CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:14

Chuyện tình Mường Xia

Chuyện tình dưới chân núi Lá Hoa!

Mường Xia (tên gọi cũ là Mường Chu Sàn) thuộc xã Sơn Thủy (Quan Sơn, Thanh Hoá), xưa vốn là một vùng đất rộng lớn. Từ xã Điền Trung, huyện Bá Thước lên đến xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa, cho đến tận xã Tén Tằn của huyện Mường Lát ngày nay. Vùng đất nơi biên cương này còn lưu lại cho đời sau những câu chuyện đã khắc ghi vào đá núi. Ở đó có dòng suối Xia ngọt lành ôm lấy chân núi Lá Hoa thơ mộng rồi hợp với dòng sông Luồng tạo thành vùng ngã ba sông hiền hòa. Đất đai trù phú, con người nhân hậu, đoàn kết tạo nên đất Mường Xia có giá trị văn hóa lâu đời và vô cùng đặc sắc.

Núi Pha Dùa gắn với sự tích chuyện tình Mường Xia

Chuyển kể rằng, xưa kia ở đất Mường Mìn có ông Tạo mường giàu có nức tiếng cả vùng. Trong nhà có cô gái út tên là Lá Nọi xinh đẹp như đóa hoa rừng giữa ban mai. Nàng Lá Nọi đem lòng yêu chàng trai ở đất chu Sàn, Mường Xia. Dẫu là cháu họ nhà quan, lại được tiếng là hát hay, khặp giỏi, giọng nói ngọt ngào, tha thiết như tiếng chim rừng buổi minh, nhưng hiềm một nỗi gia cảnh khốn khó nên chàng không xứng đôi vừa lứa với con gái ông Tạo Mường Mìn. Bất chấp sự ngăn cấm hà khắc của cha, nàng Lá Nọi vẫn một lòng một dạ với chàng trai nghèo đất Mường Xia. Họ từng thề thốt dưới ánh trăng ngà bên bờ suối: “chết vào núi đá sống giữa mây mù, về ở trên đỉnh núi Pha Dùa làm thần trai gái...”. Ông tạo Mường sợ chàng rể nghèo sẽ làm ảnh hưởng đến danh gia vọng tộc bao đời nhà Tạo nên tìm mọi cách chia lìa đôi lứa. Ông liền hứa gả nàng út của mình cho nhà giàu sang, cấm nàng Lá Nọi không được xuống thang, đêm trăng không được ra sân dệt vải…

Nhưng tình yêu của họ như ngọn lửa, càng ngăn cấm càng bùng cháy dữ dội. Họ vẫn lén gặp nhau thề yêu cao hơn núi. Họ nguyện chết cùng nhau vào ngày ông Tạo Mường gả nàng Lá Nọi cho nhà giàu sang, biến vào trong hang núi sống quanh làn mây trắng. Lời nguyền bỗng nhiên linh ứng. Từ đó mỗi khi hoàng hôn buông xuống, người dân ở hai Mường lại thấy mây trắng vờn mây hồng bay ngang đỉnh Pha Dùa. Vầng sáng toả ra, lời ca từ trong hang núi hòa vào tiếng sông ngân râm ran không ngớt, tương truyền, đó là tiếng thì thầm yêu nhau của đôi trai gái…

Đến ngày hội nơi biên cương!

Vào khoảng thế kỷ 17, Tướng quân Tư Mã Hai Đào sau khi đánh tan giặc nơi biên cương đã chọn Mường Xia làm sinh sống đến cuối đời. Từ khi Tướng quân Hai Đào lập thủ phủ tại đây, hàng đêm, dưới những nếp nhà sàn đầm ấm của người Thái lại nhịp nhàng tiếng chày khua luống, những lời khặp của đôi lứa trao duyên nơi thượng nguồn xanh tươi. Nhớ ơn người đã có công gìn giữ biên cương, mang lại ấm no, phồn thịnh vùng đất này. Sau khi ông mất, bà con các dân tộc trên địa bàn lập đền thờ để hương khói thờ phụng và coi ông như một người giữ vía cho cả Mường Xia.

Mở đầu lễ hội Mường Xia, các thầy mo sẽ cùng với thanh niên trai tráng trong bản rước hòn “đá vía” về đền thờ chính. Tiếp đó, là sự tái hiện lại những năm tháng mà Tướng quân Tư mã Hai Đào cùng nhân dân dẹp giặc nơi biên cương, khởi nguồn cho một cuộc sống ấm no, hạnh phúc nơi đất mường Chu Sàn. Trong lễ hội, bắt buộc phải có 22 mâm lễ cúng, trong đó gồm có 13 mâm cỗ mặn, 2 mâm vải cuộn, vòng tay và 7 mâm hoa quả, các mâm cỗ này sẽ được các nam thanh nữ tú rước về đền chính, sau đó các “Mo Mường” bắt đầu vào lễ cúng, xin phép tổ tiên, thần núi, thần sông cho phép con cháu được khai hội Mường Xia.

Cũng như người Mường, đối với đồng bào Thái ở vùng đất Mường Xia này, âm thanh của cồng chiêng là thứ âm sắc không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày và đặc biệt là không thể thiếu trong các dịp lễ hội. Khi tiếng cồng, chiêng được vang lên cũng là lúc phần hội chính được bắt đầu, hoà chung với tiếng cồng chiêng là tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng reo hò cổ vũ cho những đội chơi làm rung động cả một vùng thượng ngàn.

Người dân nô nức tổ chức lễ Hội Mường Xia

Hoà với giai điệu của cồng chiêng, các chàng trai cô gái háo hức tham gia vào các trò chơi như; ném còn, khua luống, kéo co, đẩy gậy… Đối với người Thái nơi đây, trò chơi tung còn là trò chơi hấp dẫn nhất trong lễ hội Mường Xia, bởi theo quan niệm của người Thái, tung còn là trò chơi mang ý nghĩa phồn thực, cầu mong giao hoà âm dương, mùa màng tươi tốt. Mở đầu cho các cuộc chơi bao giờ cũng là các cặp thanh niên nam nữ. Trong khi chơi, các chàng trai cô gái có dịp để giao lưu, kết bạn và tìm cho mình một bạn đời.

Văn hoá Mường Xia, trải qua hàng trăm năm đã thực sự ăn sâu vào tiềm thức mỗi người dân nơi đây. Như là một sự nhắc nhở cho con, cháu muôn đời hãy biết trân trọng cuộc sống, chân trọng những giá trị lịch sử về một vùng đất với những con người đã trở thành một tượng mẫu để thế hệ sau noi gương. Lễ hội Mường Xia đã trở thành nét văn hoá chung, đại diện cho cả một tộc người, cả một vùng đất dọc biên cương. Văn hoá Mường Xia được xem như là cơ sở để mỗi làng, bản xây dựng nên những qui ước, hương ước trong việc xây dựng nếp sống văn hoá mới. Mùa xuân này, lại rộn ràng những đêm hội ở bản làng, ngọt ngào trao nhau những câu hát yêu thương, để đất Mường Xia xưa, Quan Sơn nay, mãi mãi là vùng đất của những con người đã làm nên kỳ tích.

HOÀNG MINH - THÀNH PHAN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh