Chuyện về cây Lim xanh nghìn năm tuổi độc nhất xứ Thanh
- Văn hóa - Giải trí
- 18:09 - 03/11/2017
Báu vật của rừng
Vườn quốc gia Bến En là khu vực chuyển tiếp từ vùng núi Tây bắc và Bắc Trường Sơn, đồng thời cũng là nơi chuyển tiếp giữa đồng bằng ven biển Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh. Nơi đây với các kiểu địa hình núi đất đai thấp xen lẫn hệ thống núi đá vôi và sông hồ tạo nên khu hệ động thực vật phong phú và đa dạng. Đặc biệt, đây còn là trung tâm phân bố của loài Lim xanh nổi tiếng. Song, dưới sức ép từ nhu cầu thị trường, sự gia tăng dân số mà những cánh rừng Lim bạt ngàn trước đây với đường kính hàng chục người ôm không xuể đã biến mất, thay vào đó là các khu rừng tái sinh non trẻ. Nhưng trong quá trình khai thác đó, may mắn vẫn còn xót lại một cây Lim xanh cổ thụ, có tuổi thọ lên đến hàng trăm năm mà nhân dân trong vùng thường gọi là cây Lim nghìn năm tuổi.
Lực lượng kiểm lâm kiểm tra cây Lim xanh
Phải mất gần hai giờ đồng hồ để vượt qua quãng đường khoảng 60 km từ TP Thanh Hóa tới Trạm kiểm lâm Xuân Lý (thuộc VQG Bến En). Từ trạm này, có thể tận mắt chứng kiến một cây cổ thụ cao vút, buông tán cây rộng khắp một vùng đứng sừng sững giữa đại ngàn xanh thẳm.
Ông Lê Xuân Thái, cán bộ pháp chế - VQG Bến En cho biết, cây Lim xanh nằm trên địa phận giáp ranh giữa 2 xã Xuân Khang (huyện Như Thanh) và Tân Bình (huyện Như Xuân). “Đây là cây gỗ quý có đường kính lớn, được xem là “báu vật” còn sót lại trong VQG Bến En. Chúng tôi cũng không rõ cây bao nhiêu tuổi, nhưng người dân quanh vùng thường gọi đây là cây lim nghìn tuổi, bởi nhiều già làng thường nói lớn lên đã thấy cây lim đứng sừng sững giữa đất này. Để bảo vệ cây lim đứng vững trước nạn phá rừng tàn khốc của những năm cuối thế kỷ trước, nhiều cán bộ kiểm lâm và người dân địa phương đã phải đổ máu mới giữa được”- ông Thái kể.
Theo như lời ông Thái nói, kết quả đo đạc năm 2013 cho thấy cây có chiều cao 43 m, đường kính ngang ngực đạt 1,78 m với nhiều bạnh vè nhô ra rất đẹp mắt, uy nghiêm. Sự tồn tại của cây Lim ngàn tuổi như một minh chứng cho sức sống kỳ diệu của nhân dân các dân tộc trên địa bàn, gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của nhân dân trong khu vực.
Cây Lim xanh nghìn năm tuổi duy nhất còn sót lại ở Thanh Hóa
Gốc cây sần sùi, mốc meo và có 2 vết cắt, trong đó có một vết khá lớn được cắt sâu vào thân cây. Đó là những vết cắt mà lâm tặc đã nhiều lần cố đốn hạ cây. Theo lời của các cụ cao niên ở đây kể lại rằng, những năm 1991, 1992 là thời điểm rừng ở Như Thanh bị tàn phá nặng nề, để bảo vệ một số cánh rừng còn sót lại, VQG Bến En đã được thành lập. Tuy nhiên, giữa thời điểm giao thời, có nhiều khu rừng vẫn bị chặt phá không thương tiếc. Nhận định cây lim nghìn tuổi sẽ bị lâm tặc nhòm ngó, VQG Bến En đã cho đặt ngay một trạm kiểm lâm cách cây không xa để bảo vệ cây gỗ quý.
