS Nguyễn Thị Lan trao bằng Thạc sĩ cho sinh viên tại Lễ tốt nghiệp

 

Mới đây nhất GS.TS Nguyễn Thị Lan cùng các nhà khoa học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phát hiện virus dịch tả lợn Châu Phi trên đàn lợn nuôi ở một số tỉnh phía bắc ngay đầu năm 2019. Chị và các cộng sự đã giám sát, khống chế thành công virus khống chế dịch tả lợn châu Phi, tạo đột phá quan trọng trong nghiên cứu và chẩn đoán bệnh, nghiên cứu vaccine phòng dịch tả nguy hiểm này với ngành chăn nuôi Việt Nam. Với những nỗ lực không ngừng, năm 2018, chị trở thành nữ giáo sư trẻ nhất trong lịch sử của Học viện Nông nghiệp và của ngành Thú y Việt Nam, đồng thời chị được tôn vinh là “Nhà khoa học của nhà nông”.

 

Phụ nữ nghiên cứu khoa học: Cố gắng nhân đôi, vượt khó bằng đam mê

Đó là khẳng định của GS.TS Nguyễn Thị Lan. Chị cho biết, cái khó khăn nhất đối với phụ nữ làm khoa học và quản lý là làm sao để cân bằng trong cuộc sống, phân bổ thời gian hợp lý cho gia đình, công việc và các mối quan hệ khác. Nghiên cứu khoa học là con đường rất chông gai, nếu không có đam mê thực sự sẽ khó lòng vượt qua được. “Nếu gia đình không yêu thương, thông cảm và tạo điều kiện để tôi có thời gian nghiên cứu khoa học thì không thể có ngày hôm nay. Công việc của tôi thường xuyên phải làm việc vào ngày nghỉ, rồi thức đến 1-2 giờ sáng để phân tích kết quả thí nghiệm đảm bảo đúng tiến độ công việc... Nhưng khó khăn đến mấy, chỉ cần có đam mê thì đều có thể vượt qua.”- Chị Lan tâm sự. 

Ở cương vị người đứng đầu Học viện, mặc dù rất bận rộn, nhưng GS.TS Nguyễn Thị Lan vẫn tích cực tham gia định hướng chiến lược, định hướng nghiên cứu cho nhóm nghiên cứu mạnh về vắc xin động vật. Ngoài ra chị đã chỉ đạo thành lập nhiều nhóm nghiên cứu mạnh ở nhiều lĩnh vực khác như quản lý đất đai, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, cơ khí, chế biến thực phẩm… với mong muốn tạo ra những sản phẩm hữu ích với xã hội, kết nối được với quốc tế.

Đến thời điểm này, GS.TS Nguyễn Thị Lan đã có 105 bài báo khoa học trong và ngoài nước đã công bố (đăng trên tạp chí khoa học quốc tế, chuyên ngành có uy tín); tham gia biên soạn 6 giáo trình, sách chuyên khảo, tài liệu hướng dẫn… Đặc biệt, mỗi khi sinh viên cần, chị luôn sẵn sàng tham gia hướng dẫn các em trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Nhiều sinh viên đạt giải cao trong các cuộc thi về khoa học công nghệ, giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học và sáng tạo kỹ thuật VIFOTEC, Tài năng khoa học trẻ Việt Nam…

 

Lãnh đạo và phóng viên Báo Lao động và Xã hội/ thuviensuckhoe.org chụp ảnh lưu niệm cùng GS.TS Nguyễn Thị Lan sau buổi gặp gỡ tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Gia Lâm, Hà Nội)

 

Hiện Học viện Nông nghiệp Việt Nam đứng thứ 5 cả nước trong bảng xếp hạng đại học trong cả nước năm 2019, tăng 18 bậc trong bảng xếp hạng đại học quốc tế năm 2018. Một trong những trăn trở của GS.TS Nguyễn Thị Lan là yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phát triển nông nghiệp hiện đại và nông thôn văn minh. Sinh viên không những phải có kiến thức và trình độ chuyên môn giỏi mà còn phải có những kỹ năng để không bị thay thế bởi robot và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là kỹ năng sáng tạo, hợp tác, kỹ năng tư duy phản biện...

Những năm qua, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã hợp tác với trên 200 doanh nghiệp và hầu hết các tỉnh, thành phố nhằm tạo điều kiện thực tập thực tế cho sinh viên. Học viện đã xây dựng được các hợp tác chặt chẽ với các đối tác Nhật Bản, Israel, Hàn Quốc… trong đào tạo ngắn hạn cho sinh viên và các thành phần trong chuỗi sản xuất nông nghiệp tại nước ngoài.

 

GS. TS. Nguyễn Thị Lan là nhà khoa học nữ trẻ, tiêu biểu trong đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, phục vụ nông dân, vì sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa nông thôn. Sinh năm 1974, GS Nguyễn Thị Lan tốt nghiệp xuất sắc và nhận học vị Tiến sĩ năm 2007 tại Trường Đại học Miyazaki, Nhật Bản. Năm 2014 đảm nhận chức vụ Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Từ năm 2016 đến nay, chị được bổ nhiệm Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Năm 2018, chị được phong hàm Giáo sư, chị còn là Đại biểu Quốc hội khóa 14, Giáo sư danh dự của ĐH Yamaguch (Nhật Bản), Giáo sư thỉnh giảng ĐH Miyazaki (Nhật Bản), đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Thú y châu Á. Cũng trong năm 2018, chị được tôn vinh là “Nhà khoa học của nhà nông”.

THU HẰNG- THANH HUYỀN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh