Chuyện tình cổ tích
- Dược liệu
- 19:56 - 20/02/2018
Câu chuyện tình đầy xúc động của chàng trai Trương Văn Chín, quê ở Tiền Giang và cô gái Nguyễn Thị Phương ở xã Nghĩa Dũng, Tân Kỳ (Nghệ An) từng được báo chí loan tải. Thế nhưng, ít ai biết, hơn 10 năm sau, có nhiều phép màu kỳ lạ đến khó tin đã xảy ra với họ.
Căn nhà mơ ước được Chín làm bằng tre để tặng Phương vào năm 2005 với một ước vọng họ sẽ thành một gia đình hạnh phúc.
Câu chuyện khó tin
Năm 2000, Phương, cô gái 21 tuổi quê Tân Kỳ vào Bình Dương làm công nhân đã không may mắc căn bệnh u tủy hiểm nghèo. Gia đình đưa Phương chạy chữa khắp các bệnh viện nhưng không thành. Một năm sau, Phương gạt nước mắt tuyệt vọng trở về quê chờ chết.
Khi hay tin người yêu đã về quê, Trương Văn Chín, chàng trai quê ở Cái Bè, Tiền Giang tìm cách liên lạc với Phương nhưng bất thành. Một ngày nọ, Chín đón xe đò ra Nghệ An, lặn lội lần theo địa chỉ mơ hồ còn trong trí nhớ do người yêu kể, lần tìm về quê Phương ở xã Nghĩa Dũng(Tân Kỳ-Nghệ An). Sự xuất hiện bất ngờ của Chín khiến Phương quá xúc động. Nhìn thấy người mình yêu thương đang nằm chờ chết trên giường, đôi chân đã teo lại, bất động, Chín cũng bật khóc. Mấy ngày sau, Chín xin bố mẹ Phương cho mình đưa Phương trở lại Sài Gòn để tiếp tục chạy chữa cho Phương với hy vọng còn nước còn tát. 6 tháng trời ròng rã, ban ngày, Chín đi làm thuê, tối lại đến bệnh viện chăm sóc người yêu. Nhưng căn bệnh hiểm này không nơi nào chữa được, Chín đành nuốt nước mắt đưa người yêu quay trở về.
Ngày cưới của Chín và Phương.
Về nhà Phương, Chín có một quyết định khiến cả Phương và gia đình cô sửng sốt khi cậu xin phép được ở lại lâu dài để chăm sóc Phương. Lúc này, Phương đã là một phế nhân, đôi chân hoàn toàn bất động, sức khỏe ngày càng yếu, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải phụ thuộc vào người khác. Từ đó, Chín trở thành người tri kỷ, suốt ngày đêm bên Phương cần mẫn chăm sóc cô. Sự tận tụy của Chín khiến gia đình Phương và cả xóm Gia Đề cảm kích. Ông Trần Công Lan, bố Phương, từng khóc vì xúc động khi thấy Chín quyết gắn chặt với đứa con tàn phế đang chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo này. Ông nhiều lần khuyên Chín về quê để lo tương lai, nhưng Chín không chịu, nói “Phương còn sống thì con chưa về”.
Một ngày gần cuối năm 2006, khi câu chuyện tình xúc động này lên báo, lương y Nguyễn Hữu Khai (lúc đó đang là ông chủ Tập đoàn Đông dược Bảo Long ở Hà Nội) đã cùng các lương y của Bệnh viện Bảo Long đưa xe cứu thương vào nhà Phương thăm rồi chở Phương ra Hà Nội chữa trị miễn phí, với hy vọng duy trì sự sống cho Phương bằng đông y. Đây là một bước ngoặt tạo nên điều kỳ diệu cho câu chuyện tình đẹp này.
Phép màu kỳ diệu
Phương và Chín được lương y Nguyễn Hữu Khai cho ở riêng một phòng bệnh tại bệnh viện. Từ một cơ thể tiều tụy như cái xác khô chỉ nặng 27kg, vài tháng sau, các loại đông dược đã giúp Phương có dấu hiệu hồi phục dần. Một năm sau, điều kỳ lạ đã xảy ra khi Phương được chẩn đoán đã mang thai. Tin này làm chấn động cả bệnh viện, ngay các lương y ở đây cũng sửng sốt vì trên cơ thể mà nửa phần dưới đã “chết”, teo tóp, bất động đến mức tiểu tiện cũng phải qua ống xông bên hông mà vẫn hình thành được thai nhi là điều rất khó tin. Đám cưới của Chín, Phương được tổ chức sau đó ngay tại bệnh viện. Đây là một sự kiện vui chưa từng xảy ra tại bệnh viện này.