Bảo vệ để nhân giống gen quý
Ông Lê Đình Phương, Phó giám đốc VQG Bến En cho biết: Cách đây khoảng 10 năm một nhóm lâm tặc đã mang cưa, rìu vào để đốn cây, kiểm lâm và công an huyện đã phải huy động lực lượng để bảo vệ cây, ngăn chặn nhóm lâm tặc đốn hạ. Khoảng 3 năm trước, một cành cây rất lớn bất ngờ bốc cháy dữ dội trong đêm, lực lượng kiểm lâm đã phải huy động hàng chục tìm cách cứu cây ngay trong đêm. Tuy nhiên, vị trí cháy cách xa mặt đất nên kiểm lâm không thể tiếp cận được. “Lúc đó khoảng nửa đêm, nếu không kịp thời dập lửa, sợ tàn lửa rơi xuống dưới thì cây lim lâm nguy. Chúng tôi phải nhờ lực lượng công an, quân đội đưa cần cẩu tới mới dập được lửa, cứu cây an toàn. Đến giờ, cũng chưa rõ tại sao lửa lại cháy tận trên ngọn cây. Có thể do người dân đốt nương rẫy làm tàn lửa bay lên gây cháy” - ông Phương kể lại.
Các vết thương của cây đang dần ra da non
Cũng theo ông Phương, trong VQG Bến En hiện đang còn nhiều cây gỗ quý có giá trị, tuy nhiên cây lim cổ thụ này được xem là “báu vật” của rừng do có giá trị lớn về mặt kinh tế và bảo tồn nguồn gen quý nên lâm tặc vẫn nhiều lần nhăm nhe tìm cách hạ cây, nhưng nhờ có sự phát giác, chung tay bảo vệ rừng của người dân nên cây lim cổ thụ và nhiều khu rừng quanh vùng vẫn trường tồn và phát triển xanh tốt đến bây giờ.
Đứng trước thực tế đó, năm 2011 – 2013, VQG Bến En đã thực hiện dự án "Bảo tồn và phát triển loài Lim xanh (Erythrophleum fordii Oliv) tại Vườn Quốc gia Bến En tỉnh Thanh Hoá", trong đó có một nội dung cực kỳ quan trọng, đó là phục tráng và bảo tồn cây Lim nghìn năm tuổi bằng nhiều biện pháp khác nhau như: Xây dựng hàng rào bảo vệ, tuyên truyền cho cộng đồng về công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn cây Lim xanh cổ thụ nói riêng; phát dọn dây leo, bụi rậm; phun thuốc xử lý nấm, mục, diệt mối quanh gốc; phun thuốc kích thích sinh trưởng, thuốc liền vết thương,…
“Năm 2011, dự án được phê duyệt, chúng tôi đã tiến hành điều tra đặc điểm phân bố, cấu trúc lâm phần, tổ thành loài, đặc điểm hình thái, sinh thái, đặc điểm tái sinh của loài lim xanh. Giám sát tại những khu vực có lim xanh còn sót lại phân bố tập trung, đồng thời, theo dõi quá trình sinh trưởng của cây ở vườn ươm, rừng trồng và rừng tự nhiên. Từ đó, xây dựng bản đồ hiện trạng, phân bố loài lim xanh ở VQG Bến En để triển khai việc bảo tồn và phát triển loài. Thông qua đề án này, hiện nay chúng tôi đang khoanh vùng khoảng 1.000 ha lim xanh tự nhiên và trồng mới khoảng 5 ha rừng lim (được lấy hạt từ cây lim cổ thụ và hạt lim trong rừng) để phục vụ cho việc phát triển, bảo tồn loài. Nhờ đó mà giờ đây, nhiều cánh rừng lim xanh tại VQG đang phát triển sinh trưởng tốt, góp phần tạo nên sự đa dạng sinh học tại đây” - ông Phương nói.
Theo kết quả điều tra của VQG Bến En, cây Lim xanh nghìn năm tuổi đã không còn khả năng ra hoa từ năm 2011 và đã bị lâm tặc cắt 1/4 đường kính gốc. Tuy nhiên đến nay sau hơn 3 năm bảo vệ, chăm sóc, phục tráng lại mà cây Lim đã xanh tốt trở lại và hiện nay đã trở thành biểu tượng cho sự trường tồn của cộng đồng địa phương cũng như của VQG Bến En.