CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:24

“Áo chật” làng nghề

 

Đường đi thành... nơi sản xuất
Có mặt tại Điểm công nghiệp làng nghề mộc xã Vạn Điểm (huyện Thường Tín) ai cũng có thể cảm nhận không khí làm việc khẩn trương, tấp nập của người dân nơi đây. Những người phụ nữ bịt kín mặt, cần mẫn ngồi mài, đánh bóng từng vân gỗ. Cánh đàn ông lực lưỡng thì đánh vật với những khối gỗ lớn, bốc hàng lên xe chuyên chở đi khắp mọi miền đất nước. Bụi gỗ bay mù mịt khắp nơi, mùi sơn PU đặc quánh trong không khí kèm theo tiếng cưa, đục… inh tai. Tại làng nghề này, nhiều lô đất bị chia nhỏ, xây nhà, thiếu diện tích mở xưởng sản xuất, người lao động phải mang vật liệu ra đường để cưa, đục… Trong khu làm nghề đã vậy, tình trạng quá tải cũng lặp lại trong khu dân cư, bởi hầu hết các hộ dân đều tận dụng đường đi lối lại làm nơi sản xuất của gia đình. Hình thành đã 10 năm, Điểm công nghiệp làng nghề Vạn Điểm đang phải đối mặt với tình trạng quy hoạch mặt bằng sản xuất bị phá vỡ vì nhu cầu mở xưởng quá lớn của người dân, vượt gấp nhiều lần diện tích đất mà làng nghề có được.

Một số hộ dân làm nghề mộc xã Liên Trung (huyện Đan Phượng) sử dụng lòng lề đường để chứa vật liệu. Ảnh: Linh Ngọc

Cũng là làng nghề có đến 65% hộ dân chuyên sản xuất đồ mộc, xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) chưa có khu sản xuất tập trung nên hầu hết các hộ đều "mở xưởng" tại nơi ở của gia đình hay tận dụng... đất nông nghiệp. Con đường làng nhỏ hẹp, nhưng mỗi ngày trên địa bàn xã có tới 500-600 lượt xe tải đến - đi lấy hàng. Khắp làng trên, xóm dưới, đâu đâu cũng thấy người dân cưa, đục, bào, mài. Mặc dù các hộ đã dùng phương pháp thủ công để hút bụi và dùng hệ thống quạt để hút mùi sơn… nhưng chỉ hạn chế được phần nào. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ở xã Hữu Bằng phải đi thuê đất ở những địa phương lân cận để mở xưởng sản xuất nên hiệu quả kinh doanh cũng bị hạn chế.

Xã Hòa Bình (huyện Thường Tín) nổi tiếng với nghề chế tác sản phẩm từ sừng, móng, da của trâu, bò. Xã có 3 làng nghề, trong đó làng nghề lược sừng Thụy Ứng và làng nghề mộc Phụng Công đã được thành phố công nhận là làng nghề truyền thống. 90% hộ dân trong làng Thụy Ứng làm nghề lược sừng. Hơn nửa số hộ làng Phụng Công cũng làm nghề mộc. Mặc dù được công nhận làng nghề truyền thống đã lâu, nhưng địa phương cũng chưa có nơi sản xuất tập trung. Ông Nguyễn Văn Sử, một trong những hộ sản xuất lớn ở thôn Thụy Ứng phải tận dụng từng mét đất thổ cư để làm nghề. Mọi diện tích đất trống đều được ông dựng xưởng, nơi trưng bày sản phẩm cũng chính là nhà kho. Ông Sử tâm sự: “Đã hàng chục năm nay, người dân làng nghề mong mỏi được các cấp tạo điều kiện, dành quỹ đất để những người làm nghề có mặt bằng sản xuất, nhưng mãi vẫn không có biến chuyển. Hằng ngày chúng tôi đón nhiều khách du lịch đến tham quan, mua sản phẩm, nhưng nhìn cảnh làng nghề "úi xùi" thế này, chắc họ cũng ngán ngẩm!”.

