CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:59

Thanh Hóa phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ở tất cả các cấp còn thấp

Đây là diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện pháp luật Bình đẳng giới, đưa những đề xuất thiết thực về đảm bảo quyền của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, nhằm thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020.

Các đại biểu tham dự tại hội thảo

 

Ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Bảo đảm bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là một trong những mục tiêu quan trọng của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Liên hợp quốc xác định tăng cường bình đẳng giới và nâng cao năng lực, vị thế của phụ nữ là một trong 8 mục tiêu thiên niên kỷ. Bình đẳng giới là thước đo quan trọng để đánh giá mức độ tiến bộ và phát triển của xã hội và tỷ lệ phụ nữ trong lĩnh vực chính trị là một trong những thước đo để đánh giá trình độ bình đẳng của mỗi quốc gia. Nâng cao với thế của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị có vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới vì sự tiến bộ của phụ nữ, là nền tảng cơ bản góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên toàn quốc cũng như trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Theo số liệu thống kê, hiện nay, từ cấp tỉnh đến cấp xã ở Thanh Hóa có 598 chị, em giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý chủ chốt (trong đó cấp tỉnh có 1 chị là Phó Chủ tịch UBND tỉnh; 27 chị là Giám đốc, Phó Giám đốc các Sở và Trưởng, Phó các Ban, ngành, Đoàn thể cấp tỉnh; 87 chị là Trưởng, phó phòng cấp Sở và tương đương.

Cấp huyện, có 7 chị là Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch huyện, 163 chị là Trưởng, phó các phòng ban và tương đương cấp huyện; cấp xã, có 320 chị là Bí thư, Phó Bí thư xã, phường, thị trấn).

Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 tăng hơn so với nhiệm kỳ trước, có 04 chị là đại biểu Quốc hội (tăng 9,83%), 17 chị tham gia Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (tăng 4,07%); 257 chị tham gia Hội đồng nhân dân cấp huyện (tăng 4,22%); cấp xã có 3.085 chị tham gia Hội đồng nhân dân cấp xã (tăng 3,41%).

Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ở tất cả các cấp còn thấp. Ngoài ra công tác cán bộ nữ còn nhiều bất cập như: phụ nữ ít giữ vai trò cấp trưởng và thường được bố trí đảm nhận những lĩnh vực “mềm” như văn hoá, xã hội, nguồn cán bộ nữ hiện tại và lâu dài thiếu hụt nghiêm trọng.

Tỷ lệ nữ tham gia vào công việc chung của cộng đồng hoặc những vị trí quyết định ở các cấp còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu tạo nguồn cho cấp trên. Cơ chế chính sách đối với việc quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị... chưa được quan tâm đúng mức, nhất là cán bộ nữ cùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, dẫn đến thiếu cán bộ nữ kế cận cho nhiều vị trí lãnh đạo, quản lý...

Trao đổi, thảo luận và chia sẻ tại Hội thảo, nhiều ý kiến được các đại biểu cho rằng để đào tạo được một phụ nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia quản lý lãnh đạo đòi hỏi cần quan tâm xây dựng quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ, nâng cao năng lực của phụ nữ về mọi mặt nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan của hệ thống chính trị; thực hiện quy hoạch gắn với đào tạo bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ nữ đảm bảo yêu cầu phát triển liên tục, bền vững của đội ngũ cán bộ nữ, tránh tình trạng khi đại hội, bầu cử, bổ nhiệm mới tìm kiếm nhân sự.

Bên cạnh đó, chính sách bình đẳng giới cần phải cụ thể hoá trong từng ngành, từng địa phương, từng cơ quan, đơn vị; thể hiện rõ quyết tâm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong hệ thống chính trị nhằm đạt được các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trong giai đoạn hiện nay….

MỘC MIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh