Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển
- Dược liệu
- 10:29 - 13/07/2023
Tại buổi Mít tinh ngày 11/7, bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo công tác Dân số Thành phố nhấn mạnh: "Chủ đề của Ngày dân số thế giới năm nay khẳng định một điều rằng: Phụ nữ và trẻ em gái có thể làm được nhiều hơn những gì họ đang làm, nếu chúng ta mang đến cho họ một môi trường bình đẳng, để họ có thể thể hiện năng lực bản thân".
Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ nữ tham gia chính trị đứng đầu thế giới. Riêng tại Hà Nội, tính đến giữa năm ngoái, số lượng nữ đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo chính quyền cấp thành phố đạt tỷ lệ gần 20%, cấp quận huyện là gần 30%.
Trong những năm qua, tỷ lệ nữ giới tham gia nghiên cứu khoa học ở nước ta đạt tới 46%, tỷ lệ học hàm giáo sự, phó giáo sư, học vị tiến sĩ, thạc sĩ đạt khoảng 25%… Những con số này là minh chứng rõ nét khẳng định năng lực và những cống hiến to lớn của phụ nữ Việt Nam đối với mọi mặt từ chính trị, kinh tế, xã hội.
Cùng với cả nước, thành phố Hà Nội cũng đang nỗ lực hoàn thiện các mục tiêu về dân số. Hà Nội đã ban hành nhiều kế hoạch với các nội dung như: Đẩy mạnh công tác dân số trong tình hình mới; thực hiện “Đề án chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025"; "Đề án phát triển thể lực, tầm vóc người Hà Nội đến năm 2030".
Những kế hoạch, đề án trên được triển khai ở toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã… đã mang lại kết quả rõ rệt. Tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khoẻ định kỳ, tỷ lệ sàng lọc trước sinh, tỷ lệ sàng lọc sơ sinh, tỷ lệ cặp nam nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khoẻ trước khi kết hôn đều tăng so với năm trước và nhiều năm tăng liên tiếp. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh tiếp tục giảm.
Nhiều mô hình được triển khai hiệu quả, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân như: Mô hình chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi tại cộng đồng; Mô hình can thiệp truyền thông chăm sóc sức khoẻ sinh sản/kế hoạch hoá gia đình tới vùng dân cư đặc thù; Mô hình tư vấn và khám sức khoẻ tiền hôn nhân và Mô hình chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên, thanh niên…
Về phương hướng và giải pháp trong thời gian tới, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền; sự tham gia của các ngành, đoàn thể, nâng cao hiệu quả Ban chỉ đạo công tác dân số các cấp, phát huy mạnh mẽ vai trò của MTTQ, các đoàn thể, nhân dân. Thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị, các cấp của Thành phố và các tầng lớp nhân dân Thủ đô, tạo sự đồng thuận xã hội và tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển. Đưa công tác dân số thành nội dung quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền. Bên cạnh đó, cần đổi mới, đa dạng hoá hình thức, phương pháp truyền thông, giáo dục, phổ biến pháp luật, chính sách về dân số...
Ông Phạm Vũ Hoàng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, toàn Thành phố đã đạt được mức sinh thay thế 2,1 con nhưng quy mô dân số lớn, địa bàn dân cư rộng. Tỷ số giới tính khi sinh của thành phố có xu hướng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, hiện vẫn ở mức 112. Già hóa dân số nhanh. Biến động dân số cơ học hàng năm lớn, do đó khó khăn trong việc quản lý dữ liệu dân cư. Chất lượng dân số còn chưa tương xứng với tiềm năng của Thủ đô. Do vậy cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm và tăng cường sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành để thực hiện công tác dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số của người dân Thủ đô, huy động được nguồn lực để thực hiện tốt công tác dân số, nhất là việc chuyển trọng tâm sang dân số và phát triển.