Vợ chồng Chín, Phương và con trai Bảo Phúc bây giờ.
Khi cái thai được 8 tháng, Phương được đưa đến Bệnh viện Sơn Tây để bác sĩ theo dõi, chăm sóc để chuẩn bị mổ đẻ. Điều bất ngờ tiếp tục xảy ra, khi các bác sĩ đang lo lắng cho ca mổ này vì sức khỏe của Phương rất yếu thì Phương lên cơn đau và đẻ thành công. Khi nhìn bé trai cân nặng 2,1kg được sinh ra từ cơ thể yếu ớt, được coi như đã “chết” này, các bác sĩ, y tá đều trố mắt kinh ngạc. Vợ chồng Phương vô cùng hạnh phúc khi đứa con ra đời như một mầu nhiệm. “Năm đó, bọn em được đón một cái Tết xa nhà nhưng là cái Tết hạnh phúc nhất trong đời mình”, Phương nói.
Năm 2011, sau 4 năm được Bảo Long cưu mang, Phương khỏe hơn và gần như đã chiến thắng được thần chết, vợ chồng Phương về quê. Hai vợ chồng được bố mẹ Phương cho mảnh đất trong vườn, xây một căn nhà nhỏ, lát gạch men sạch sẽ. Một tổ ấm hạnh phúc như họ mong ước đã hình thành. “10 năm trước, anh Chín làm cho em căn nhà mô hình bằng tre và nói em hãy gắng sống, rồi chúng ta sẽ được hạnh phúc trong căn nhà như thế này. Bây giờ đã thành sự thật rồi anh ạ!”, Phương khoe với tôi.
Những sản phẩm của Phương tự làm trong những ngày ở bệnh viện Bảo Long khi sức khỏe cô đã tốt lên.
Vợ chồng Phương mở một quán tạp hóa nho nhỏ ngay trong nhà mình. Trương Bảo Phúc, cậu bé được sinh ra như một phép màu cũng lớn lên như củ khoai củ sắn trong rừng và hiện đã là cậu bé 11 tuổi, thông minh, hiếu động. Nhớ lại ngày tháng chống chọi với cái chết đang rình rập ngay cạnh giường, Phương nói đó là những ngày rất khủng khiếp và cô không tin mình còn sống đến hôm nay. “Nếu không có anh Chín thì em đã chết lâu rồi. Nhìn cái cơ thể này, em không còn muốn sống nhưng anh Chín đã truyền động lực cho em sống”, Phương nói.
So với 10 năm trước, bây giờ, trên cơ thể Phương, sự sống đã hồi sinh. Phương đã khỏe lên và đã có thể tự ngồi dậy dù không thể tự di chuyển được vì nửa dưới cơ thể đã bất động. “Cuộc sống vẫn còn nhiều chuyện phải lo, nhưng em luôn thấy mình may mắn và hạnh phúc anh ạ!”, Phương nói. Ngồi cạnh vợ, Chín cười rất hạnh phúc. Anh nói, hạnh phúc nhất đời anh là Phương được cứu sống và đứa con, điều mà vợ chồng anh không dám mơ tới, đã ra đời như một món quà vô giá mà trời đã ban tặng cho vợ chồng anh.
Năm 2010, Phương nằm trên giường và bắt đầu viết cuốn “Cổ tích tình yêu” được Nhà xuất bản Công an nhân dân xuất bản năm 2012. Câu chuyện tự kể về giông gió đời mình và tình yêu dâng hiến của Chín cùng những người tốt xung quanh đã mang lại cho cô nghị lực sống. Năm đó, vợ chồng cô được Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tặng giải thưởng “Thanh niên sống đẹp”. Hiện Phương đang viết cuốn “Dòng sông cuộc đời”, nội dung cuốn sách như cô nói là “để cảm ơn cuộc đời đã cho em được sống”.