Mặt trái của sự phát triển
Những làng nghề ở Hà Nội có vai trò quan trọng trong việc góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhiều vùng quê đã thay đổi diện mạo, người dân có thu nhập cao từ làm nghề. Nhưng mặt trái của sự phát triển này là hàng loạt hệ lụy tồn tại nhiều năm nhưng chưa có giải pháp khắc phục triệt để. Nổi lên trong số ấy là việc các hộ dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Rất nhiều làng nghề sản xuất đồ gỗ như: Văn Tự, Vạn Điểm (huyện Thường Tín), Liên Hà, Liên Trung (huyện Đan Phượng)… cũng rơi vào tình cảnh đất nông nghiệp, đất công ở nhiều khu vực bị người dân lấn chiếm hoặc tự ý chuyển đổi đất ruộng thành xưởng sản xuất. Đã có nhiều đợt chính quyền ra quân xử lý, nhưng ngay sau đó vi phạm lại tái diễn. 

Ông Nguyễn Đăng Thịnh, một doanh nhân ở xã Tân Lập (huyện Đan Phượng) cho biết: “Xã Tân Lập có 125 doanh nghiệp, nhưng phần lớn có vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng. Vì không được thuê đất để làm nhà xưởng, nhiều doanh nghiệp đành phải mở xưởng trên đất nông nghiệp. Ai cũng bị xử phạt, thậm chí cưỡng chế tháo dỡ nhà xưởng, nhưng sau đó lại tái vi phạm vì không có mặt bằng sản xuất. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng vi phạm, nộp phạt còn hơn không có nơi làm nhà xưởng”.

Có lẽ, hệ lụy khiến nhiều người lo lắng hơn cả là việc người dân ở những địa phương có nghề phải sống chung với tình trạng môi trường ô nhiễm triền miên với mức độ ngày càng trầm trọng. Vì mưu sinh, người lao động phải chấp nhận sống chung cùng ô nhiễm cho dù nguy cơ mang bệnh vào thân lúc nào cũng cận kề. Những hộ dân làm nghề đồng nát ở xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa) hay xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) mang đủ thứ "phế phẩm" về nhà để lựa chọn, phân loại. Không có kho, bãi chứa vật liệu riêng, mỗi góc sân, mái nhà… của những hộ dân nơi đây đều chất ngất hàng hóa. Không hiểu, nếu cháy nổ xảy ra ở những nơi này thì thảm họa sẽ đến đâu?

Chủ tịch UBND xã Hòa Bình (Thường Tín) Nguyễn Văn Học cho hay: "Cả thôn chỉ có khoảng 10 hộ làm nghề sơ chế da trâu, bò nhưng gây ô nhiễm nặng nề môi trường sống cho khu dân cư, dù các hộ đã thu gom da trâu, bò để ở kho phía ngoài làng. Nguyên nhân là thời gian trước, việc chế tác sản phẩm từ sừng, móng… được mài thủ công bằng tay, lượng mùn còn thu gom được. Nay hầu hết công đoạn mài đều được thực hiện bằng máy, lượng mùn không thu gom được nên trôi theo nước ra ao, hồ, sông. Người dân mong mỏi có nơi sản xuất tập trung, địa phương đã dành quỹ đất, đã có kế hoạch không ít lần, nhưng qua nhiều năm vẫn chưa xây dựng được khiến tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn tiếp diễn từ năm này qua năm khác, ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống người dân khu vực".

Thừa nhận những thực trạng trên, ông Đỗ Đăng Hùng, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất cho biết: Chỉ có giải pháp quy hoạch mặt bằng cho người sản xuất, gom các hộ sản xuất về một điểm thì mới mong giải quyết được vấn nạn ô nhiễm môi trường và tự ý chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp ở những xã có nghề truyền thống. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu nhằm phát triển làng nghề một cách bền vững.

Bài 2: Mở rộng làng nghề là nhu cầu cấp bách!

T.Ngọc (Theo HNM)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh